Việc nhận chìm khối lượng bùn, cát khổng lồ trên vào vùng biển chỉ cách vành đai Khu bảo tồn Hòn Cau (được cho là vô cùng quý hiếm của Việt Nam) vài hải lý đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà hải dương học cũng như dư luận, bởi có quá nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa có câu trả lời thấu đáo.
Câu hỏi đầu tiên mà Bộ TN&MT phải trả lời cụ thể cho người dân cả nước được rõ là “có tất cả bao nhiêu mét khối bùn, cát sẽ được nhận chìm vào vùng biển này?”. Điện lực Vĩnh Tân 1 được cấp phép cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát. Con số 2,4 triệu m3 mà Tổng Công ty Phát điện 3 đang làm thủ tục xin phép là khối lượng bùn, cát thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100.000 tấn nhập than cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Vậy liệu còn khối lượng chất nạo vét nào xin nhận chìm nữa không? Nếu còn là bao nhiêu?
Từ vấn đề đặt ra trên đây, một câu hỏi nữa buộc phải được trả lời cho rõ là đánh giá tác động môi trường của việc nhận chìm khối lượng bùn, cát khổng lồ trên được thực hiện theo phương thức nào? Là đánh giá tác động chung cho cả khối lượng nhận chìm lên đến hàng triệu m3 hay là đánh giá riêng cho từng giấy phép? Bởi con số 1 triệu m3 cấp phép trước đó được các nhà hải dương học cho là sẽ gây ra những cơn chấn động sinh thái dữ dội trong lòng vùng biển này thì với con số tiếp theo mà Tổng Công ty Phát điện 3 tiếp tục xin đổ xuống quả thật không biết điều gì sẽ đến. Về mặt khoa học, rõ ràng việc đổ hơn 3 triệu m3 bùn, cát vào cùng một vùng biển (hai vị trí đổ này cách nhau chừng gần 3 hải lý) chắc chắn sẽ dẫn đến các hệ quả hoàn toàn khác so với việc đổ 1 triệu m3. Vậy các tác động này có được đưa ra trong bảng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chung hay không? Hay là ĐTM của việc nhận chìm này bị xé lẻ?
Câu hỏi thứ ba mà Bộ TN&MT cần giải đáp cho dư luận là vì sao Viện Hải dương học (Nha Trang) - Viện Hải dương có thể nói là am tường nhất về vùng biển phía Nam, cùng nhiều nhà khoa học, được xem là đầu ngành hải dương học (TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, hiện là phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam; PGS-TS Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam) đã không có mặt tại hội đồng thẩm định về vấn đề này do Bộ lập ra? Đây là những nhà khoa học đã lên tiếng mạnh mẽ để Bộ phải tạm hoãn kế hoạch cho nhận chìm trước đó của Điện lực Vĩnh Tân 1 và đánh giá lại toàn bộ vấn đề. Điều đó làm cho dư luận nghi ngờ về chất lượng thẩm định của hội đồng này, trong khi quyết định từ hội đồng là căn cứ quan trọng để Bộ cấp phép. Vậy Bộ TN&MT liệu đã lắng nghe một cách đầy đủ để tính toán hết cả khả năng có thể dẫn đến chưa? Và các thành viên hội đồng thẩm định gồm những ai, có thể công khai cho dư luận được rõ?
Chúng tôi cho rằng không ai không ủng hộ các quyết định đúng đắn liên quan đến phát triển nhưng yếu tố đầu tiên để được người dân ủng hộ là phải công khai, minh bạch các thông tin cần thiết để tạo sự đồng thuận cho toàn xã hội, nhất là các chính sách có liên quan đến biển. Bởi biển là môi sinh chung của cả triệu triệu người dân; biển có tác động cực kỳ quan trọng đến hiện tại và cả tương lai con cháu sau này.