LTS: “Có một nhân chứng là người địa phương, biết tiếng S’Tiêng, ở gần nơi xảy ra vụ án, sẵn sàng cung cấp thông tin minh oan cho Lê Bá Mai”. ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đã cho biết như thế tại diễn đàn QH sáng 27-10.
Nhân chứng này là ai? Người này biết gì về vụ án vườn mít? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã hỏi chuyện “nhân chứng mới” này và xin không bình luận gì.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hảo, người mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Mạnh Hùng đã đề cập, để làm rõ những thông tin ông Hùng nói. Bà Hảo sinh năm 1958, quê ở Bắc Giang, vào xã An Khương, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước) sống từ năm 1990. Bà biết rành tiếng S’tiêng. Bà Hảo nói: “10 năm rồi nhưng mọi chuyện còn như in trong đầu tôi. Tôi phải nói ra để lòng tôi nhẹ nhàng, dù chỉ là một hy vọng mong manh minh oan cho thằng Lê Bá Mai. Tôi vừa tiếp tục làm đơn xin được trình bày những điều tôi biết với VKSND Tối cao và TAND Tối cao mà chưa thấy hồi âm”.
“Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai”
. Xin bà cho biết bà biết gì về vụ án?
+ Trước giờ, công an, VKS, tòa án đều nói cháu Út mất tích ngày 12-11-2004. Tuy nhiên, hôm đó mọi việc trong sóc vẫn bình thường. Không nghe ai bàn tán chuyện hiếp dâm giết người gì cả. Cho đến tối 15-11 (một ngày trước khi phát hiện xác cháu Út), trong lúc đi ngang nhà ông Điểu Ky (anh họ nạn nhân, nhân chứng trong vụ án), tôi nghe đám đông trong ấy nói với nhau bằng tiếng S’Tiêng: “Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai”. Tôi lại nghĩ chắc họ đổ cho thằng Mai xịt thuốc cỏ để trâu ăn chết gì đó.
Sáng hôm sau, tôi lên quán mua đồ ăn, nghe người ta nói nhà Điểu Ky đang tụ tập đông người lắm. Tôi nhớ lại chuyện tối qua, lại nghĩ chắc họ muốn đánh thằng Mai. Tôi đi theo lối tắt đến chòi thằng Mai trước để báo tin nhưng không thấy nó. Một nhóm ngang qua nhà thằng Mai nhưng không vào nhà. Tôi đi theo nhóm này, đến chỗ trồng mì thì thấy họ lao vào đánh Mai. Tôi hỏi thì họ trả lời thằng Mai chở con Út đi bỏ ở đâu từ ngày 11, 12 rồi. Tôi hỏi sao không đi kiếm liền bữa đó thì nhóm này bảo không biết.
Sau đó đám ông Ky đến. Tôi hỏi một thanh niên đi đâu thì người này trả lời đi kiếm xác Út. Tôi đi theo sau, đi bộ theo đường mòn, ra đến gốc da thấy nước mênh mông. cái suối nước ngập ngang người lội qua không được nên tôi không đi nữa. Tôi ngồi đốt thuốc thì nghe tiếng la “thấy rồi!”. Tôi chạy vòng qua khu vườn tràm đến coi. Hiện trường không có dấu hiệu gì xô xát ẩu đả cả. Cây mì không đổ, không nghiêng ngả. Xác chết thì quá thối, đã rữa. Không hiểu sao khi chưa biết cháu Út sống hay chết mà họ đã đi kiếm xác, khi chưa phát hiện ra xác chết thì Mai đã bị đánh.
Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu (trái) trong một lần trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hảo. Ảnh: PL
Băng ghi âm đã mất (?)
. Ngoài ra bà có chứng cứ gì khác?
+ Có. Đó là cuốn băng ghi âm cuộc trò chuyện của tôi với Điểu N.
. Điểu N. là ai?
+ Khi chuyện cháu Út rùm beng cả sóc, tôi mới nhớ lại lời kể của ông Tư Queo rằng đêm trước hôm đó thấy thằng Điểu N. đi vào khu vườn mít. Điểu N. suốt ngày say xỉn, từng hiếp dâm một người câm trong sóc. Mấy lần nó đi xuống rẫy tôi uống rượu. Tôi hỏi nó: “Mắc mớ gì mày giết con Út?”. N. nói: “Sao mợ biết?”. Nó còn nói: “Có hay không đi hỏi công an Sinh” (công an viên Nguyễn Văn Sinh, người có mâu thuẫn với Mai, người ghi lời khai ban đầu nhân chứng Hằng, sau này làm nhân chứng của vụ án).
Lần thứ hai, tôi lại hỏi: “Sao mày giết con Út rồi đổ cho thằng Mai?”. Điểu N. trả lời: “Con đâu có đổ. Mợ hỏi công an Sinh”. Lần thứ ba, nó đến nhậu, tôi nói: “Tao hỏi mày lần cuối, mày có nhận không, nếu không tao kêu công an bắt”. Lúc này nó quỳ xuống nói: “Con xin mợ đừng báo. Công an Sinh giết cả nhà con”.
. Bà đã giao nộp chứng cứ này chưa?
+ Tiếc là cuốn băng mất rồi. Bởi thời gian đó tôi thường phân trần thằng Mai bị oan, tôi có trong tay chứng cứ minh oan cho nó… Ai ngờ một buổi tối, nhà tôi bị trộm đột nhập. Cuốn băng tôi để trong nhà biến mất.
Từng được mời lấy lời khai?
. Sao bà không khai những điều này từ hồi vụ án mới xảy ra?
+ Tôi nói với ông Lê Bá Triệu (cha của Mai) làm đơn cho tôi được khai báo. Ông Huấn (điều tra viên) mời tôi ra xã làm việc. Tôi yêu cầu được ghi âm nhưng họ không cho. Vì vậy tôi về. Trước phiên tòa phúc thẩm lần ba, thông qua luật sư Huỳnh Thế Tân - người bào chữa cho Mai - tôi gửi đơn xin tòa được ra làm chứng nhưng không thấy tòa gọi.
. Nghe nói bà bị đe dọa khi đề nghị được làm nhân chứng?
+ Tôi nhận được nhiều số điện thoại lạ. Có khi đầu dây bên kia nói bằng tiếng S’Tiêng, đại ý muốn mua lại chứng cứ của tôi giá 100 triệu đồng. khi thì một số khác gằn giọng hỏi: “Bà đang ở đâu? Bà coi chừng đó!”.
. Ra làm chứng như vầy, bà có sợ liên lụy không?
+ Tôi nói ra sự thật để minh oan cho một con người nên tôi tin rằng sẽ được những người yêu công lý bảo vệ.
. Xin cảm ơn bà.
Thông tin đủ để xem xét lại vụ án Ngày 25-10, tại diễn đàn QH, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng đã chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về vụ án vườn mít. Ông Hùng đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án vườn mít với tinh thần không được bỏ lọt tội phạm nhưng nhất thiết không được để xảy ra oan sai. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Mai không có đơn thư kêu oan gì cả. Vụ này không có yếu tố để tái thẩm, giám đốc thẩm” và “dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ, việc kia và sơ xuất nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án”. Sau đó, ngày 27-10, cũng tại diễn đàn QH, ông Hùng tiếp tục đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án. Theo ông Hùng, ngay sau khi bị tuyên án chung thân, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan; cha mẹ và luật sư của Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan cho con và thân chủ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Ông Hùng cho biết có một nhân chứng đứng ra cung cấp thông tin minh oan cho Mai đã khai báo cho cơ quan điều tra ngay từ đầu nhưng không rõ vì lý do gì bà không được mời làm nhân chứng. Theo ông Hùng, người này đã có đơn xin ra làm chứng nhưng sau khi làm đơn, bà liên tiếp nhận được nhiều lời đe dọa. Trao đổi sau đó, ông Hùng cho biết thêm nhân chứng đó là bà Nguyễn Thị Hảo (bộ đội phục viên, quê ở Bắc Giang, sống ở xã An Khương gần nơi Mai sinh sống). Do biết tiếng S’Tiêng nên bà nắm được nhiều thông tin, sau khi đối thoại với người dân tại đó, bà khẳng định Mai không phải là thủ phạm. “Tôi phải đưa ra thông tin này trước QH vì sau khi làm đơn, bà Hảo đã nhận được những đe dọa, yêu cầu ngừng ngay việc bà đang làm. Lo sợ sự an toàn tính mạng, bà Hảo không dám ở lại tỉnh Bình Phước nữa. Những thông tin trên đủ để cho tòa án và VKS phải xem xét lại vụ án” - ĐB Hùng nói. Từng một lần được tuyên trắng án Quá trình tố tụng kéo dài 10 năm, Lê Bá Mai từng hai lần bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao. Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án. Đến phiên sơ thẩm lần ba, tòa tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội nhưng thay vì tuyên tử hình, tòa lại tuyên mức án chung thân. Bản án này bị VKS cùng cấp kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan. Lê Bá Mai, người từng hai lần bị tuyên án tử, một lần tuyên vô tội và lần cuối bị kết án chung thân. Ảnh: PL Đến phiên phúc thẩm lần ba (ngày 30-8-2013), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án chung thân đối với Mai. Sau đó Mai và người nhà liên tục kêu oan. Nhiều ĐBQH và các vị nguyên là lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị xem xét lại vụ án. Theo hồ sơ, ngày 16-11-2004, người nhà phát hiện thi thể cháu Thị Út (11 tuổi) tại vườn mít trong trang trại của ông Dương Bá Tuân ở Hớn Quản (Bình Phước). Sau đó Mai bị bắt. Toàn bộ vụ án chỉ có Hằng (khi ấy mới chín tuổi) là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở Út đi. Trong lời khai đầu tiên (ngày 15-11-2004), Hằng khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi. Trong đơn trình báo cùng ngày, ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, nhân chứng Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu thay đổi lời khai, từ “thấy người thanh niên” đến “người thanh niên giống Mai” và cuối cùng là “người thanh niên chở Út đi là Mai”… |