Nói về chính sách thu hút và đào tạo nhân tài của TP, ông Nguyễn Thương (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho hay cái ưu của nhân tài diện thu hút là giải quyết ngay nhu cầu cho các đơn vị thiếu cán bộ. Trong khi đó, nhân tài được cử đi đào tạo (đề án 922) là của để dành cho tương lai, lâu dài.
Như những củ khoai rời rạc
“Tuy nhiên, chính sách thu hút và đào tạo nhân tài vẫn còn nhiều hạt lép, các đơn vị sử dụng nhân tài còn này nọ. Các nhân tài là hạt giống tốt nhưng những hạt nào rơi vào mảnh đất tốt. Người chăm tốt thì phát triển còn những hạt nào rơi vào đất xấu, không được chăm sóc thì không thể phát triển được nên hạt lép” - ông Thương phân tích.
Về vấn đề nhân tài “mắc kẹt” biên chế, ông Thương cho hay vấn đề biên chế là của trung ương, thậm chí còn tinh giảm nữa. “Tư tưởng của các em vẫn còn bất an, biết bao giờ mình vào biên chế. Hiện Bộ Nội vụ cấm TP ký hợp đồng lao động với lao động tại khu vực hành chính, chỉ cho hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp thôi nhưng chúng ta đang có 600 người sử dụng lao động hợp đồng này và tương lai phải giải quyết biên chế cho họ trước đã”, ông Thương cho hay.
Ông Nguyễn Thương (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng). Ảnh: LÊ PHI
Về khía cạnh hạn chế, ông Huỳnh Văn Hoa (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho hay TP đã phải bỏ ra số tiền rất lớn là 634 tỉ đồng để đào tạo nhân tài.
Theo ông Hoa, phải thừa nhận ngành nghề đào tạo có lúc lại phụ thuộc vào sự chủ quan của lãnh đạo TP; phụ huynh học sinh chọn ngành chọn quốc gia học tập mà TP phải theo nên có cảm tưởng có "kiêu binh; hụt hẫng của nhân tài khi được bố trí công việc (70% nhân tài không bằng lòng)…
Ông Hoa cũng ví von các nhân tài đang rời rạc như những củ khoai lăn lóc mỗi củ một nơi. “Một thế hệ nhân tài không có thủ lĩnh, không có một tập thể để hoạt động và tụ tập trí thức, hoạt động khoa học, làm từ thiện…”, ông Hoa nhận xét. Vì vậy theo ông Hoa, có nhân tài nói với ông là đã ân hận vì đã tham gia đề án.
Không thu hút về làm để làm quan
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Đặng Công Ngữ thì cho rằng cái đạt được của việc thu hút và đào tạo nhân tài của TP đó là chủ trương đúng đắn, bổ sung lượng cán bộ kịp thời sau thời kỳ tách tỉnh. Ông luôn bảo vệ quan điểm của mình là thu hút sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn so với đào tạo nhân tài.
“Mình không thể ấn định chỉ tiêu là thu hút bao nhiêu % nhân tài về làm quan và bao nhiêu % nhân tài là chuyên gia. Tôi không ủng hộ việc này. Ngay từ đầu mà thu hút về nói để làm quan, cán bộ lãnh đạo thì tâm lý của họ là về để lãnh đạo mà quên đi sự phấn đấu trong quản lý công việc, học thuật, nghiên cứu để tham mưu các chính sách cho TP. Bây giờ anh cứ công hiến, có năng lực, trình độ và thực tài thì kiểu gì chẳng được đề bạt khi chế độ trọng dụng người tài chiếm lĩnh trong xã hội”, ông Ngữ nói.
Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng). Ảnh: LÊ PHI
Ông Ngữ góp ý cần quan tâm hơn tới các câu lạc bộ về khoa học, chuyên gia. Cho các tổ nhóm các nhân tài mà TP thu hút được tham gia phản biện các cuộc họp để góp ý cho TP vì cái này chỉ có tốt lên thôi.
“Anh em đang so sánh lương nhân tài thu hút về giờ không bằng cả lương osin nên anh em rất băn khoăn. Vì vậy TP phải trích kinh phí cho các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi về khoa học… và tranh thủ cho anh em có nguồn thu nhập xứng đáng bằng các đề tài nghiên cứu, công trình khoa học ứng dụng vào thực tế, chuyển giao công nghệ. Có vậy thì nhân tài mới đủ sống”, ông Ngữ nói.
Ông Ngữ cho rằng cái quan trọng nữa là cái “tình của lãnh đạo với nhân tài”. Lãnh đạo phải quan tâm và lắng nghe.
Nhân tài sợ bị “chiếu tướng”
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng thì cho rằng muốn đánh giá được hiệu quả của công tác nhân tài thì cần phải để cho 1.908 nhân tài có các báo cáo chi tiết về mình. Và cần có tính toán hợp lý để thu hút nhân tài về làm việc cho TP. Vì TP từng thu hút một tiến sĩ khoa học về phương pháp giảng dạy tiếng Nga về không biết bố trí làm việc ở đâu.
Ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Ảnh: LÊ PHI
Ông Tiếng cũng cho rằng có tâm lý là nhân tài mới về không dám nói, không dám phản biện vì sợ bị… “chiếu tướng”. Ông Tiếng nói, ngay cả ông làm lâu rồi mà góp ý phản biện trái ý lãnh đạo cái cũng bị “chiếu tướng” ngay. Bởi vì lãnh đạo chúng ta đang thích những cái gì đó dễ nghe, không thích phản biện và góp ý thẳng thắn.
Ông Tiếng cho rằng lãnh đạo mà chỉ thích nghe lời ngọt tai là chỉ có chết. Còn lãnh đạo nào vì sự thịnh suy của TP thì cần lắng nghe cả những lời phản biện, góp ý, thậm chí đi ngược lại. “Lúc đến mời họ thì trải thảm đỏ khi họ về người của mình rồi lại bạc đãi. Bởi có người thực sự giỏi đã ra đi, họ rất gắn bó với mình nhưng mình ứng xử không phù hợp. Họ nói những lời phản biện nhưng mình không thích nghe”, ông Tiếng bộc bạch.