Nhật đẩy mạnh sự hiện diện tại biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á đầu tháng 5, vấn đề biển Đông nổi lên là chủ đề thường xuyên được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nhắc đến.

Liên tiếp tăng cường hiện diện

Tại Thái Lan, ông Kishida lên tiếng kêu gọi các quốc gia trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Ông cũng kêu gọi ASEAN “củng số sức mạnh đoàn kết” cũng như “vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực Đông Á”.

Phát biểu tại ĐH Chulalongkorn ngày 4-5, ông Kishida khẳng định: “Lĩnh vực mà tiêu chí “thượng tôn pháp luật” đang bị đe dọa nhiều nhất chính là an ninh hàng hải”.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực nhanh chóng xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả trong vấn đề biển Đông. Trong thời gian công du tại Lào - quốc gia hiện đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN, ông Kishida bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Viêng Chăn giảm thiểu các căng thẳng trong vấn đề biển Đông.

Theo tờ Japan Times, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp được tổ chức tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ cố gắng thuyết phục các nước G7 xây dựng một “mặt trận thống nhất” chống lại các động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Trả lời hãng thông tấn Kyodo, một quan chức Nhật Bản cho biết: “Mục đích của Nhật Bản là cố đạt được sự đồng thuận giữa các nước G7 về vấn đề biển Đông và quan sát xem bao nhiêu thành viên ASEAN có thể nối bước theo quyết định của G7”. Nhật Bản trong thời gian qua cũng lên án các hành động bành trướng và tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến thế giới “vô cùng lo lắng”. Thông điệp này được ông Kishida đưa vào cuối tháng 4, ngay trước chuyến công du đến Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters.

Các hoạt động hợp tác quốc phòng trong khu vực cũng được Nhật Bản liên tiếp đẩy mạnh. Tháng 4-2016, Nhật Bản đã cử tàu sân bay trực thăng JS Ise tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK), chủ trì bởi hải quân Indonesia. Quan chức Nhật Bản khẳng định trên tờ Japan Times rằng hải trình đi qua biển Đông của chiếc JS Ise không liên quan đến việc hải quân Mỹ tuần tra áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguồn tin của nhiều tờ báo lớn như Sankei ShimbunYomiuri Shimbun đều tiết lộ động thái này nhằm “gửi thông điệp đến Trung Quốc” và tạo đối trọng với nước này.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ trang thiết bị quân sự với Philippines và đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cho Philippines thuê năm máy bay tuần tra biển TC-90. Tàu chiến của Nhật Bản cũng liên tiếp ghé thăm cảng quân sự nhiều quốc gia trong khu vực, nổi bật nhất là lần ghé thăm cảng quân sự Subic của tàu JS Ise và lần cập cảng Cam Ranh tháng 4-2016 của hai chiến hạm Ariake (DD109) và Setogiri (DD156).

Vấn đề biển Đông thường xuyên được đề cập trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Japan Times

Tàu sân bay trực thăng JS Ise lần thứ hai ghé thăm cảng Subic của Philippines. Ảnh minh họa: GMW

Biển Đông trong chiến lược của Tokyo

Những động thái liên tiếp trên đang thể hiện rõ chiến lược tăng cường sự hiện diện của Tokyo trên biển Đông trong năm 2016. Prashanth Parameswaran - biên tập viên trang bình luận The Diplomat cho rằng những nỗ lực tương tự sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian sắp tới.

Trả lời tạp chí Stars and Stripes (Mỹ) vào tháng 3-2016, ông Tetsuo Kotani - nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Nhật Bản từng cho rằng Tokyo cần hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực quốc phòng, hướng đến hình mẫu tương tự như lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực cần cân nhắc phối hợp tuần tra chung với hải quân Mỹ.

Theo ông Kotani, các động thái xây đắp đảo nhân tạo và triển khai trang thiết bị quân sự đến biển Đông của Trung Quốc là nhằm mục đích biến vùng biển này thành “ao nhà”. Điều này sẽ làm suy giảm an ninh của cả Nhật Bản lẫn nước Mỹ. Ông cho biết: “Sự thịnh vượng và an ninh của Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào tình hình an ninh khu vực và toàn cầu. Đối với Nhật Bản, thách thức số một chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông Kotani cho rằng Nhật Bản cũng không nên thúc đẩy quá nhanh những nỗ lực hỗ trợ các đối tác trong khu vực.

Theo ông Takuya Shimodaira, giảng viên thỉnh giảng của ĐH Hải chiến Mỹ, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cũng có nhiều tiềm năng tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Viết trên trang National Interest, ông đánh giá JMSDF có thể tập trung vào các hoạt động hàng hải phi tác chiến như tình báo, giám sát và trinh sát nhằm hỗ trợ Philippines và các quốc gia ASEAN trong vấn đề biển Đông.

Theo ông Shimodaira, việc thực hiện các chiến dịch phi tác chiến này tại biển Đông có khả năng mang lại lợi ích cho Nhật Bản. Cách thức này giúp Nhật Bản cụ thể hóa chính sách “Chủ động đóng góp cho hòa bình” mà Tokyo đã thông qua vào năm 2014. Đồng thời, Nhật Bản vừa có thể hỗ trợ các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực và củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai nước.

Thông qua các chiến dịch phi tác chiến, Nhật Bản cũng thể hiện được thái độ chủ động đóng góp cho tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những chiến dịch này không làm dấy lên mối lo ngại thay đổi thực trạng biển Đông bằng vũ lực và giúp củng cố niềm tin của các quốc gia trong khu vực.

Thông qua việc gia tăng tham gia các hoạt động phi tác chiến trên biển Đông, Nhật Bản có thể xây dựng một hình mẫu an ninh mới đối với năng lực hải quân quốc gia. Đây có thể là cơ hội để Nhật Bản thể hiện sự cam kết đối với các mục tiêu hòa bình, đồng thời làm giảm sự lo ngại của quốc tế trước các nỗ lực cải cách hiến pháp hòa bình mà chính quyền Shinzo Abe đang theo đuổi.

Trung Quốc không bằng lòng

Phía Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không bằng lòng ra mặt trước những động thái liên tiếp của Nhật Bản. Trong cuộc họp báo đầu tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã mô tả: Nhật Bản đang liên tục thể hiện “thái độ hiện diện” của mình tại khu vực “một cách gần như bị ám ảnh” về các vấn đề biển Đông.

Hồi tháng 4, nhận định về các bước tiến trong hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines, ông Hồng Lỗi cũng lên tiếng cảnh cáo: “Nhật Bản không phải là một bên liên quan trong vấn đề biển Đông. Chúng tôi đang rất quan ngại trước các động thái của họ. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải phát ngôn và hành động cẩn trọng, không làm bất kỳ điều gì đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Kyodo: Việt Nam mong Nhật Bản đóng góp tích cực hơn

Theo hãng thông tấn xã Kyodo (Nhật Bản), trả lời phỏng vấn vào ngày 14-5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Nhật Bản, với vị thế một cường quốc khu vực, cần đóng một vai trò tích cực hơn thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông. Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam mong Nhật Bản đưa ra các nỗ lực hiệu quả để thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển Đông.

Theo bài viết của hãng thông tấn Kyodo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến viếng thăm Nhật Bản trong khoảng thời gian 26 đến 27-5. Thủ tướng sẽ tham dự phiên họp mở rộng của Hội nghị thượng đỉnh G7, tổ chức tại tỉnh Mie thuộc vùng Kansai (Nhật Bản).

Thủ tướng cũng mô tả mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đang ở “giai đoạn phát triển tốt nhất từ trước đến nay”, theo bản tin của Kyodo. Việt Nam hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ viện trợ cho cơ sở hạ tầng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác mà cụ thể là lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm