TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa mở phiên tòa phúc thẩm lần hai vụ bị cáo Phạm Quốc Đính (cựu giám đốc Xí nghiệp Nghĩa Tín) kêu oan về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng.
Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng cấp sơ thẩm làm oan cho bị cáo nên đã đề nghị cấp phúc thẩm sửa án theo hướng không phạm tội.
Theo bị cáo, việc giao rừng đối với phần đất xâm canh là chủ trương chung của xí nghiệp, Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa và đã được công ty này phê duyệt, đồng ý thực hiện. Cấp sơ thẩm quy kết bị cáo giao đất cho hai hộ dân khi còn rừng đối với diện tích 5,217 ha là không đúng với thực tế, bởi hồ sơ cũng thể hiện khi giao rừng là đất trống.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đặt ra nhiều câu hỏi cho bị cáo để làm rõ thực tế có rừng hay không có rừng, việc giao đất rừng là quyết định của tập thể hay cá nhân… Khi chưa kết thúc phần xét hỏi, VKS cho rằng vụ án từng bị hủy một lần, quá trình điều tra cũng chưa được làm rõ nhiều vấn đề. Do đó, VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập những người liên quan.
Bị cáo Phạm Quốc Đính kêu oan cho rằng khi giao đất cho dân để trồng rừng thì trên thực tế đã không còn rừng. Ảnh: NGÂN NGA
Sau khi vào hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập hộ ông Võ Thành Sơn và ông Đàm Văn Sâm, Sở NN&PTNT…
Theo hồ sơ, tháng 6-2013, ông Phạm Quốc Đính (phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa) được giao phụ trách Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín. Cuối năm 2013, một số diện tích đất rừng thuộc ba tiểu khu trên lâm phần Xí nghiệp Nghĩa Tín bị nhiều người dân lấn chiếm và chặt phá trái phép. Vì vậy, ông Đính đã chỉ đạo xí nghiệp tổ chức họp thống nhất xin chủ trương của Công ty Gia Nghĩa để tiến hành giao khoán đất trồng rừng theo Nghị định 135/2005 và được đồng ý.
Năm 2014, ông Đính được bổ nhiệm kiêm làm giám đốc Xí nghiệp Nghĩa Tín nên đã phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa giao đất cho một số hộ dân có nhu cầu, khả năng nhận khoán đất để trồng rừng thì liên hệ để làm thủ tục. Trong số nhiều hộ dân đăng ký có hai hộ ông Võ Thành Sơn và ông Đàm Văn Sâm xin nhận khoán đất.
Cáo trạng cho rằng rừng bị phá trên tổng diện tích giao khoán cho hai hộ ông Sơn và ông Sâm là 5,217 ha, thuộc rừng tự nhiên là rừng sản xuất.
Tháng 11-2017, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phạm Quốc Đính ba năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Bị cáo kháng cáo kêu oan.
Tháng 3-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lần đầu cho rằng các hộ nông dân nhận đất trồng rừng là chủ trương chung của tập thể ban giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín… Từ đó TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, hủy bản án sơ thẩm.
Dù vậy, tháng 11-2019, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt bị cáo Phạm Quốc Đính ba năm sáu tháng tù (sơ thẩm lần một phạt ba năm tù) về tội danh trên. Bị cáo Đính lại tiếp tục kêu oan.
Chưa làm rõ đất còn rừng hay đất trống Đây là vụ án Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, các cơ quan tố tụng chưa làm rõ mấu chốt của vụ án này là trước khi giao đất cho các hộ dân (Đàm Văn Sâm và Võ Thành Sơn) thì trên đất còn rừng hay không. Cấp sơ thẩm căn cứ vào Quyết định 67 ngày 14-1-2014 của UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt, công bố kết quả kiểm kê rừng tỉnh Đắk Nông để kết tội bị cáo Phạm Quốc Đính là không có căn cứ. Lý do là trong quá trình tiến hành kiểm kê rừng theo kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Nông, các cơ quan liên quan không kiểm kê toàn bộ diện tích rừng mà chỉ thực hiện kiểm kê trên phạm vi hẹp. Khi kiểm tra kết quả thống kê thì tổ kiểm tra lấy 10 hồ sơ trong số 20% để đánh giá. Thế nhưng trong số những hồ sơ này không có hồ sơ nào liên quan đến phần đất do ông Sơn và ông Sâm canh tác. |