Theo đó, chỉ số sức khỏe thực thấy (VBISO) của DN đã giảm mạnh từ 56 điểm của quý IV-2019 xuống chỉ còn 19,9 điểm, cách rất xa mức điểm trung bình 50.
Trong suốt 10 năm triển khai khảo sát VBISO từ năm 2010, dù cũng có những năm chỉ số này ở dưới mức trung bình nhưng cũng trên 43 điểm. Qua đó cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng DN Việt.
Trước những khó khăn của cộng đồng DN do ảnh hưởng dịch, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời thể hiện qua các chỉ thị và hơn 20 văn bản hướng dẫn khác của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, qua khảo sát của VCCI cho thấy việc tiếp cận các chính sách này của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, dù được ban hành sớm nhất nhưng gói chính sách tín dụng mới chỉ có khoảng 7% DN đã được hưởng, khoảng 16,7% DN đang làm thủ tục tiếp cận. Có đến 28% DN đã tìm hiểu thông tin nhưng không tiếp cận được…
Nguyên nhân chính khiến DN chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ chủ yếu do thiếu các thông tin hướng dẫn cụ thể về các chính sách. Các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe khiến các DN khó thỏa mãn được.
Chẳng hạn, đối với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu DN tự chứng minh thuộc nhóm ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng như chứng minh được khả năng trả nợ sau khi đã được cơ cấu lại nợ. Có DN không được vay các khoản vay mới do chưa có hợp đồng, trong khi các hợp đồng dự án bị chậm do dịch bệnh, chậm phê duyệt, mời thầu, chưa bố trí kế hoạch vốn nên tất cả bị chậm theo.
Đa số DN mong muốn các ngân hàng hạ các chuẩn cho vay, vì đây là lúc DN đang “thập tử nhất sinh”. Nếu ngân hàng vẫn giữ điều kiện cho vay như bình thường sẽ có ít DN có thể vay được và không cứu được nhiều DN.
Đối với các gói hỗ trợ về gia hạn, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí công đoàn đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có quy định điều kiện để DN được hưởng là “50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh”. Với điều kiện trên thì DN gần như đã “chết lâm sàng”. Chưa kể, việc DN chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể và việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm trời...
“Với những khó khăn như kết quả khảo sát, nếu DN không được cung cấp “ôxy”, “máy thở” kịp thời, rất có thể khi các gói cứu trợ được chuyển đến thì DN đã không còn tồn tại để nhận trợ giúp từ Chính phủ” - VCCI nhận định.