Nhiều người ở Đà Nẵng không dám đến bệnh viện vì sợ COVID-19

Bệnh nhân XL (66 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có tiền sử đái tháo đường, suy tim. Trước đó gần một tuần, bà L. có dấu hiệu mệt, đau âm ỉ vùng thượng vị nhưng không đến bệnh viện khám mà tự ý điều trị tại nhà. Khi có dấu hiệu mệt nhiều hơn, khó thở tăng, bà mới nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ngưng tuần hoàn. 

Các bác sĩ chẩn đoán bà L. bị nhồi máu cơ tim cấp, chuyển Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc nhưng bà đã không qua khỏi.

Tương tự, bệnh nhân ĐH (57 tuổi, trú Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp. Ông H. có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, hạ đường máu, suy tim. Ông hôn mê tại nhà nên được đưa vào cơ sở y tế địa phương, sau đó chuyển Bệnh viện (BV) Đà Nẵng.

Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, sau gần 5 phút bệnh nhân có nhịp tim trở lại và được chuyển Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, dù được thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tim phổi tối đa nhưng cũng không qua khỏi.

Khu vực khai báo y tế bắt buộc tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Theo BS Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đà Nẵng, trên đây là hai trong số các trường hợp nguy kịch được khoa tiếp nhận trong tuần qua. Các trường hợp này đều có bệnh lý nền, đưa đến bệnh viện muộn nên không qua khỏi.

BS Bình cho hay, tâm lý quá sợ hãi COVID-19 đã khiến nhiều người bệnh mạn tính không dám đến bệnh viện khám, kiểm tra sức khỏe định kì mà tự ý theo dõi tại nhà hoặc bỏ điều trị. Điều này khiến bệnh tình diến biến nặng và việc điều trị sẽ nhiều khó khăn, tốn kém.

“Người bệnh có các bệnh lý mạn tính, khi có các biểu hiện bất thường phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời. Nên đến bệnh viện để tái khám, kiểm tra sức khỏe định kì để được các bác sĩ theo dõi, tránh trì hoãn để xảy ra các biến chứng đáng tiếc" - BS Bình khuyến cáo. 

Hiện Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang điều trị cho một nữ bệnh nhân đang phải thở máy. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, ngoài ra còn xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, tá tràng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, nhưng nhờ vào viện sớm, được cấp cứu kịp thời nên hiện tiến triển tốt, đã cai được ECMO.

Hiện công tác phòng, chống dịch tại BV Đà Nẵng được triển khai quyết liệt. Tại khu khám bệnh, hệ thống phân luồng sàng lọc được thực hiện kĩ càng, có khu khám sàng lọc riêng biệt cho những người có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Người bệnh đến khám bắt buộc phải khai báo y tế điện tử trung thực, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách với mọi người xung quanh. Trường hợp có các yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, mất vị giác… sẽ được hướng dẫn đến khu sàng lọc, được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào khám.

Riêng bệnh nhân nội trú sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập viện và được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, người nhà không được vào chăm. Trường hợp người bệnh rất nặng, người nhà vào chăm phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm