Khuôn mặt đen đúa, đôi mắt hốc hác vì nhiều đêm lũ về, phải thức trắng để canh cánh đồng tôm cua 20 ha cạnh sông Mã, anh Nguyễn Viết Đạt (36 tuổi) than thở: “Mất hết tất cả rồi, sau một đêm toàn bộ cánh đồng tôm cua đã cuốn theo lũ ra sông Mã rồi”.
Trắng tay sau đêm lũ dữ đổ về
“Lũ đổ về từ thượng nguồn khiến nước sông Mã dâng cao, tràn vào đầm nuôi mọi người trong gia đình chỉ kịp di dời đồ đạc, đàn lợn và hươu trong chuồng lên cao. Chưa kịp trở tay thì phát hiện cống điều tiết nước cho đồng tôm bị vỡ.
Tại thời điểm mọi thứ diễn ra quá nhanh, cả đầm ngập trắng băng, nước sông Mã chảy siết, cuộn qua đồng tôm cua tôi thấy bất lực không thể làm được gì. Thiệt hại ban đầu có khoảng 1 tấn cua, 5 tạ tôm sú, hơn 300 gốc bưởi diễn và mít thái sắp đến vụ thu hoạch bị thiệt hại với tổng số tiền khoảng gần 2 tỉ đồng", anh Đạt đau xót chia sẻ.
Anh Đạt chia sẻ: “Năm trước, gia đình vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để cải tạo lại khu nuôi, mở rộng quy mô, nhưng chưa kịp thu hoạch thì nay mất trắng, khiến cả gia đình lao đao, suy sụp, chi phí lo sinh hoạt cho gần 20 người trong gia đình, tiền lương 7 lao động tại đầm giờ đây chưa biết phải xoay sở ra sao. Bao nhiêu ngày dãi nắng dầm mưa giờ trắng tay sau lũ, thật đau đớn”.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Thanh Hóa Nguyễn Đức Hòa, cho biết trận lũ vừa qua khiến hơn 45 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Quảng Phú bị mất trắng.
Theo đó, đa số các hộ nuôi trồng thủy sản tại phường Quảng Phú đều canh tác theo kiểu quảng canh, khi nước sông dâng cao khiến các đầm nuôi mất trắng.
"Trước nỗi đau trắng tay sau lũ của nông dân, hiện nay các ngành chức năng cũng đang tìm các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sau thiên tai", ông Hòa thông tin.
15 ha ao nuôi cá bị mất trắng
Do ảnh hưởng của bão số 4 khiến nước sông Lèn lên nhanh, tràn vào 2 thôn Chuế Cầu và Bình Lâm (xã Yến Sơn) và tiểu khu Tương Lạc, thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) khiến hơn 700 hộ dân bị ngập sâu trong nước.
Đáng chú ý, nhiều hộ ở đây chủ yếu làm trang trại và nuôi thủy sản nên khi nước lên, toàn bộ diện tích 15 ha ao nuôi cá của người dân bị mất trắng.
Bên bờ đê trong chiếc lán dựng tạm, ông Lê Đăng Hải (48 tuổi), ngụ ở thôn Chuế Cầu cho biết gia đình làm trang trại có diện tích khoảng 2 ha, trong đó có hơn 1 ha ao nuôi cá, còn lại là chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt.
Tuy nhiên, trong đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23-9, nước lũ đổ về sông Lèn, gia đình chỉ kịp quây lưới ngăn cá vượt ra ngoài, nhưng chỉ trong chớp mắt, nước đã ngập trắng băng ao nuôi cá, nước ngập đến tận mái nhà.
Ông Hải vừa dẫn chúng tôi đi vừa kể, phải lâu lắm rồi mới có đợt nước lũ dâng cao, hung tợn như năm nay. Khi nước lên, gia đình chỉ kịp di chuyển hơn 500 con gà lên bờ đê và trong lũ lo cứu gà, tài sản thì ao nuôi cá mỗi năm mang về thu nhập từ 120 triệu đến 150 triệu đã theo dòng lũ đi hết.
“Năm nay, tai họa đổ ập xuống đầu gia đình tôi, tháng 6 vừa qua gà bị dịch chết hết, ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Gia đình trông chờ vào ao cá để gỡ gạc vốn thì cũng bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại của ao cá khoảng 150 triệu đồng. Giờ cả gia đình đã trắng tay sau lũ rồi, không biết những ngày tới sẽ phải sống ra sao”, ông Hải chua xót kể lại.
Cũng như ông Hải, ông Phạm Văn Trình (thôn Chuế Cầu) cho hay nhà ông có khoảng 1,2 ha ao nuôi cá. Cả gia đình ông trông chờ vào ao cá, mỗi năm mang lại thu nhập khoảng từ 100 triệu đồng trở lên giờ cũng coi như mất trắng, rơi vào cảnh lao đao, chưa tìm được lối ra sau lũ dữ đổ về.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn cho biết toàn xã có 2 thôn Chuế Cầu và Bình Lâm nằm ở ngoài đê sông Lèn bị ngập hoàn toàn, tổng số hộ bị ngập là 513 hộ (thôn Bình Lâm 399 hộ, Chuế cầu 114 hộ).
Ông Nhân thông tin thôn Chuế Cầu có hơn 15 ha nuôi thủy sản, ước tính thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Nước lũ đang xuống hiện lực lượng chức năng của xã đang giúp dân lau dọn nhà cửa, đồng thời phun khử khuẩn để tránh phát sinh dịch bệnh cho người dân sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ.
Kể từ ngày 6 đến 23-9, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng, kết hợp với lũ từ thượng nguồn, gây ra đợt lũ trên các sông, ngập lụt nhiều khu vực trũng thấp và sạt lở tại nhiều vị trí.
Hậu quả khiến làm 1 người chết, 2 người bị thương; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông... ước tính khoảng 430 tỉ đồng. Riêng đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 và mưa, lũ hiện nay chưa ước tính được thiệt hại do vẫn còn lũ và ngập lụt.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ công tác an sinh xã hội, khôi phục sản xuất và khắc phục nhanh các thiệt hại về nhà ở và một số công trình cơ sở hạ tầng