Sáng 25-7, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức chu đáo, nghiêm trang tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM. Trong niềm tiếc thương vô hạn, các đoàn đại biểu, người dân TP.HCM đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư.
Sáng hôm nay, trong đoàn người vào đăng ký viếng không chỉ là cán bộ, người dân sống ở TP.HCM mà còn có người dân ở nhiều tỉnh, thành khác đến.
Người đau đáu với quyết sách phát triển các tỉnh vùng ĐBSCL
Đến viếng Tổng Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết trước đây, Trà Vinh là một tỉnh vùng sâu với rất nhiều khó khăn.
Chỉ trong thời gian ngắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm tỉnh Trà Vinh hai lần. Lần đầu tiên vào tháng 12-2008 (lúc đó ông ở cương vị Chủ tịch Quốc hội), lần thứ hai vào tháng 3-2015 (với cương vị là Tổng Bí thư).
“Lần nào về với Trà Vinh, Tổng Bí thư cũng đến tận các vùng sâu vùng xa, thăm các hộ nông dân, thăm các đồng bào dân tộc thiểu số, thăm đại diện các tôn giáo. Tổng Bí thư cũng dành nhiều thời gian để làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Qua các buổi làm việc cùng các chỉ đạo của Tổng Bí thư, đến nay, kinh tế - xã hội của Trà Vinh đã phát triển tốt. Điều này thể hiện Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã rất quyết tâm thực hiện theo lời dạy của Tổng Bí thư” - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chia sẻ.
Còn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, chia sẻ trong những ngày qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang vô cùng thương tiếc và luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, mẫu mực và vĩ đại của đất nước.
“Nhớ những ngày bác về với Hậu Giang rất giản dị, gần gũi. Bác đến cánh đồng thăm những mô hình làm ăn của người dân. Bác chia sẻ, trao đổi, định hướng cho Hậu Giang phát triển" - ông Huyến chia sẻ.
Đặc biệt là ngay khi có Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã dành thời gian để tiếp Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang và có lời căn dặn thường trực Thành uỷ tỉnh phải làm sao chỉ đạo cho hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là văn hóa vùng ĐBSCL và của tỉnh để đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, tốc độ tăng trưởng ở top cao của cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL.
Từ lời căn dặn của Tổng Bí thư, tỉnh Hậu Giang đã tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế; đặc biệt là kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua, đảm bảo tốc độ phát triển đứng đầu khu vực và của cả nước.
Nổi bật nhất, Hậu Giang đã vươn lên vị trí thứ 4 của cả nước trong năm 2022, đứng top thứ 2 cả nước năm 2023. Sáu tháng đầu năm 2024, Hậu Giang tiếp tục nằm ở top đầu khu vực ĐBSCL và top cao của cả nước.
Cũng từ định hướng này, tỉnh Hậu Giang đã đưa ra quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 phát triển nhanh, bền vững toàn diện, bao trùm, nằm trong top đầu khu vực ĐBSCL và cao của cả nước, thu nhập bình quân đầu người bình quân gấp đôi so với hiện tại (tức 150 triệu/người); thu ngân sách của tỉnh đến năm 2030 tự cân đối thu chi, giảm trung ương hỗ trợ.
Đây là sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, người dân tỉnh nhà, quyết tâm đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, đúng với kỳ vọng của Tổng Bí thư.
Ấn tượng với đường lối ngoại giao cây tre
Trong dòng người đến viếng sáng nay còn có bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Vì hòa bình và phát triển TP.HCM- nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội, nói bà ấn tượng với đường lối ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư...
Hình ảnh cây tre hoàn toàn phù hợp với đường lối ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn đổi mới. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng đó là di sản quan trọng của Tổng Bí thư.
Cùng đó, bà cũng ấn tượng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư. Theo bà, để phòng và chống được thì con người đó phải "trong sạch", có sạch thì mới mạnh, qua đó làm trong sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ.
Trong dòng người về viếng và viết sổ tang có hai mẹ con chị Bùi Hồng Hà và cháu Nguyễn Phú Thái (học sinh lớp 11).
Không tránh khỏi xúc động, chị Hà liên tục lau nước mắt. Trong sổ tang, chị xưng cháu và viết: “Chúng cháu kính chào Bác! Hôm nay gia đình chúng con đến viếng Bác tại hội trường Thống nhất TP.HCM. Chúng cháu, những thế hệ trẻ của đất nước ghi nhớ lời dạy của cha ông ta, của những vị lãnh tụ của đất nước, dựng nước, giữ nước, tu dưỡng trí tuệ, giữ gìn đạo đức. Gia đình chúng cháu tiếp nối sức mạnh dân tộc, yêu nước, trung thành với Đảng, làm việc gì cũng phải giữ danh dự. Chúng cháu kính tiễn bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu”.
Đi cùng chị Hà là em Nguyễn Phú Thái, 11 tuổi, con trai của chị. Trong dòng tưởng nhớ, Thái viết: “Hôm nay lần thứ hai cháu được đi dự một buổi lễ trang trọng và mất mát. Đối với cháu nói riêng, cả dân tộc Việt Nam và những người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài nói chung đều hướng về hai TP lớn là thủ đô Hà Nội và TP.HCM để kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Thái nói khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, em đã cảm nhận rõ tình cảm của người dân đối với Tổng Bí thư, lớn hơn là tình yêu nước qua sự đau thương, mất mát của người dân cả nước.
Hơn 500 đoàn đăng ký viếng tại Hội trường Thống Nhất
Tại lễ viếng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết những ngày qua được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên, nhân dân TP.HCM rất đau buồn, thương xót và bày tỏ sự quý trọng với những công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư.
Ông Phan Văn Mãi cho biết đã nhận được rất nhiều lời chia buồn của bạn bè quốc tế và nhân dân khắp nơi.
“Đến giờ này đã có hơn 500 đoàn đăng ký đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Điều này cũng thể hiện tình cảm rất đặc biệt của nhân dân TP.HCM đối với Tổng Bí thư. Đó còn là sự đền đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Tổng Bí thư dành cho TP.HCM” – ông Mãi cho hay.
Trong hôm nay và ngày mai, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ tổ chức chu đáo lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Còn về lâu dài, TP.HCM sẽ tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 24 về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31, các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98; sẽ nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm biến những tư tưởng, tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua các đề án trở thành hiện thực, để TP.HCM trở thành động lực, là đầu tàu của cả nước. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.