Nhọc nhằn cảnh sát truy nã

Đã 33 năm làm trinh sát truy nã thuộc Phòng CSHS, anh Sáu luôn phải đối mặt với gian nan, nguy hiểm và chuyện ăn bờ ngủ bụi đã quá quen thuộc. Phòng Cảnh sát truy nã Công an TPHCM được thành lập đến nay chưa tròn năm, thế mà anh đã phải “nằm vùng” ở các tỉnh phía bắc gần bốn tháng. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, anh khẩn trương chạy về nhà xếp vội quần áo rồi tức tốc lên đường.

Ngày 6-2-2012, anh được phân công đi bắt hai đối tượng trốn lệnh truy nã ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh cùng một trinh sát trẻ tức tốc lên đường. Nhà đối tượng nằm trong vùng địa bàn phức tạp, được bao bọc bởi đồi núi âm u. Mưa phùn, gió lạnh thấu xương nhưng anh và đồng đội vẫn kiên trì chịu đựng, quyết tâm bắt cho bằng được đối tượng. Qua màn mưa mù mịt, anh Sáu nhận diện được đối tượng khi gã vừa từ quán cà phê gần nhà trở về. Lập tức, anh xông vào bắt giữ. Bất ngờ gặp phản ứng dữ dội của gia đình đối tượng, các anh đành phải điện báo công an sở tại đến giải vây, hỗ trợ đưa đối tượng về Công an tỉnh Nghệ An. Khi đến địa phận xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, do trời mưa to, đường trơn lại không thông thuộc địa hình nên anh Sáu bị trượt bánh xe, té ngã, gãy một xương bả vai và bốn xương sườn.

Nhọc nhằn cảnh sát truy nã ảnh 1

 Khen thưởng các đơn vị xuất sắc trong công tác đấu tranh phá án

 Là cảnh sát truy nã, chuyện sống xa gia đình, vợ con, đi qua nhiều tỉnh thành, chịu đựng nhiều gian truân, cực khổ là đương nhiên. Để trở thành một trinh sát giỏi, người trinh sát truy nã cần hội đủ các yếu tố là kiên trì và dũng cảm. Có rất nhiều vụ án đôi khi thông tin về đối tượng chưa đầy đủ hoặc ảnh đối tượng không chính xác sẽ gây khó khăn cho việc lập hồ sơ bắt đối tượng. Trước những tình huống như vậy, bằng sự kiên trì, chịu khó, các trinh sát truy nã đã phải chủ động phối hợp với CA nhiều tỉnh thành đi xác minh, làm rõ mối quan hệ nhân thân của đối tượng, trong đó đặc biệt chú trọng mối quan hệ tiếp tế, chi viện. Sau khi đã xác định được đối tượng, việc tổ chức bắt giữ cũng không hề đơn giản. Thông thường các đối tượng đều phạm tội nguy hiểm như: giết người, cướp tài sản, mua bán ma túy..., thậm chí có nhiều tiền án, lại vô cùng manh động, do đó kế hoạch bắt giữ phải thật cụ thể, tỉ mỉ.

Trong mỗi chuyên án, vai trò, vị trí của từng trinh sát và người cán bộ chỉ huy đều phải thật chi tiết, rõ ràng. Phương châm trong mỗi trận đánh là bắt gọn ghẽ, an toàn, không để đối tượng gây thương vong cho mình, đồng đội và những người xung quanh. Ngoài ra, trong công việc đòi hỏi người trinh sát truy nã phải kiên trì, chịu khó dành nhiều thời gian và tâm huyết xâm nhập thực tế để thu thập thông tin về đối tượng. Khi tiếp xúc với gia đình đối tượng hay người dân cùng chính quyền địa phương sở tại, người trinh sát truy nã phải thật tế nhị và lịch sự trong cách ăn nói, giao tiếp, phải làm sao để được mọi người đồng thuận, giúp đỡ, để từ đó vận động gia đình đưa đối tượng ra đầu thú hoặc hỗ trợ cho công việc được thuận lợi, trôi chảy...

Theo NGUYỄN HIẾU (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm