Nhóm cán bộ cấp phép sai cho Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3

(PLO)- CQĐT kết luận Công ty Lộc Ninh 3 xây dựng nhà máy điện mặt trời khi chưa thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, chưa được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, CQĐT cho hay từ tháng 2-2023, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị điều tra một số nội dung.

Bị tố lập công ty sân sau

Quá trình giải quyết kiến nghị trên, CQĐT nhận được nguồn tin nặc danh tố cáo hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN trong việc công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án điện mặt trời và lập công ty sân sau để tạo đường dây làm ăn, đứng ra giao dịch với các chủ đầu tư, nhà thầu…

Kết quả điều tra xác định, một số người thuộc Cục điều tiết Điện lực và Công ty Mua bán điện có hành vi phạm tội liên quan dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3.

Bị can vụ Trung Nam Lộc Ninh 3.jpg
Một số bị can trong vụ án. Ảnh: BCA

Cụ thể, năm 2018, tỉnh Bình Phước chấp thuận cho Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 được đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3; công suất 150 MWp tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh trên diện tích hơn 1,6 triệu m2 đất trồng cao su thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Tân Tiến.

Sau khi được phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, tháng 9-2020, Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước về việc không thực hiện được thoả thuận đền bù tài sản trên đất của Công ty Tân Tiến; đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận vị trí mới xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 với diện tích 1,4 triệu m2 đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty MTV Cao su Lộc Ninh. Vị trí mới ở xã Lộc Tấn.

Tháng 10-2020, Công ty Lộc Ninh và Công ty Cao su Lộc Ninh 3 tiến hành chặt cây, nhận bàn giao đất rồi xây dựng nhà máy điện mặt trời, đồng thời gửi hồ sơ tới Bộ Công Thương xin cấp phép hoạt động.

Ngày 18-12-2020, Cục Điều tiết điện lực duyệt cấp giấy phép hoạt động điện lực cho Lộc Ninh 3. CQĐT xác định việc cấp giấy phép hoạt động điện lực này vi phạm quy định về điều kiện cấp phép.

Sau đó, Công ty Lộc Ninh 3 dùng giấy phép này làm điều kiện đề nghị và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) ngày 26-12-2020.

Trước đó, ngày 29-6-2019, Công ty Lộc Ninh 3 do ông Đinh Công Tá là giám đốc, người đại diện theo pháp luật và Công ty Mua bán điện EVN do bị can Nguyễn Danh Sơn làm giám đốc đã ký hợp đồng mua bán điện.

Trên cơ sở ngày công nhận vận hành thương mại, từ tháng 12-2020 đến hết tháng 11-2022, tổng số tiền Công ty Mua bán điện đã trả cho Công ty Lộc Ninh 3 là hơn 749 tỉ đồng.

Theo quy định, các nhà máy điện mặt trời có ngày vận hành thương mại sau ngày 31-12-2020 là Nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, giá mua bán điện được áp dụng không vượt quá giá trần 1.184,90 đồng/kWh theo quy định tại của Bộ Công Thương.

Thực tế, Công ty Mua bán điện lại thanh toán 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) cho Công ty Lộc Ninh 3; cao hơn quy định là 459,1 đồng/kWh. Vì vậy, số tiền EVN bị thiệt hại là hơn 209 tỉ đồng.

Biết rõ sai phạm

CQĐT kết luận việc Công ty Lộc Ninh 3 xây dựng nhà máy điện mặt trời khi chưa thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, chưa được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu. Nhưng Công ty Mua bán điện ban hành vẫn văn bản công nhận ngày vận hành thương mại cho Lộc Ninh 3 là vi phạm quy định liên quan và hợp đồng mua bán điện.

Những bị can có sai phạm liên quan đến việc cấp giấy phép ở Cục Điều tiết Điện lực gồm có bị can Trịnh Văn Đoàn (cựu chuyên viên Phòng cấp phép và quan hệ công chúng) thẩm định hồ sơ, Trần Quốc Hùng (cựu cựu Phó phòng Cấp phép và quan hệ công chúng) ký đề xuất cấp giấy phép.

Các bị can có sai phạm liên quan việc công nhận ngày vận hành thương mại ở Công ty Mua bán điện gồm có Nguyễn Danh Sơn (cự giám đốc), Trương Hoàng Dũng (cựu chuyên viên Phòng kỹ thuật công nghệ thông tin), Đỗ Ngọc Tuyền (cựu chuyên viên phòng mua bán điện), Nguyễn Hữu Khải (cựu trưởng phòng kinh doanh mua bán điện).

CQĐT cho rằng các bị can này biết rõ hồ sơ tài liệu thể hiện Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 được phê duyệt vị trí tại xã Lộc Thạnh nhưng thực tế xây dựng tại xã Lộc Tấn, không đúng hợp đồng, không đủ điều kiện cấp ngày vận hành thương mại.

Nhưng vì muốn tạo lợi ích không chính đáng cho Công ty Lộc Ninh 3, các bị can đã thực hiện thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại để Công ty này đủ điều kiện nhận thanh toán tiền bán điện ở mức cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm