Những “bà đỡ” văn nghệ

Xin được gọi họ là những “bà đỡ” văn nghệ (không kể đến những người chuyên đi săn lùng tài năng để đầu tư khai thác kiếm lời như các ông bầu sô ca nhạc bây giờ hoặc một số người có điều kiện tài chính và có quan hệ bạn bè với một số văn nghệ sĩ, bỏ tiền hỗ trợ in tặng tập thơ hay giúp tổ chức triển lãm tranh ảnh của bạn bè, chủ yếu vì thân tình mà đôi khi cũng được gọi là những “bà đỡ” văn nghệ).

 Trong khuôn khổ hạn hẹp của trang báo, tôi chỉ xin nêu lên vài “bà đỡ” tiêu biểu về hai mặt vật chất và tinh thần mà tôi được biết trước năm 1975 ở miền Nam. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí - một nhà sách lớn và uy tín nhất, nhì miền Nam bấy giờ (nay là nhà sách Sài Gòn, 60-62 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM). Khai Trí cũng là tên cơ sở xuất bản của ông. Ông Trương thường được gọi là ông Khai Trí, là người cực kỳ yêu quý sách, phải nói là mê sách và có một trái tim rộng mở với những văn nghệ sĩ khó khăn. Ông sẵn sàng đưa tay hỗ trợ những nhà văn nghèo gặp khó khăn, các cây bút trẻ chưa tên tuổi. Nhà sách Khai Trí là đơn vị bảo trợ xuất bản tập sanSử Địa và đồng hành với tập san suốt gần 10 năm (1966-1975). Sử Địado một nhóm giáo sư và sinh viên ĐH Sư phạm Sài Gòn chủ trương biên tập, Nguyễn Nhã - nay là tiến sĩ sử học - là người phụ trách chung. Dĩ nhiên, tập san nghiên cứu là loại ấn phẩm rất kén người đọc, cực kỳ khó bán, đơn vị bảo trợ phải thường xuyên bù lỗ. Tuy chỉ do một nhóm giáo sư và sinh viên chủ trương nhưngSử Địa là một tập san nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu rất uy tín với nhiều số chuyên đề, đặc khảo còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Ngoài tập san Sử Địa, ông Khai Trí còn là người bảo trợ cho tuần báo Thiếu Nhi, một tuần báo giáo dục, in đẹp bán giá rẻ cho thiếu niên nhi đồng nên ông Khai Trí lại phải thường xuyên mở hầu bao bù lỗ.

Người thứ hai là ông Trần Phong Giao, chủ bút kiêm thư ký tòa soạn bán nguyệt san Văn (1964-1971). Ông Giao cũng là người cầm bút nhưng ông viết không nhiều, chỉ vài tập truyện ngắn và dịch vài tác phẩm văn học Pháp. Ông viết ít phần vì rất kỹ tính, cẩn trọng trong từng chữ viết, phần vì khiêm tốn không muốn in truyện mình trên tờ báo mà mình phụ trách. Tính cách này rất phù hợp với một thư ký tòa soạn. Tất cả thơ văn của cộng tác viên gửi về tòa soạn, ông nhờ trợ lý phân loại, phần ông đọc sơ tuyển xong chuyển cho ban tuyển chọn do hai nhà văn tên tuổi phụ trách, sau đó thông báo trên mục “Bài sẽ đăng”. Trần Phong Giao ghi vào sổ địa chỉ các cây bút mới có triển vọng, ông nhắn tin trên báo, thậm chí viết thư riêng cho người nào ông kỳ vọng, động viên góp ý về sáng tác... Những cây bút trẻ cộng tác vớiVăn, khi hay tin họ có vấn đề gì, gặp khó khăn hay như lính tráng bị thuyên chuyển, ông dùng quan hệ cá nhân tìm mọi cách giúp đỡ, can thiệp tốt nhất có thể cho các cộng tác viên này, dù ông chỉ biết tên họ qua vài truyện ngắn, vài bài thơ đăng trênVăn.

Thật ra, thời nào cũng có những người trong giới mỹ thuật, làng văn, làng báo, xuất bản và cả những người ngoài giới nhưng có niềm đam mê và tâm huyết với văn học nghệ thuật  âm thầm theo dõi, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các văn nghệ sĩ gặp khó khăn, các tài năng trẻ nhưng họ không muốn lộ diện hoặc nhắc tên. Họ là những “bà đỡ” giấu mặt rất đáng trân trọng, đã góp phần không nhỏ trong quá trình sáng tạo của nhiều tài năng văn học nghệ thuật.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm