Những đứa trẻ không nhìn thấy mặt trời

Hôm qua tôi đón con muộn. Đèo con gái nhỏ đi học về, mặt trời phía Tây sáng rực; và khi về gần đến nhà, trăng cũng bắt đầu lên. Con gái nhìn thấy trăng bỗng hét toáng lên khoe mẹ, bởi vì từ nhỏ, con đã nhận trăng là của con! 

Vậy là các bạn rồng con đã vào lớp 1 được gần một tháng, nếu trường dân lập thì là hai tháng. Tôi thấy rất nhiều bé con đã chán nản và mệt mỏi.

Tôi thấy các bé con đi học thương quá, khổ quá. Từ sáng sớm khi vừa ngủ dậy cho đến khi mặt trời khuất bóng. Rất nhiều trường còn cắt bớt cả các tiết thể dục (chỉ còn 15 phút), ra chơi để luyện thêm văn toán. Rất nhiều trường/ cô giáo/ phụ huynh còn sắp xếp giờ học thêm. Và ngày nào tôi cũng lăn tăn với chính con tôi: Ngày hôm nay con đã nhìn thấy mặt trời chưa? 

Nếu không nhìn thấy mặt trời; không nhìn thấy cuộc sống và thiên nhiên rộng lớn thì khác gì tù nhân? 

Chắc chắn, tất cả các ông bố bà mẹ đều từng nghe được những câu nói, những tưởng tượng tuyệt vời hồi nhỏ của các con! Hồi 3,4 tuổi, các con gái của tôi khi đi đường, thường nhìn trăng và hỏi: Mẹ ơi sao trăng đi theo con. Một lần, bạn bé đi chơi ở Hòa Bình, nhìn lên những ngọn núi và nói: Mẹ ơi chúng ta không cao được đến trời nhưng nếu chúng ta đứng trên ngọn núi kia thì chúng ta sẽ với tới (đó là khi bạn nhìn những đám mây bao phủ trên đỉnh núi). Một lần, khi đi học về, bạn ấy phát hiện ra những đám mây rất đẹp và bảo mẹ dừng lại chụp ảnh, đó cũng là ngày mà cư dân mạng bàn nhau rất nhiều về những đám mây vảy nến xuất hiện lúc hoàng hôn tuyệt đẹp. 

Tôi sợ những phát hiện như thế sẽ dần dần mất đi.

Tôi không hiểu sao chúng ta quá quan tâm đến điểm, đến toán nâng cao, đến trường này trường nọ, mà không đặt ra những câu hỏi: 

- Hằng ngày con ngủ mấy tiếng?

- Con vận động ngoài trời bao nhiêu phút?

- Con đã nhìn thấy mặt trời chưa?

- Con có biết ăn uống hợp lý không? 

- Con học có vui không?

Trong khi, tất cả những điều ấy đều rất quan trọng không chỉ cho sự phát triển thể lực mà cho cả tinh thần và trí tuệ. Hơn nữa trí tuệ, muốn phát triển tốt, cũng cần thời gian tự do và tĩnh lặng nhất định, để suy tư và để thấu hiểu.

Tôi tiếp xúc với rất nhiều học sinh cấp 3 và rất nhiều em đêm thức đến 3 giờ sáng (vì tối đã đi học thêm đến 9 giờ về, rồi ăn uống và sinh hoạt cá nhân đến khoảng 11 giờ, sau đó mới học). Và thời gian 8 giờ ở trên lớp, rất nhiều em ngủ gật. Có em bảo luôn là em lên lớp để ngủ, vì cô giáo dạy chán, vì em buồn ngủ… Nhịp sinh học không tự nhiên, không đều đặn nên sinh ra rất nhiều bệnh, từ hoa mắt chóng mặt đến dạ dày, béo phì… thực sự quá có hại cho sự phát triển bền vững.

Tôi thương những đứa trẻ và thường tự hứa với mình sẽ đón con về sớm! Nhưng tôi ước các giờ học trong lớp kết thúc lúc 15 giờ để thời gian còn lại các con được tự do vui chơi, tự do khám phá thiên nhiên ở ngoài lớp học, tự do hít thở và hấp thụ vitamin D.

Tôi ước các phụ huynh hãy thay đổi chính mình, bình tĩnh và kiên nhẫn, kiên định, đi theo con đường đúng không tạo thêm áp lực cho các con và cho chính thầy cô!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm