Những lưu ý về cấp, đổi bằng lái xe quốc tế

Hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu ra nước ngoài để du lịch hay công tác nhưng bất tiện trong việc sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) tại nước sở tại, điều đó gây không ít phiền phức khi muốn lái xe ở nước ngoài.

Mới đây, Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cũng đã thực hiện việc tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với người nước ngoài, ghi nhận nhiều trường hợp người nước ngoài không xuất trình được các giấy tờ liên quan.

GPLX quốc tế có giá trị sử dụng không quá ba năm

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng quản lý sát hạch cấp GPLX - Sở GTVT TP.HCM, cho biết về việc này Bộ GTVT đã ban hành một số thông tư hướng dẫn việc cấp, đổi GPLX cho người Việt Nam sử dụng tại nước ngoài và người nước ngoài sử dụng GPLX tại Việt Nam.

Theo đó, Thông tư 29/2015 quy định các quốc gia là thành viên của Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên) về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Cụ thể, hai cơ quan đủ thẩm quyền cấp và quản lý GPLX quốc tế bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các tỉnh, TP.

Trình tự, thủ tục cấp, đổi được quy định rõ tại Điều 8 trong thông tư này. Cụ thể, người lái xe có nhu cầu cấp, đổi GPLX quốc tế phải nộp hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ như sau: Đơn đề nghị cấp GPLX quốc tế theo mẫu quy định (khi nộp đơn phải xuất trình bản chính GPLX quốc gia do Việt Nam cấp); bản sao chụp GPLX, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị sử dụng; một ảnh màu cỡ 3x4 cm nền màu trắng. Thời gian giải quyết là năm ngày làm việc và với lệ phí 135.000 đồng.

Tại Điều 8 của thông tư cũng nêu rõ các trường hợp không được cấp GPLX quốc tế như: GPLX quốc gia có biểu hiện tẩy, xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng, hoặc GPLX quốc gia không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Trường hợp mất hoặc hư hỏng, cá nhân có nhu cầu làm đơn đề nghị cấp lại.

Theo quy định của Bộ GTVT, GPLX quốc tế có giá trị sử dụng không quá ba năm và phải phù hợp với thời hạn mà GPLX của quốc gia sở tại cấp.

Tại TP.HCM, việc cấp, đổi GPLX quốc tế chỉ có duy nhất một điểm tiếp nhận tại Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX (252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TP.HCM).

Đối với người nước ngoài thuộc các nước không là thành viên của Công ước Viên, việc được cấp, đổi GPLX tại Việt Nam được quy định tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT.

Theo đó, ngoài việc người nước ngoài nộp hồ sơ có đơn theo mẫu, điều kiện để cấp, đổi GPLX cho người nước ngoài thì người đó phải thường trú hoặc tạm trú từ ba tháng trở lên, đồng thời kèm theo một số giấy tờ chứng minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

Người nước ngoài đang làm thủ tục đổi GPLX tại Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX - Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

Tránh các lời chào mời làm GPLX trên mạng

Ông Ngô Đình Quang lưu ý: “Sở GTVT TP.HCM cũng đã thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên website của Sở về vấn đề này. Khi người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX quốc tế để di chuyển các nước là thành viên của Công ước Viên để lưu thông cần tuân thủ các quy định. Ví dụ, anh A (quốc tịch Việt Nam) đi nước ngoài tham gia lái xe, ngoài GPLX quốc tế, anh A còn phải mang kèm theo GPLX do Việt Nam cấp, hai GPLX này đi song song với nhau mới đúng pháp luật. Tương tự, người nước ngoài vào Việt Nam cũng vậy”.

Ông Quang còn cho biết thêm về việc nộp hồ sơ, Sở GTVT cũng khuyến cáo người dân nên đến trực tiếp tại trụ sở chính của Sở GTVT hoặc qua website để nộp, tránh những trường hợp bị mời chào làm GPLX trong nước, quốc tế trên các trang mạng xã hội. Việc cấp đổi GPLX quốc tế tại sở được thực hiện không có khó khăn gì. Trung bình mỗi năm Sở cấp, đổi hơn 1.000 GPLX theo quy định, chủ yếu cho người dân đi du lịch nước ngoài.

Hiện nay, thủ tục cấp, đổi GPLX quốc tế đã được thực hiện ở cấp độ 3 (người dân có thể làm thủ tục online - PV). Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý khi cấp, đổi GPLX quốc tế, người được cấp GPLX phải đến chụp ảnh trực tiếp tại nơi cấp của Sở GTVT TP.HCM và phải xuất trình bản chính GPLX, hộ chiếu, thẻ thường trú đúng quy định.

Ngoài ra, Sở cũng lưu ý chi phí cấp GPLX quốc tế là 135.000 đồng và không phát sinh chi phí gì thêm, vì vậy người dân cần chú ý để tránh các “cò, mồi” bên ngoài lợi dụng. Khi người dân có nhu cầu giao, trả GPLX quốc tế tại nhà, chi phí cũng chỉ khoảng 50.000 đồng, tùy theo cự ly xa gần.

Đã có 73 nước tham gia Công ước Viên

GPLX quốc tế được thực hiện theo Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên).

Theo đó, các nước tham gia Công ước Viên công nhận một số điểm cơ bản về giao thông đường bộ chung để sử dụng GPLX do các nước cấp, nhằm giúp người điều khiển phương tiện giao thông tham gia lưu thông tại các nước. Hiện nay đã có 73 quốc gia công nhận và ký kết Công ước Viên này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm