“Tất cả người Mỹ từng sống trên đời, ngoại trừ duy nhất một cộng đồng (người da đỏ bản xứ), đều có xuất thân là người nhập cư hoặc là con cháu của những người nhập cư” - một thượng nghị sĩ trẻ tuổi của Mỹ đã viết như thế vào năm 1958. Thượng nghị sĩ đó chính là John F. Kennedy, người sau đó đã trở thành tổng thống đời thứ 35 của nước Mỹ. Bản thân cố Tổng thống Mỹ Kennedy cũng có ông bà là người nhập cư đến từ Ireland.
In dấu trên lịch sử Mỹ
Có không ít người nhập cư đã tạo ra những dấu ấn, những cột mốc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Những dấu ấn đó trải rộng trên mọi lĩnh vực từ văn hóa, chính trị đến những quyết sách mang ý nghĩa sống còn đối với nước này.
Năm 1996, bà Madeleine Albright trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của nước Mỹ với sự chấp thuận tuyệt đối của Thượng viện Mỹ (toàn bộ 99 phiếu thuận và không hề có phiếu chống nào). Người phụ nữ quyền lực này đã đại diện cho nước Mỹ trên khắp thế giới trong những năm cuối thế kỷ 20. Điều đặc biệt là nữ ngoại trưởng này không sinh ra trên đất Mỹ mà lại là một người nhập cư từ Tiệp Khắc. Bà Albright đã mở ra một “kỷ nguyên mới” cho phụ nữ vươn đến vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ. Những hậu bối tài năng và lão luyện trên chính trường quốc tế có thể kể như bà Condoleezza Rice dưới thời Tổng thống Bush và sau đó là bà Hillary Clinton dưới thời Tổng thống Obama.
Cũng có những người nhập cư góp phần đặt nền móng cho những giá trị văn hóa, xã hội cốt lõi của nước Mỹ. Một trong số đó chính là ông Joseph Pulitzer, người được đặt tên cho giải thưởng báo chí danh giá nhất của nước Mỹ kể từ năm 1917. Tạp chí Time nhận định ông là người góp phần tạo nên diện mạo của báo chí Mỹ hiện đại với việc sáng lập ra Trường Báo chí Columbia. Bản thân ông Joseph Pulitzer cũng là một người nhập cư đến từ Hungary.
Mới đây, tại một buổi hội thảo, tỉ phú Warren Buffett chia sẻ rằng một trong những quyết sách quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, góp phần chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng mang dấu ấn của những người nhập cư. Vào năm 1939, hai nhà khoa học Albert Einstein và Leo Szilard đã gửi một bức thư cho tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Franklin Roosevelt. Lá thư cảnh báo nhà lãnh đạo Mỹ rằng Đức Quốc xã đang phát triển vũ khí hạt nhân. Cả hai nhà khoa học này đều là người tị nạn Do Thái, trốn chạy khỏi Đức Quốc xã vào đầu thập niên 1930 để tìm kiếm sự an toàn trên đất Mỹ. Chính lá thư này đã thúc đẩy Tổng thống Roosevelt khởi động dự án Manhattan để chế tạo quả bom nguyên tử hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới. Tỉ phú Buffett nhận định đầy cảm kích: “Nếu như không có họ, hai người nhập cư ấy, có trời mới biết chúng ta ngày nay sẽ ra sao”.
Steve Jobs, nhà sáng lập và CEO tài năng của Apple, mang trong mình dòng máu Syria. Ảnh: REUTERS
Sergei Brin, nhà đồng sáng lập Google, là một người nhập cư gốc Nga. Ảnh: BLOOMBERG
Cựu nữ ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright mở ra một “kỷ nguyên mới” cho phụ nữ vươn đến vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ. Ảnh: CNS NEWS
Làm nên “thương hiệu” Mỹ
Để có một nước Mỹ hùng mạnh và phát triển như ngày nay không thể không nhắc đến vai trò của những tập đoàn công nghệ cao tại Thung lũng Silicon, niềm tự hào và là một phần thương hiệu Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng nếu không có những người nhập cư thì hàng loạt tên tuổi lớn như Apple, eBay, Google, Yahoo hay Oracle có lẽ đã không xuất hiện.
Google, với công cụ tìm kiếm Google search đang ngày càng trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại và được sử dụng ở hầu hết quốc gia trên thế giới, cũng là “con đẻ” của một người nhập cư gốc Nga là Sergey Brin, nhà đồng sáng lập công ty khổng lồ này. Google giờ đây trở thành thương hiệu đắt giá nhất thế giới với giá trị thương hiệu lên đến 109,5 tỉ USD. Một đối thủ khác của Google từng nuôi tham vọng thống trị dịch vụ Internet toàn cầu là Yahoo cũng là sản phẩm của một người nhập cư. Jerry Yang, một trong hai nhà sáng lập của Yahoo, rời Đài Loan lúc 12 tuổi khi mới biết lõm bõm một vài chữ tiếng Anh. Thế nhưng chính cậu bé gốc Á này đã cùng người bạn David Filo của mình gầy dựng một “đế chế” tại Thung lũng Silicon khiến không ít người phải ngả mũ.
Cả hai gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Amazon và eBay cũng có thể đã không tồn tại nếu không có những người nhập cư. Jeff Bezos, người tạo ra thương hiệu Amazon, chính là con trai của một người nhập cư gốc Cuba. Còn “cha đẻ” của eBay là ông Pierre Omidyar, được sinh ra tại Pháp và có cha mẹ là người Iran - quốc gia nằm trong danh sách bị Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng sắc lệnh di trú nghiêm ngặt. Hãng sản phẩm công nghệ Apple, mặc dù đã bị Google vượt mặt về tổng trị giá thương hiệu, vẫn được xem như “hòn ngọc” đại diện cho những tinh hoa công nghệ của Mỹ. Thế nhưng nhà sáng lập và cựu CEO của hãng này là Steve Jobs lại mang trong mình dòng máu Syria. Cha đẻ ông lớn lên ở Syria, sau đó học tập ở Lebanon, còn mẹ nuôi của ông là em gái của một người nhập cư Armenia. Nếu vào thời đó có một sắc lệnh di trú như điều mà Tổng thống Trump ban bố tuần qua, có thể những chiếc iPad hay iPhone mà hàng triệu người dùng hiện nay đã không xuất hiện trên đời và làm khuynh đảo thị trường công nghệ thế giới.
Thậm chí đến cả lĩnh vực ăn uống tại Mỹ cũng có dấu vết to lớn của người nhập cư. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, mỗi ngày phục vụ hàng chục triệu lượt khách và đã trở thành một phần không thể thiếu của người Mỹ. Nhắc đến McDonald, người ta nghĩ đến nước Mỹ. Những chủ nhân đầu tiên của nhà hàng McDonald là hai anh em Richard và Maurice McDonald, xuất thân từ một gia đình nhập cư từ Ireland.
Đó đều là những tên tuổi đã tạo nên “thương hiệu Mỹ” và sự thịnh vượng của cường quốc này. Tạp chí Fortune bình luận rằng nếu Tổng thống Trump muốn “đuổi” người nhập cư thì điều đáng phải hỏi là nước Mỹ sẽ đánh mất những gì trong tương lai.
Giúp Mỹ thành “cường quốc” khoa học Một nghiên cứu của Quỹ Quốc gia về Chính sách của Mỹ (NFAP) cho thấy việc Mỹ nới lỏng các chính sách người nhập cư vào thập niên 1960 đã tạo bước nhảy vọt về số lượng nhân tài khoa học của nước này. Số lượng giải Nobel hóa học, vật lý và y học được trao cho các nhà khoa học nhập cư vào Mỹ từ năm 1960 đến 2016 tăng nhanh đến chóng mặt. Toàn bộ sáu nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel vào năm 2016 đều là người nhập cư. NFAP cũng thống kê được rằng từ năm 2000 đến nay, các nhà khoa học người nhập cư đã đóng góp đến 40% các giải thưởng Nobel hóa học, vật lý và y học của nước Mỹ. Một nghiên cứu năm 2014 của ĐH Stanford chỉ ra rằng: Số bản quyền khoa học của Mỹ, đặc biệt trong những lĩnh vực từng có nhiều nhà khoa học Do Thái bỏ chạy khỏi Đức Quốc xã và nhập cư vào Mỹ, tăng đến 31%. Những thành công của các nhà khoa học Do Thái nhập cư đi trước đã tiếp nối qua nhiều thế hệ. Những người đi trước thu hút thêm nhân tài nhập cư đến Mỹ, dẫn dắt họ tập hợp nghiên cứu và đạt đến thành công. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sắc lệnh nhập cư nhiều tranh cãi, Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (AGU) đã đăng thông điệp cảnh báo: “Sắc lệnh này sẽ đe dọa vị trí lãnh đạo của nước Mỹ về khoa học, giảm khả năng phát minh những công nghệ giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết”. Trong khi đó, tờ South China Morning Post bình luận rằng trước tương lai “thiếu thân thiện” tại nước Mỹ dưới thời ông Trump, những nhà nghiên cứu và nguồn lao động chất lượng cao trong nhóm khoa học công nghệ có thể sẽ chuyển hướng sang châu Á. |