BÓNG ĐÁ VIỆT NAM:

Những ông bầu làm bóng đá và tư thế của VPF

V-League tồn tại được 12 mùa bóng (từ 2000 đến 2012) thì xuất hiện cuộc nổi dậy của các ông bầu làm bóng đá. Họ đứng lên đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của chính mình trước VFF (khi ấy đang là đơn vị nắm mọi quyền hành về tổ chức bóng đá chuyên nghiệp).

Khởi nguồn từ cuộc đấu tranh của các ông bầu

Nguyên nhân của cuộc đấu tranh đấy xuất phát từ công tác tổ chức không minh bạch và sản phẩm của V-League đã không được định giá đúng. Ngược lại thì các CLB là nhân vật chính mỗi năm phải mất hàng chục tỉ cho một mùa giải lại còn bị đối xử tệ bạc trong một cuộc chơi thiếu công bằng.

Bắt đầu từ “Hội thảo các ông bầu làm bóng đá” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào tháng 9-2012. Tại đây, các ông bầu được nói lên những nỗi niềm của mình hướng đến việc làm chủ sân chơi của chính mình. VPF (Công ty Cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp) cũng ra đời sau đó không lâu và được sự hậu thuẫn của nhiều cấp, trong đó có “cấp trên của cấp trên” VFF.

Nhiều người cứ gọi đó là “cuộc đảo chính ở làng bóng Việt” nhưng thực tế đấy là sự mạnh mẽ của các ông bầu có đam mê bóng đá muốn định hướng lại lộ trình của giải chuyên nghiệp theo đúng quỹ đạo của nó - quỹ đạo mà Thái Lan đi sau Việt Nam nhưng lại phát triển mạnh hơn nhờ sự minh bạch và bài bản. Đó cũng là quỹ đạo mà Premier League ở Anh hay J-League của Nhật Bản hoặc K-League của Hàn Quốc ứng dụng từ rất lâu và đã có những hiệu quả nhất định.

VPF ra đời với sự dẫn dắt của bầu Kiên (dù khi ấy chỉ là phó chủ tịch HĐQT) đã có những bước đột phá mạnh ngay từ khi có giấy phép. Ông bầu này khai phá với việc đòi bản quyền mà VFF đã bán giá bèo cho AVG những... 20 năm. Tất nhiên chỉ với thế của VPF không thôi thì không thể giật khỏi tay AVG phần bản quyền mà đơn vị này đã ký với các liên đoàn thể thao chứ không riêng gì LĐBĐ VN. Nhờ phần “lực” quá mạnh mà thời điểm đấy ai cũng biết sau lưng bầu Kiên là ai, AVG buộc phải bỏ bản quyền truyền hình đã ký với VFF.

1. “Hội thảo các ông bầu làm bóng đá” tổ chức tại báo Pháp Luật TP.HCM năm 2012 và sau đó không lâu thì VPF ra đời.

2. VPF hô hào thành lập Ban Tư vấn đạo đức giúp bóng đá Việt Nam phát triển rồi sau đó tự để ban này giải thể là một bước lùi trong tiêu chí ban đầu của VPF.

3. V-League nặng phần kiếm tiền và xài tiền nhưng lại rất nhẹ phần chuyên môn, phần chất lượng và tính chuyên nghiệp của các CLB. Ảnh: XUÂN HUY

Tư thế của VPF

Có được bản quyền truyền hình rồi, VPF bắt đầu bán sản phẩm của mình là V-League. Phần được và chia cho các đội bóng nghe thì có vẻ lớn so với phần thu mà AVG mỗi năm rót vào nhưng thực chất thì đó cũng là phần tiền bỏ vào của các ông bầu làm bóng đá và bán cho các nhà đài qua hình thức đổi quảng cáo. Đó là lý do thời gian đầu, giữa và sau trận đấu, khán giả xem đài luôn phải “kèm mồi” xem những sản phẩm của một số công ty các ông bầu đội bóng như HA Gia Lai, Gạch Đồng Tâm, Kiên Long Bank... phát đi phát lại.

Nếu VPF chỉ có thế và nếu cứ “chung” và “chi” quanh V-League thì các ông bầu sẽ không đấu tranh đòi lập VPF. Cái đích xa hơn mà bầu Kiên khi ấy nhiều lần không giấu giếm là tìm mọi cách để nắm phần chuôi từ việc tổ chức cá cược hợp pháp với những đề án đã được đặt lên bàn và đang tiến triển thuận lợi. Lúc đấy thương quyền V-League sẽ có giá trị gấp trăm, ngàn lần chứ không chỉ là bản quyền truyền hình.

Tư thế của VPF còn tăng cao nhờ tiếng nói của các ông bầu mạnh mẽ và rốt ráo hơn kiểu làm còn luẩn quẩn trong bao cấp của VFF. Tuy nhiên, điều khiến VFF mất thế trước VPF lại nằm ở chỗ quyền lực và những mối quan hệ mật thiết với cấp trên đang trong tay các ông bầu mà điển hình là bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng... Những ông bầu dễ dàng có bữa cơm với “người đặc biệt” khiến người khi ấy hét ra lửa ở VFF thì Phó Chủ tịch VFF khóa VI Lê Hùng Dũng cũng phải buông một chân ở VFF chạy theo ý các ông bầu rồi tham gia VPF với tư cách đại diện cho VFF.

Đến khi bầu Kiên bị bắt vì liên quan đến vụ án kinh tế thì VPF như rắn mất đầu. Tư thế của VPF đối với VFF cũng giảm sút rõ rệt. VPF đuối dần và thay vào đó là phần lấn sân từ phía VFF. Việc thành lập Ban Tư vấn đạo đức giám sát riêng các trận đấu trong vòng tiêu cực được dư luận hoan nghênh và ủng hộ nhưng sau đó thì ban này phải tự giải thể. Điều đó cho thấy phần “thế” của VPF dần bị lấn át bởi VFF. Người của VPF cũng dần bị VFF hóa và đặc biệt là thành phần ban tổ chức V-League cũng dần hòa tan như thời VFF còn tổ chức giải chuyên nghiệp.

Hòa tan và trở lại thời kỳ đầu

Vai trò của các ông bầu tuột dần trong bộ máy VFF. Bầu Đức, người hăng hái nhất sau bầu Kiên đã có lúc tuyên bố không quan tâm đến bóng đá. Còn phần đại diện VFF ở VPF thì ông Lê Hùng Dũng cũng bắt đầu chuyển cho Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nắm quyền sinh sát...

VPF bây giờ không còn ai đủ dũng khí chỉ mặt từng lãnh đạo đội bóng mà dằn mặt như bầu Kiên ngày nào buộc bầu Đệ của Thanh Hóa đừng cho tiền trọng tài làm ảnh hưởng đến giải, làm hư trọng tài. VPF bây giờ cũng chẳng còn ai đủ quyền lực để dằn mặt trọng tài nhúng chàm vòi vĩnh, đòi tiền các đội bóng như thời bầu Kiên chỉ đạo treo còi vĩnh viễn hai trọng tài làm tiền các đội bóng mà không trọng tài nào dám có ý kiến.

VPF bây giờ năng nổ trong vấn đề ngoại giao để kiếm tiền và hạnh phúc công bố Toyota mùa 2017 sẽ tăng thêm tiền tài trợ nhưng phần cần nhất là chuyên môn, là chất lượng, là tính chuyên nghiệp thực thụ của các CLB thì không quản nổi. VPF biết rất rõ tình trạng một ông chủ có tầm ảnh hưởng đến nhiều đội bóng làm cuộc chơi thiếu công bằng nhưng cứ để nó phát triển tự nhiên. Điều này đi ngược với hồi chuẩn bị lập VPF, bầu Kiên đã khẳng định không thể tồn tại việc một ông chủ hai đội bóng.

VPF từ ý tưởng ban đầu là đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng, nay đã chuyển sang việc nâng dần số lượng đội dự V-League theo diện rộng mà không chú trọng đến quy chuẩn, chất lượng của một CLB chuyên nghiệp. Trong khi tất cả quốc gia đều đặt hệ thống các CLB theo hình chóp (đáy nền tảng bóng đá phong trào và càng lên đến đỉnh thì phần chất lượng và chuyên nghiệp càng cao dần) thì ta lại sử dụng theo hệ thống “siêu mẫu”. Phần đỉnh với hệ thống chuyên nghiệp được ví là vòng một của cô người mẫu có đến 14 đội. Trong khi đó, phần hạng Nhất lại chỉ có 8-10 đội được ví như vòng hai. Còn vòng ba là hạng Nhì, là phong trào thì lại có vô số đội.

Có thể thấy rất rõ TP.HCM mùa 2017 có hai đội chuyên nghiệp nhưng đội bóng mang tên Sài Gòn thì ai cũng biết là một phần của bầu Hiển, còn đội TP.HCM vừa lên hạng thì đến giờ không biết ai lo, ai điều hành còn cầu thủ thì không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, có được ký hợp đồng tiếp hay không. Thậm chí là thủ tục của một CLB chuyên nghiệp cũng không biết sẽ ra sao khi công ty cổ phần bắt buộc phải có của một đội chuyên nghiệp vẫn còn đang... tính.

Hỏi ông chủ của 14 đội chuyên nghiệp đã tự nuôi được đội bóng chưa thì nhận được nhiều kiểu trả lời khác nhau. Một phần sống bằng tiền ngân sách của địa phương góp vào như một dạng “hụi chết” cho các CLB; một phần thì ông chủ bao toàn bộ cho CLB địa phương nhưng đổi lại thì địa phương phải tạo những chính sách mở cho ông chủ đó làm ăn như giao đất vàng hay ưu tiên cho khai thác quặng, mỏ...; có CLB thì tỉnh giao hẳn đội bóng cho công ty của tỉnh chịu trách nhiệm nuôi nấng và đầu tư cùng những chính sách ưu đãi mà công ty nhà nước đấy được tỉnh ưu ái (như được phép khai thác tất cả hoạt động dịch vụ tại quốc lộ chính nằm trên địa bàn tỉnh cùng việc kinh doanh bất động sản...). Chỉ có số ít CLB như Long An hay Đồng Tháp là sống bằng một ít ngân sách nhà nước cộng với đồng tiền của các doanh nghiệp tỉnh cùng nhau góp cổ phần để nuôi đội bóng.

__________________________

* Đón đọc kỳ tới: 16 năm chuyên nghiệp thu hoạch được gì?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm