Những quy định tại phiên tòa phúc thẩm chuyến bay giải cứu

(PLO)- HĐXX phúc thẩm phiên tòa chuyến bay giải cứu cho biết tòa đã bố trí 2 phòng xét xử, một phòng xét xử trực tiếp, một phòng xét xử trực tuyến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đưa tin, ngày 25-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

chuyến bay giải cứu
Dẫn giải các bị cáo đến phiên tòa phúc thẩm 'chuyến bay giải cứu

Phóng viên tác nghiệp tại phòng dành riêng cho báo chí. Ngay đầu giờ, các phóng viên được thông báo chỉ được mang giấy, bút vào phòng xử. Toàn bộ các thiết bị điện tử tác nghiệp quen thuộc của phóng viên như điện thoại, máy ghi âm, máy tính cùng với tư trang đều phải để bên ngoài.

Trong phần thủ tục phiên tòa, HĐXX cho biết bị cáo Phạm Bá Sơn không kháng cáo nhưng vẫn được triệu tập đến phiên tòa. Tuy nhiên, bị cáo Sơn có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do đang bị bệnh.

Về việc này, đại diện VKS cho rằng việc này không ảnh hưởng việc xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.

Về ý kiến các luật sư đề nghị cho thân nhân nộp tiền khắc phục cho các bị cáo được vào phòng xét xử, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Mai Anh Tài đề nghị phối hợp với thư ký phiên tòa.

Trước khi bắt đầu phần xét xử, thẩm phán Mai Anh Tài thống nhất cách làm việc. Theo đó, do bản án dài, nhiều nội dung, HĐXX sẽ không công bố toàn bộ bản án sơ thẩm mà chỉ công bố tóm tắt hành vi liên quan các bị cáo. Việc này đều được các bị cáo và luật sư đồng ý.

Chủ tọa cũng thông báo sẽ xét hỏi “cuốn chiếu”, HĐXX xét hỏi rồi đến VKS, các luật sư sẽ xét hỏi lần lượt từng bị cáo. Cơ bản các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, vì vậy, chủ tọa đề nghị tập trung vào nội dung này. Một số bị cáo có nhiều luật sư, đề nghị các luật sư không trình bày trùng lặp.

Ngoài ra, chủ tọa cho biết, tòa đã bố trí 2 phòng xét xử, một phòng xét xử trực tiếp, một phòng xét xử trực tuyến. HĐXX không cho phép sử dụng máy ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Cả hai phòng xét xử đều phải tuân thủ yêu cầu này. Các trường hợp ghi âm, ghi hình (nếu có) phải được sự đồng ý của HĐXX.

Theo lịch dự kiến, từ ngày 11 đến ngày 28-7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 23 bị cáo kháng cáo, trong đó cả 4 bị cáo bị tuyên phạt án tù chung thân đều kháng cáo. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm 2 bị cáo đã rút kháng cáo.

Hầu hết các khác bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo này không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không phạm tội đưa hối lộ. Bị cáo Tuấn bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 18 năm tù về hai tội danh.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên ban đầu kháng cáo kêu oan nhưng sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội và tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án.

Ông Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt nhưng vẫn bị dẫn giải đến tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm