Những thành quả nổi bật trong năm 2023 của tòa án hai cấp ở TP.HCM

(PLO)- Năm 2023, TAND hai cấp TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Là địa phương tập trung đông dân, truyền thông tập trung, nếu các vụ việc mà có sai sót nhiều quá thì uy tín của toàn hệ thống sẽ bị ảnh hưởng. Kết quả tỉ lệ án bị sửa là 0,14% đã phản ánh chất lượng xét xử của các đồng chí là rất tốt” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu đánh giá tại Hội nghị tổng kết năm và triển khai công tác năm 2024 của TAND hai cấp TP.HCM.

Điểm sáng trong công tác xét xử trực tuyến

Ông Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận TP.HCM là địa phương có số lượng án chiếm tỉ trọng rất cao trong quy mô toàn quốc. Một năm ngành tòa án giải quyết hơn 600.000 vụ việc, vụ án các loại thì TP.HCM chiếm hơn 10%.

Bên cạnh đó, với vị trí của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nên quy mô, tính chất các vụ án xảy ra tại TP.HCM khác biệt và lớn hơn nhiều so với các vụ án xảy ra ở địa phương khác. Do vậy mà áp lực đặt ra cho đội ngũ thẩm phán khi phải giải quyết số lượng công việc không ngừng tăng lên và đối với tính chất ngày càng phức tạp.

xét xử trực tuyến
Năm 2023, tập thể TAND hai cấp TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Về công tác giải quyết các vụ án, Chánh án TAND Tối cao biểu dương TAND hai cấp TP.HCM là địa phương duy nhất trên cả nước giải quyết được rất nhiều loại án phá sản được xem là loại án khó của toàn quốc hiện nay (đã giải quyết 72/73 yêu cầu phá sản).

Các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh việc quan tâm về môi trường đầu tư thì còn đặc biệt quan tâm đến Luật Phá sản và thực thi Luật Phá sản của nước ta để đảm bảo rằng khi xảy ra tình huống rủi ro thì tài sản không bị mất. Và những kinh nghiệm của TP.HCM sẽ là những kinh nghiệm chung của cả nước trong việc giải quyết các vụ việc phá sản trong tương lai.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh hiện nay chỉ có Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương được ủy quyền xét xử các vụ án tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết. Các vụ án lớn được giải quyết tại TP.HCM đã được xét xử nghiêm túc, đúng người, đúng tội, kịp thời góp phần thu hồi tài sản tham nhũng.

Ngoài ra, TAND hai cấp TP.HCM cũng là điểm sáng trong công tác xét xử trực tuyến với hơn 2.500 phiên tòa, phiên họp. Trong 15 đơn vị xét xử trực tuyến hàng đầu cả nước thì TP.HCM đã đóng góp trong đó sáu đơn vị (TAND TP.HCM, TP Thủ Đức, quận 3, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè).

Tích cực hòa giải thành các vụ việc

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết qua theo dõi có thể thấy được Ban cán sự Đảng TAND Tối cao đã quan tâm rất sâu sát đối với TAND hai cấp TP.HCM. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, trật tự xã hội ngày càng phức tạp và đội ngũ thẩm phán phải đối diện với thử thách rất lớn nhưng năm qua vẫn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội giao, đó là kết quả rất tốt.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng gửi gắm đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức trong ngành tòa án cần tiếp tục phát huy về kỹ năng, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trong công tác giải quyết các vụ việc thì quan tâm hơn nữa đến công tác hòa giải để có thể hòa giải thành các vụ việc để người dân không phải kiện tụng.

Chuyển đổi số để xây dựng tòa án điện tử

Báo cáo về công tác tòa án năm 2023, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết trong năm qua TAND TP đã bám sát chủ đề, nội dung thi đua “Vì công lý” của TAND Tối cao. Đồng thời xây dựng chủ đề thi đua của TAND TP.HCM “Công chức, người lao động đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023”. Trên cơ sở đó, TAND hai cấp TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

TAND TP.HCM đã thụ lý, giải quyết một số vụ án nổi cộm; các vụ án về tham nhũng, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và TP.HCM theo dõi, chỉ đạo như vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền; vụ án Hoàng Thị Thúy Nga và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về đấu thầu; vụ án Mai Nguyễn Xuân Thành và đồng phạm về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, TAND hai cấp TP.HCM đã thực hiện thí điểm tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Tính đến ngày 30-9-2023, TAND TP.HCM đã thực hiện được 460 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này.

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tư pháp, chuyển đổi số tiến tới xây dựng tòa án điện tử, TAND hai cấp TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường truy cập và sử dụng phần mềm trợ lý ảo, đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công việc. Đẩy mạnh hoàn thành số hóa bản án, quyết định của tòa từ năm 1976 đến nay...

Các hạng mục được trao thưởng

trao-thuong-2754.jpg
Các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc nhận giải thưởng. Ảnh: DI LINH

Một là: Bốn đơn vị được TAND Tối cao trao cờ thi đua xuất sắc là TAND quận 7, quận 8, Bình Tân và huyện Nhà Bè.

Hai là: Hai tập thể nhận được bằng khen của Chánh án TAND Tối cao, gồm: Tập thể TAND TP.HCM nhận bằng khen khi có thành tích xuất sắc trong phát triển án lệ; tập thể TAND TP Thủ Đức đạt thành tích cao trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

Ba là: Cá nhân Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong được Chánh án TAND Tối cao trao bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai tống đạt điện tử.

Bốn là: Thẩm phán Phạm Thị Kim Định (TAND huyện Bình Chánh) được Chánh án TAND Tối cao trao danh hiệu Thẩm phán giỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm