Cô điều dưỡng thoăn thoắt dẫn tôi tới khoa Nhi (Bệnh viện Phụ sản-Nhi TP Đà Nẵng), chị nói: “Những đứa trẻ bị bỏ rơi đều được chăm sóc ở đây. Các bác sĩ, y tá và điều dưỡng của khoa thương mấy đứa nhỏ như con mình”.
Sau những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại các bệnh viện,Khoa nhi được kiểm soát khá nghiêm ngặt, không phải ai cũng được vào đây.
Có tên không họ
Những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ở đây chỉ có tên nhưng không có họ. Vỏn vẹn một cái tên kèm theo giới tính. Chị Hoàng Thị Thanh Tâm (Điều dưỡng trưởng Nhi sơ sinh), tâm sự : “Các con bị cha mẹ mình ruồng bỏ lúc còn đỏ hỏn. Chẳng biết họ tên thật, quê quán của cha mẹ nên con trai thì gọi là “trai Tuấn”, “trai Tú”… còn con gái thì gọi là “gái Ánh”, “gái Bình”...chỉ có mỗi cái tên thôi”.
Bé Bình thích thú khi được chụp hình bên “mẹ” Tâm
Những đứa trẻ này có lúc bị bỏ rơi ở phòng sản, lúc lại ở phòng cấp cứu, hồi sức nhi. Người sinh ra bé bỏ đi mà không để lại bất cứ một thông tin g, chỉ có những số điện thoại, họ tên và địa chỉ giả.
Chị Tâm đã làm việc ở bệnh viện này tròn 26 năm, cũng từng đó năm chị cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi. Hiện bệnh viện đang săn sóc và nuôi dưỡng năm trẻ, trong đó có một trẻ bị não nước, một trẻ bị dị tật cằm lẹm, ăn uống khó khăn, còn lại ba bé khỏe mạnh.
Có nhiều lý do để bọn trẻ bị chính cha mẹ khước từ nhưng chung quy đây là những đứa bé được sinh ra ngoài ý muốn.
70 bà mẹ
May mắn dành cho những em bé này là vòng tay yêu thương của 70 mẹ là bác sĩ, y tá và điều dưỡng của Bệnh viện. 70 bà mẹ thay nhau chăm con nhưng có lúc một con tới 5-6 mẹ chăm. Mẹ pha sữa, mẹ thay quần áo, mẹ lấy tã, mẹ mua cháo giỗ dành… Các mẹ ra sức bù đắp những đứa con thiệt thòi của mình.
Thấy “gái Bình” khóc, diều dưỡng Dương Thị Nhành ôm lấy bé, ầu ơ cất lời ru. Nghe tiếng ru, bé Bình nín khóc ngước nhìn mẹ. Chị Nhành thủ thỉ : “Mẹ thương, con gái ngoan đừng khóc. Con đói rồi phải không? Mẹ đút con ăn nhé”.
Bé Bình được điều dưỡng Thanh tắm táp mỗi ngày
Điều dưỡng Đào Thị Như Thanh là mẹ trẻ có nhiệm vụ tắm táp cho "gái Bình”, "trai Sơn”, ngày nào cũng bị các bé Bình tè ướt sũng chiếc áo trắng. Mỗi lúc làm việc căng thẳng, các mẹ lại chạy đến bồng, ẵm các con.
Không chỉ chị Tâm, Nhành, Thanh mà các bác sĩ, y tá, điều dưỡng khoa Nhi nơi đều tự nguyện bỏ tiền ra mua bỉm, sửa, quần áo…cho bọn trẻ. Đêm đến các bé lại được vào ngủ chung với các mẹ trong phòng trực. Thậm chí đi họp các mẹ cũng bồng bé theo để trông chừng.
Kỳ lạ là những đứa bé bị bỏ rơi này rất ít khi quấy khóc. Bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó trưởng khoa Nhi, cho biết : “Đã có rất nhiều cháu bị cha mẹ bỏ rơi được bệnh viện nuôi nấng từ lúc vừa chào đời. Khi các bé lớn hơn, khỏe mạnh, bệnh viện phải làm thủ tục chuyển các bé đến trại trẻ mồ côi của TP”.
Các cô điều dưỡng ở đây không ai muốn chia tay các con nhưng cũng không thể để bọn trẻ sống mãi trong môi trường bệnh viện. Mỗi lần chia tay là một lần các mẹ thắt ruột.
Bé Sơn được các mẹ là bác sĩ, y tá và điều dưỡng của khoa Nhi chăm sóc, nay bé đã được 4 tháng tuổi
Điều dưỡng Tâm kể: 26 năm làm ở bệnh viện chỉ duy nhất một trường hợp trẻ bị bỏ rơi được người nhà tìm lại. Đó là trường hợp cô sinh viên ở Quảng Bình sau khi sinh con thì bỏ về quê. Về đến nhà, mẹ cô phát hiện dấu hiệu con mình sinh nở nên gặng hỏi. Sau đó, bà ngoại bé đã bắt xe từ Quảng Bình vào Đà Nẵng để xin nhận lại cháu. |