Năm học mới lại bắt đầu, niềm vui và nỗi niềm trăn trở lẫn lộn nhau. Vui vì thấy các em được cắp sách đến trường đúng hẹn, vui vì sức khỏe của mọi người đang bình an. Học phí vẫn giữ nguyên như những năm học trước. Năm đầu áp dụng chương trình giáo dục 2018 đối với cấp THPT, nếu mọi nơi làm đúng thì việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá sẽ giúp các em học sinh có rất nhiều cơ hội để khắc phục những thiếu sót trong mọi mặt…
Nhưng vẫn còn đó những trăn trở:
1. Đạo đức của tuổi trẻ học đường
Hai năm đại dịch hầu hết các em đều được tiếp cận công nghệ, sử dụng rành công nghệ nên có rất nhiều thời gian để khám phá chuyện của “thập loại chúng sinh”, lợi bất cập hại, lợi thì ít mà hại thì nhiều. Sự vô bổ ngập tràn trên các nền tảng mạng xã hội. Hôm nay đi đâu cũng thấy mọi người khiêm tốn “cúi đầu”, à không phải chào nhau mà là đang “lướt” trên các trang mạng. Đam mê TikTok, chơi game, chat với nhau..., các em bị lệch chuẩn khi nào cũng không hay.
2. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Tên gọi rất “hoành tráng”, tuy nhiên khung nội dung áp dụng giống nhau cho 63 tỉnh, thành. Nghĩa là học sinh ở thủ đô, TP.HCM cũng giống học sinh miền núi, biên cương và nơi đảo xa.
Chờ xem các nơi sẽ triển khai ra sao! Chứ gọi “hoạt động” là giúp rèn kỹ năng linh hoạt, năng động, bản lĩnh, tự tin. Gọi “trải nghiệm” là tiếp cận cái mới, cái hay... Gọi “sáng tạo” thì dứt khoát phải mới so với cái cũ, có tính hấp dẫn, cuốn hút..., giúp hình thành kỹ năng tư duy, bản lĩnh, dám nghĩ, dám đột phá. Nếu đúng như tên gọi thì các em sẽ có những tháng ngày thanh xuân bay bổng.
3. Đời sống của thầy cô
Hiện lương của thầy cô gặp không ít khó khăn trước vật giá tăng cao, thầy cô phải vất vả làm thêm. Cũng như ngành y, bác sĩ cũng cho bệnh nhân biết nơi phòng khám bên ngoài. Ai cũng muốn tìm bác sĩ giỏi để trị hết bệnh, phụ huynh cũng mong con mình gặp thầy cô dạy giỏi để học. Nên chăng cho thầy cô vào trường dạy thêm ngoài giờ có sự giám sát của lãnh đạo nhà trường. Tất nhiên ai làm sai sẽ bị kỷ luật.
4. Sức khỏe của thầy cô
Hai năm đại dịch rất nhiều thầy cô bị nhiễm COVID-19, có người bị hai, ba lần. Ai cũng biết sức khỏe hậu COVID-19 là một ẩn số khó lường. Nhưng Thông tư 14 của Bộ Y tế từ năm 2013 đến nay không thể đảm bảo tốt công tác tầm soát phát hiện bệnh sớm. Hy vọng thời gian tới sẽ có thông tư thay thế để ngân sách khám sức khỏe cho thầy cô tăng gấp năm lần (1,5 triệu đồng).