Dự kiến ngày mai (25-8), TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đối với bị cáo Võ Tư Thiệt và Nguyễn Thị Tuyết (mẹ bị cáo Thiệt, cùng ngụ huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
Trước đó, đầu tháng 6, TAND huyện Tuy Đức đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án trên và tuyên phạt hai bị cáo mỗi người chín tháng tù. Hai bị cáo sau đó kháng cáo kêu oan.
Xuất phát từ việc đòi nợ
Cáo trạng thể hiện ông Sầm Văn Núm (ngụ xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) nợ tiền mua phân bón, tiền bán cà phê của mẹ con anh Thiệt nên ngày 7-1-2018, hai người đến nhà ông Núm để đòi nợ. Tại đây, hai mẹ con anh Thiệt gặp một người tên Long cũng đến đòi nợ ông Núm số tiền 110 triệu đồng. Qua nói chuyện, mẹ con anh Thiệt biết ông Núm đã thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để vay tiền Long.
Bị cáo Thiệt tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: GĐCC |
Sau đó, Thiệt, Long và ông Núm thỏa thuận là mẹ con anh Thiệt sẽ cho ông Núm vay 110 triệu đồng để trả cho Long và Long giao lại GCNQSDĐ của ông Núm cho hai mẹ con anh Thiệt giữ. Đến tháng 11-2018, do cần tiền, ông Núm bán mảnh đất nói trên cho ông Phùng Lê Hiếu (ngụ Tuy Đức). Hai bên thống nhất sang nhượng nhưng chưa giao GCNQSDĐ.
Tháng 5-2020, ông Hiếu yêu cầu sang tên đất thì được ông Núm kể là GCNQSDĐ đang thế chấp chỗ mẹ con anh Thiệt. Ông Núm hỏi mượn tiền ông Hiếu để trả cho mẹ con anh Thiệt, lấy GCNQSDĐ về làm thủ tục sang tên cho ông Hiếu thì được đồng ý.
Ngày 18-5-2020, hai ông Núm và Hiếu đến nhà anh Thiệt để chốt tiền nợ của ông Núm. Tại đây, bà Tuyết nói rằng tính đến hôm nay, tiền phân bón và cà phê mà ông Núm nợ hai mẹ con bà là gần 580 triệu đồng.
Ngoài ra, số tiền 110 triệu đồng mà ông Núm thế chấp GCNQSDĐ để vay của mẹ con bà Tuyết trước đó, theo như tính toán của hai người này, tổng nợ cả gốc và lãi đến 18-5-2020 là 440 triệu đồng (gồm 110 triệu đồng tiền gốc, số còn lại là tiền lãi). Lúc này, không có anh Thiệt ở nhà nên bà Tuyết đã gọi điện thoại để thông báo việc ông Núm và ông Hiếu đến xin trả nợ để chuộc GCNQSDĐ trên thì Thiệt đồng ý.
Ngày 20-5-2020, do không đủ tiền, ông Hiếu gọi điện thoại cho Thiệt xin đưa trước 300 triệu đồng tiền lãi, còn 140 triệu đồng khi nào có sẽ trả và lấy GCNQSDĐ. Khoảng 9 giờ cùng ngày, hai ông Hiếu và Núm mang tiền đến trả nhưng Thiệt không có ở nhà, cha mẹ của Thiệt nhận tiền thì bị bắt quả tang.
Nhiều tình tiết chưa rõ
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư (LS) đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa. Theo LS, trong vụ án này có nhiều tình tiết bất thường cần được làm rõ, hơn nữa trong quá trình xử lý vụ án có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Đơn cử như việc bị cáo Thiệt dù không có mặt tại thời điểm bắt quả tang, tuy nhiên trong biên bản quả tang lại có lời khai của Thiệt. Theo LS, nội dung khai này là hoàn toàn không đúng thực tế, đã có sự mâu thuẫn với chính nội dung cáo trạng ở chỗ Thiệt có việc bận đã đi ra khỏi nhà và nhờ cha mẹ nhận. Hơn nữa, tại phiên tòa, Thiệt cũng thừa nhận thời điểm công an bắt quả tang thì mình không có mặt. Sau đó mới được yêu cầu ký vào biên bản.
Biên bản phạm tội quả tang bắt đầu lúc 9 giờ 10 phút và kết thúc vào 10 giờ ngày 20-5-2020; trong khi đó biên bản khám nghiệm hiện trường bắt đầu lúc 9 giờ 30 và kết thúc lúc 9 giờ 55 cùng ngày và cùng do một điều tra viên chủ trì. Việc điều tra viên tiến hành song song hai hoạt động cùng thời gian là không đảm bảo về mặt tố tụng.
Trong các file ghi âm đã được giám định thì các bị cáo Thiệt và Tuyết cũng không nói tiền lãi là 300 triệu đồng, mà chỉ do ông Hiếu tự nói ra. Các bị cáo đều khẳng định số tiền 300 triệu đồng bao gồm: Tiền lãi và gốc của số tiền 110 triệu; lãi và gốc của số tiền khoảng 50 triệu đồng là tiền ông Núm nợ cà phê, phân bón mà bà Tuyết tính thiếu và tiền lãi của số tiền gần 580 triệu đồng (do ông Hiếu nhận trả thay ông Núm). Trong hồ sơ không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện số tiền 300 triệu đồng là tiền lãi, ngoài lời nói của ông Hiếu, ông Núm và lời khai ban đầu của các bị cáo. Tất cả phương án trả nợ là tự ông Hiếu đưa ra. Hai bị cáo Tuyết và Thiệt không tự tính toán về phương án trả nợ.
“Lời khai nhận tội của các bị cáo trong giai đoạn đầu của vụ án chỉ là một trong các chứng cứ để xem xét buộc tội, trong khi những lời khai này có mâu thuẫn với toàn bộ các tài liệu chứng cứ khác thể hiện trong hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ thu thập không đúng trình tự thủ tục tố tụng nên không thể dùng là chứng cứ buộc tội bị cáo” - LS phân tích.
Ngoài ra, LS cho rằng cáo trạng khẳng định số tiền 300 triệu đồng là tiền lãi nhưng đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước gần 162 triệu đồng (trong 300 triệu đồng), bao gồm cả tiền gốc 110 triệu đồng, là mâu thuẫn với chính cáo trạng của VKS.
Đáng nói, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Núm cũng đã có đơn gửi cơ quan tố tụng, trong đó nêu rõ việc tố cáo mẹ con bà Tuyết không phải tự nguyện, hai người này không có hành vi cho vay lãi nặng. Tại tòa, LS của ông Núm cũng nêu vấn đề này và cho rằng cơ quan tố tụng chưa làm rõ được số tiền 300 triệu đồng đó là tiền gì.
VKS đã từng đình chỉ vụ án
Trước khi bị truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 18-5-2021, mẹ con bà Tuyết có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự (TNHS). Ngày 27-5-2021, ông Sầm Văn Núm có đơn đề nghị miễn truy cứu TNHS đối với hai bị can Tuyết và Thiệt.
Đến ngày 28-5-2021, phó viện trưởng VKSND huyện Tuy Đức ký quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ vụ án đối với hai bị can Tuyết và Thiệt về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thuộc trường hợp được miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS).
Không đồng ý với các quyết định trên, ngày 31-5-2021, mẹ con bà Tuyết làm đơn khiếu nại gửi đến VKSND huyện Tuy Đức. Ngày 21-6-2021, viện trưởng VKSND huyện Tuy Đức ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, chấp nhận một phần đơn khiếu nại, hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ vụ án đối với hai bị can này.