Ngày 15-2-2016, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 57/2012 quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi.
Theo quy định cũ, những mẫu được coi là dương tính với chất cấm khi kết quả phân tích định lượng của chất salbutamol (chất tạo nạc) cao hơn hoặc bằng 2 ppb. Tuy vậy, thông tư mới đã nới rộng ra khi quy định những mẫu được coi là dương tính khi kết quả phân tích định lượng của chất salbutamol cao hơn hoặc bằng 5 ppb.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thời gian qua cơ quan chức năng ở TP.HCM phát hiện nhiều lô heo từ các địa phương đưa vào TP.HCM giết mổ dương tính chất salbutamol. “Theo quy định mới thì chỉ có thể xử lý lô heo dương tính chất salbutamol từ 5 ppb trở lên, trong khi trước đây chỉ cần 2 ppb. Chẳng hiểu sao Bộ NN&PTNT cho phép tăng hàm lượng chất salbutamol trong heo? Điều này dẫn đến nguy cơ heo nhiễm chất cấm xuất hiện tràn lan ngoài thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Nguyên lo lắng.
Cũng theo ông Nguyên, Thông tư 01/2016 còn bãi bỏ Điều 7 của Thông tư 57/2012, tức bỏ quy định buộc cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. “Việc bỏ quy định trên đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng không thể kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt heo bày bán ngoài thị trường. Người tiêu dùng lại gánh chịu nguy cơ sử dụng thịt heo tồn dư chất cấm” - ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết Thông tư 01/2016 do Cục Chăn nuôi xây dựng. Trước khi ban hành, Cục đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều địa phương, các đơn vị liên quan và đã tiếp thu những đóng góp phù hợp.
Liên quan đến việc nâng hàm lượng salbutamol so với trước, ông Dương cho biết trong thực tế nước tiểu heo chứa dư lượng chất cấm luôn trên 100 ppb. “Đúng là có việc tăng hàm lượng chất salbutamol nhưng khi tăng vẫn còn ở mức rất thấp so với thế giới” - ông Dương nói.
Về việc bãi bỏ điều khoản về “tịch thu, tiêu hủy” của thông tư cũ, ông Dương cho hay trước khi Thông tư 57/2012 ra đời thì chưa có Nghị định 119/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, khoản 2 Điều 14 Nghị định 119/2013 quy định sẽ phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y. “Việc bãi bỏ như trên là để tránh cùng một nội dung mà nêu trong hai văn bản khác nhau. Nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện thịt heo ngoài thị trường nhiễm chất cấm thì vẫn có căn cứ, cơ sở để xử phạt” - ông Dương giải thích.
Thông tư 01/2016 ban hành ngày 15-2-2016 và cũng có hiệu lực từ ngày 15-2-2016. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), VBQPPL có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký. Nếu nó được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn (trường hợp khẩn cấp, đột xuất trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hay giải quyết vấn đề cấp bách theo quyết định của Quốc hội; ngưng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong thời hạn nhất định và khi cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới) thì có hiệu lực ngay khi ký. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng VBQPPL đang điều chỉnh những vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội thì được có hiệu lực ngay. “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang gây xôn xao dư luận, là một vấn nạn lớn nên cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Vì vậy hiệu lực của thông tư trùng với ngày ban hành là phù hợp” - ông Dương nói. |