Chưa xác định nguyên do cụ thể là gì nhưng nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước đang tàn phá môi sinh một cách dữ dội. Tình trạng đó đang diễn ra đó đây khắp đất nước chúng ta.
Vào một chiều tối cuối tuần, cách đây không lâu, tôi đến thăm “xóm trùn chỉ” ở mé sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp, TP.HCM), một trong những “xóm trùn chỉ” còn sót ở Sài Gòn. Hôm đó, nhiều người thợ vớt trùn chỉ trở về trong tiếng thở dài vì trùn bắt được không nhiều. Họ nói do sông Sài Gòn nhiễm mặn, ô nhiễm tăng cao nên con trùn chỉ cũng ngày càng ít đi.
Trước đây, khi nguồn nước còn trong xanh, đi dọc dòng sông Sài Gòn tôi thấy có rất nhiều người dân sống bằng nghề đánh bắt cá và vớt trùn chỉ. Có nhiều gia đình sống lênh đênh trên ghe nhưng vẫn kiếm được tiền cho con lên bờ ăn học. Nhưng cùng với thời gian, khi dòng sông ngày càng ô nhiễm thì những người sống bằng nghề đánh bắt cá, vớt trùn chỉ cũng rơi rụng dần. Các kết quả quan trắc về môi trường gần đây cho thấy sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn còn ô nhiễm nặng nề bởi các nguồn xả thải từ nhiều tỉnh, thành trên lưu vực này.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ở phía Bắc và nhiều tỉnh, thành khác. Đó cũng là bức tranh phản chiếu chung về tình trạng phát triển kinh tế thiếu bền vững, ít chú trọng đến bảo vệ nguồn nước - một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, quý giá ở nước ta.
Trong một thời gian dài, lấy lý do thiếu nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý nước thải, nhiều tỉnh, thành cho phát triển ồ ạt các nhà máy, các khu công nghiệp… chấp nhận đánh đổi, nhận lấy những nguồn nước thải đen ngòm. Và từ đó, những dòng kênh, dòng sông cũng chết dần chết mòn trong ô nhiễm.
Việt Nam được thiên nhiên phú cho nguồn tài nguyên nước khổng lồ. Nước còn mang theo mình biết bao loại tài nguyên khác như phù sa, cát sỏi, cá, tôm và các sinh vật khác… Tỉ lệ các nguồn tài nguyên này phụ thuộc vào sức khỏe của nguồn nước. Nguồn nước khỏe mạnh thì các nguồn tài nguyên chứa trong nó sẽ rất nhiều. Ngược lại, khi nguồn nước ô nhiễm - lâm bệnh thì các nguồn tài nguyên cũng ít dần. Nói thẳng ra những nguồn nước ô nhiễm chẳng những không mang lại nguồn tài nguyên gì mà còn gây ra nhiều hậu họa to lớn. Bảo vệ nguồn nước chưa bao giờ trở thành một vấn đề cấp bách như hiện nay, nhất là khi vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đang trải qua một đợt hạn hán lịch sử.
Tất nhiên các nguồn tài nguyên khác ở nước ta cũng vậy, nếu không được bảo vệ, khai thác hợp lý thì chúng sẽ cạn kiệt dần và rồi rỗng ruột. Và khi những cánh rừng bị tàn phá, những ngọn đồi bị móc ruột lấy sạch khoáng sản, những dòng sông ô nhiễm đến mức không còn tôm, cá… thì kết cục thế nào có lẽ không quá khó để có thể hình dung.