Nỗi niềm xe buýt - Bài 1: Trở ngại từ… xe máy

LTS: Chuyện xe buýt chạy ẩu gây tai nạn đang là nỗi bức xúc của người dân. Thế nhưng những điều đau lòng mà chúng ta nhìn thấy trong những vụ tai nạn liên quan đến xe buýt lỗi sai phạm đến từ nhiều nguyên do.

Để đảm bảo nhiệm vụ cho việc đi lại của nhiều người dân TP, đặc biệt là HS-SV, hằng ngày hơn 3.000 lái xe buýt phải căng mình trên đường, đặc biệt là những pha “thử phản xạ tài xế” từ những người đi xe máy khiến nhiều tài xế xe buýt giật mình thon thót.

Xe buýt sợ… xe máy

Gần 6 giờ 30, chiếc xe buýt số 8 của Liên hiệp HTX Vận tải Xe buýt TP.HCM xuất phát từ Bến xe quận 8 ra quốc lộ 50 để tiến về Bến xe buýt ĐH Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức). Đang bon bon ngon trớn trên đường thì chiếc xe khựng lại do một chiếc xe máy chạy ngược chiều liều lĩnh lấn làn, áp sát vào chiếc xe buýt. Với kinh nghiệm dày dạn của mình, tài xế Lưu Bút Thông bình thản nhả chân ga, rà thắng, trong khi mắt quét nhanh qua kính chiếu hậu để tay đánh vô lăng, uốn lượn chiếc xe buýt dài trên 10 m tránh một pha va chạm tưởng chừng khó tránh.

Khi chiếc xe đến cầu Nhị Thiên Đường, bắt đầu vào nội đô, từ trên xe buýt nhìn xuống đã thấy một cảnh tượng xe máy rải khắp mặt đường, chen đặc từ làn xe máy lẫn làn đường xe ô tô. Lúc này chiếc xe buýt như lạc vào biển người đi xe máy và tốc độ di chuyển của chiếc xe buýt bị chậm dần. Nhiều đoạn phải nhích từng tí một và thỉnh thoảng bị ngã dúi về phía trước do xe phải khựng lại nhường cho xe máy tạt ngang đầu xe buýt để sang đường. Nhưng khi lái xe nhấn ga thì một chiếc xe máy bất chợt chen vào khoảng trống vừa để lại.

Tuyến xe buýt số 8 này đi qua đường Lý Thường Kiệt ở khu vực chợ Tân Bình có làn đường nhỏ, được phân thành hai chiều với dải phân cách cứng ở giữa. Ở mỗi chiều lưu thông, mặt đường không đủ rộng để phân làn ô tô, xe máy. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài chiếc ô tô mở đèn ưu tiên đi vào làn xe máy, hầu hết ô tô vẫn xếp hàng một cách trật tự. Thế nhưng nhiều xe máy cứ lượn lờ giữa hai phần đường của ô tô và xe máy. Vừa qua giao lộ Thành Thái - Lý Thường Kiệt, tài xế Thông quyết định bật đèn xi nhan bên phải để đi vào làn đường xe máy. Trong lúc xe đang rà rà chạy đến ngã tư Lê Minh Xuân - Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) thì đột ngột một xe máy áp sát mạn phải ở đầu xe buýt, người lái mắt dáo dác nhìn sang đường.

 
Trên nhiều tuyến đường, hiện xe buýt phải “bơi” trong dòng xe máy. Ảnh: MP

Xi nhan xin rẽ cũng bị chửi

Cánh lái xe buýt ngán ngẩm nhất khi đi qua khu vực cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và, đường Lý Thường Kiệt qua khu vực chợ Tân Bình, đường Phan Đăng Lưu (đoạn từ ngã tư Phú Nhuận đến giao lộ với đường Nguyễn Văn Đậu)… vào giờ cao điểm. Ở những điểm “nóng” này, ngoài việc phải luôn tập trung cao độ để xử lý, tránh những va quẹt khi khoảng cách giữa xe máy và xe buýt chỉ trong gang tấc thì lái xe buýt cũng ngán ngẩm nhất việc ra vào trạm đón, trả khách. Theo ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải Xe buýt TP.HCM, hoạt động này dễ sinh tai nạn nhất hiện nay.

Theo quan sát của chúng tôi, để đi hết tuyến số 8, xe buýt phải ghé vào đón, trả khách trên 30 trạm, tức ra-vào hơn 60 lần. Khi xe buýt muốn cập sát vỉa hè để đón, trả khách chỉ có một cách: lấn trộn vào làn của xe máy. Trong khi đó trên làn đường của mình xe máy đã nêm chặt và còn lấn sang làn đường ô tô nên xung đột xảy ra giữa xe máy và xe buýt là rất dễ xảy ra. Có mặt trên tuyến xe buýt số 8, khi xe cách trạm gần cổng ĐH Bách khoa TP.HCM (đường Lý Thường Kiệt, quận 10) hơn 50 m, tài xế Lưu Bút Thông bật đèn xi nhan. Đi kèm đèn báo là tiếng “tút, tút” nhằm tăng sự lưu ý của người đi đường. Vậy nhưng hàng loạt xe máy vẫn phóng ào ào, vượt phải chiếc xe buýt như không hề nhận ra sự hiện diện của chiếc xe buýt đang ra hiệu cập lề.

Khi chiếc xe buýt gần như dừng lại ở sát lề đường thì phía sau vẫn còn nhiều xe máy cố gắng “chui vào” đến độ khách đứng trên lề phải dạt vào né. “Xe buýt thường xuyên phải ra vào trạm đón trả khách, không ít lần tôi xi nhan mà xe máy vẫn làm ngơ không nhường. Đặc biệt có trường hợp tôi chỉ xi nhan xin đường, tấp vào đón khách cũng bị người đi xe máy chửi bới” - ông Lưu Bút Thông bộc bạch.

 
Sự tùy tiện của nhiều người đi xe máy làm tài xế xe buýt cũng ngán. Ảnh: MP

Đổ lỗi cho “xe to”

Tài xế Nguyễn Trọng Tấn (HTX Xe buýt Quyết Thắng), chạy các tuyến số 6, 8, 56, cho rằng đường sá TP.HCM hiện quá chật hẹp, đông đúc nhưng ai cũng muốn đi nhanh, đi trước. Tâm lý này dẫn đến nhiều người đi xe máy cứ thấy khoảng trống là nêm vào, bằng cách đi sang phần đường ô tô, tạt ngang đầu xe buýt... Xe buýt bị vây bởi xe máy như “kiến bu cục đường”, trong đó nhiều người chạy, dừng rất tùy tiện.

Tuy nhiên, có một thực tế khi xảy ra va chạm thì không cần biết sự tình, lỗi thường được gán cho xe to, đặc biệt với phương tiện nhiều người gọi là “hung thần” thì sự chia sẻ càng khó khăn hơn. Dẫn lại vụ xe buýt cuốn ba xe máy trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) vừa xảy ra, đại diện HTX Quyết Thắng ngán ngẩm nói hiện nhiều người đi xe máy chạy một cách tùy tiện là nguyên nhân chính trong nhiều vụ tai nạn giao thông. Điển hình trong vụ này, ba xe máy đi vào làn đường ô tô va quẹt nhau làm cả ba xe ngã nhào xuống đường. Đúng lúc đó một chiếc xe buýt cùng chiều trờ tới, không kịp thắng đã va vào các xe máy.

“Nhưng hễ cứ có tai nạn giao thông xảy ra là y như rằng xe buýt lại gây tai nạn. Tâm lý hễ xe lớn và xe nhỏ có va chạm thì lỗi thuộc về xe lớn không chỉ ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân. Nhiều vụ tai nạn, xe buýt hoàn toàn không có lỗi nhưng lái xe vẫn bị làm khó, xe bị tạm giữ để hai bên thương lượng. Thậm chí xe buýt đậu nơi không cấm, không lấn mà xe máy tự va vào, chúng tôi cũng bị buộc hỗ trợ mới sớm lấy xe ra được” - vị này nói.

MINH PHONG

 

Những tồn tại, bất cập hiện nay

Hiện TP.HCM có trên 3.000 xe buýt đang hoạt động với tần suất mỗi ngày khoảng 17.000 lượt, đan xen vào cả làn đường chật hẹp dành cho khoảng 6 triệu xe máy.

Quy định không cho phép xe buýt đi vào làn đường xe máy, trừ khi xe đến giao lộ khoảng 100 m trở lại và các làn xe đều ách tắc. Nhưng nếu buộc đi đúng làn, xe buýt sẽ trở thành phương tiện siêu chậm và người dân sẽ dần từ bỏ xe buýt và thử hình dung đường sá của TP.HCM sẽ như thế nào? Thực tế này dẫn đến các lực lượng chức năng “mắt nhắm mắt mở” cho xe buýt to kềnh càng đan xen trên làn đường xe máy, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về tai nạn giao thông.

Chấm dứt việc xe buýt đi vào làn xe máy để giảm tai nạn chết người là điều ai cũng thấy được, hoặc làm làn đường ưu tiên hay vẽ làn đường dành riêng cho xe buýt là điều ai cũng muốn. Thế nhưng áp dụng thực tế gặp nhiều trở ngại về tính hiệu quả do những bất cập về hạ tầng hiện nay không đáp ứng được.

Số lượng các đợt khảo sát, các ý kiến từ các nhà quan sát, người làm chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học đến từ mọi tầng lớp, trong nước lẫn nước ngoài về chủ đề xe buýt, xe cá nhân không thống kê xuể. Từ đây có bao nhiêu ý kiến trái ngược khiến việc tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện, an toàn như rơi vào mớ bòng bong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm