Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh (tác giả: Việt Dung - Vĩnh Điền) được NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng đã được công diễn vào tối 17-8 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
NSND Thanh Ngân mất ngủ cho vai Trưng Trắc
Tiếng trống Mê Linh là vở cải lương quen thuộc đối với khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương. Đây cũng là vở gắn liền với tên tuổi của cố nghệ sĩ Thanh Nga.
Sau này nhiều thế hệ nghệ sĩ đã tiếp nối và tạo ấn tượng với vai Trưng Trắc như Mộng Tuyền, Phượng Liên, Mỹ Châu, Kiều Phượng Loan… và trong đó có NSND Thanh Ngân.
Vào năm 2022 vở cải lương Tiếng trống Mê Linh cũng đã được trình làng và sau 2 năm trở lại vở tiếp tục nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả.
Trong vở cải lương huyền thoại Tiếng trống Mê Linh, vai Trưng Trắc được xem là vai diễn nặng ký nhất và cũng như 2 năm trước NSND Thanh Ngân đảm nhận vai diễn này. Được biết, nữ nghệ sĩ đã mất ngủ suốt 3 đêm cho lần trở lại này.
Trong xuyên suốt vở diễn, NSND Thanh Ngân đã thể hiện khá trọn vẹn hình ảnh nữ tướng Trưng Trắc "Một vai nặng gánh non sông còn vai kia nặng gánh nợ ân tình".
Theo đó, hình ảnh một nữ tướng Trưng Trắc tài ba, thao lược, biết nhún nhường để tiến tới mục đích lớn hơn đã khiến khán giả vỗ tay rần rần.
Tuy nhiên, dù yêu thương đong đầy nhưng ở đó tình yêu nước, mong muốn thoát khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm vẫn luôn được nung nấu.
Đặc biệt khi hay tin Thi Sách chồng mình rơi vào tay giặc, phân cảnh nữ tướng của vùng đất Mê Linh phân vân sẽ nổi dậy đấu tranh hay bảo vệ phu quân khiến khán giả nghẹn ngào…
"Phu quân, thiếp thôi thúc ba quân cất bước hay thiếp ra lệnh cho chính mình mau bay đến với chàng. Thềm đá sao mà giá lạnh, gốc thông sao mà cô đơn, chàng ơi chàng hãy giúp thiếp lau đi cho thiếp những giọt nước mắt đau thương yếu đuối. Có lúc nào bằng lúc này, ruột gan thiếp bừng bừng lửa đốt. Xin chàng hãy tiếp thêm sức mạnh để cánh tay này nắm chặt chuôi gươm 'Vì quốc vong thân'…"
Khán giả khóc, cười cùng Tiếng trống Mê Linh
Trong Tiếng trống Mê Linh, phân đoạn khiến khán giả yêu thích nhất chính là cảnh nữ tướng Trưng Trắc tế sống Thi Sách, phu quân của chính mình khi bị thái thú Tô Định đưa ra trước giàn thiêu.
Hình ảnh người nữ tướng mạnh mẽ, đau lòng tế sống phu quân đã khiến cho khán giả nức lòng và từng tràn vỗ tay vang lên cho diễn xuất của NSND Thanh Ngân.
Đoạn đối đáp giữa Thi Sách và Trưng Trắc cũng là điểm nhấn đáng nhớ của vở diễn.
Bên cạnh những tiếng xuýt xoa thì khán giả cũng được nhiều trận cười nghiêng ngả với từng mảng miếng của nghệ sĩ Dũng Nhí.
Hơn 3 tiếng đồng hồ, khán giả được trải qua những cung bậc cảm xúc thấy được tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông. Dẫu đứng trước lựa chọn giữa tình nghĩa vợ chồng và đấu tranh chống giặc giải phóng dân tộc thì lòng căm thù quân giặc, tình yêu quê hương đã vươn lên hết mọi thứ và chính những điều đó họ cũng đã đánh đổi rất nhiều.
Dù đôi lúc các nghệ sĩ vẫn vấp lời, âm thanh vẫn chưa thực sự nhịp nhàng nhưng cảm xúc vẫn khá trọn vẹn
Chia sẻ với PLO, Trọng Nghĩa (ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết bản thân đã lỡ hẹn với suất diễn lần trước nên lần này quyết tâm đi xem cùng bạn.
“Với những vở cải lương lịch sử như thế này thực sự rất ý nghĩa và thêm phần tự hào về cha ông thuở trước. Vẫn chưa thực sự như mình mong đợi nhưng dù sao vẫn hi vọng sẽ có thêm các suất diễn về sử Việt như vậy để những bạn trẻ như mình có thể thưởng thức thêm yêu lịch sử dân tộc” – Trọng Nghĩa nói.