NSND Trần Hạnh: Người khổ hạnh trên màn ảnh đã về trời

Vào lúc 2 giờ 50 phút ngày 4-3, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Hạnh đã thanh thản qua đời tại nhà riêng trong vòng tay người thân ở tuổi 92.

Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ: “Cả một bầu trời tuổi thơ! Vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa NSND Trần Hạnh”. NSƯT Chiều Xuân xúc động: “Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy”.

Sự khắc khổ “rất gần gũi và cuốn hút”

Nhắc đến nghệ sĩ Trần Hạnh, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết NSND Trần Hạnh là một gương mặt nghệ sĩ điển hình. Nhắc đến ông, người xem nhớ ngay đến một khuôn mặt chân chất, khắc khổ, tạo ra được một “thương hiệu” riêng khi ông xuất hiện trên sân khấu hay màn hình.

Ngoại hình của ông từ đôi mắt tới khóe miệng đều có nét riêng, không lẫn với ai và chỉ nhìn thôi là đã thấy toát lên kiểu tính cách, hoàn cảnh của vai diễn mà ông đảm nhận.

“Nhìn ông, người xem nhìn thấy ngay một nhân vật khắc khổ nhưng chính sự khắc khổ ấy lại rất gần gũi và chân thật, cuốn hút người xem. Ngoài ra, đài từ rất đậm của ông cũng là một thế mạnh. Người xem có thể không ngồi cạnh màn hình nhưng nghe lời thoại là đã nhận ra ngay NSND Trần Hạnh, đó là những đặc điểm nổi bật về người nghệ sĩ này” - NSND Lê Tiến Thọ nói.

Trên sân khấu, nghệ sĩ Trần Hạnh có nhiều vai diễn để đời với các vở như Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Già kén, Âm mưu và tình yêu.

Trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, NSND Trần Hạnh để lại dấu ấn với các vai diễn trong: Chiếc bình tiền kiếp, Tướng về hưu, Truyện cổ tích tuổi 17, Nước mắt đàn bà, Cuốn sổ ghi đời, Hãy tha thứ cho em, Ngõ lỗ thủng, Làng nổi, Bão qua làng. Năm 2017, ông còn tham gia một vai nhỏ trong phim điện ảnh Cha cõng con.

Nghệ sĩ Trần Hạnh trong vai ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời. Ảnh: TL

Lễ viếng NSND Trần Hạnh sẽ được cử hành vào lúc 9 giờ 30 ngày 6-3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết lễ tang của NSND Trần Hạnh sẽ được nhà hát và gia đình cùng chung tay tổ chức.

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, ông gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội từ khi tốt nghiệp cho tới lúc nghỉ hưu vào năm 1989. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984. Năm 2019 ông chính thức nhận danh hiệu NSND. 

Đời thường nhiều trắc trở vẫn nhận mình hạnh phúc

Rời sân khấu, khi không tham gia đóng phim, hình ảnh người NSND Trần Hạnh gắn liền với cửa hàng quần áo của con dâu ở ga Hà Nội. Ông phụ giúp con dâu bán hàng, thỉnh thoảng trò chuyện với khách hàng nhưng cũng có lúc khi “bị” nhận ra là NSND Trần Hạnh, ông lại dí dỏm nói: “Tôi không phải Trần Hạnh đâu”.

Ông có cả thảy bảy người con nhưng ba người đã mất. Cuộc sống đời thường của ông cũng trải qua nhiều vất vả, ông dành nhiều thời gian để chăm vợ ốm liệt giường cho tới khi bà rời bỏ cõi trần. Tiếp đến, đôi bàn tay ông cũng phải chăm người con trai 40 tuổi bị chấn thương sọ não vì tai nạn. Tuy nhiên, khi được hỏi về tên Hạnh của mình, ông vẫn bình thản nói tên Hạnh của mình là Hạnh phúc. “Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi” - ông bày tỏ.

Năm 2019, tại buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT, trả lời của ông với báo chí được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại trong bài phát biểu của mình. Thủ tướng bày tỏ ở tuổi 90, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong và trái tim vị nghệ thuật, vị nhân sinh. Đó thực sự là một tấm gương trân quý để các thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Sau khi nhận danh hiệu NSND, nghệ sĩ Trần Hạnh đã có chia sẻ ngắn với báo chí, ông cho biết dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng khi có lời mời tham gia đóng phim ông vẫn sẽ tham gia.

Tuy nhiên, cũng sau ngày đón nhận danh hiệu cao quý, ông chỉ đủ sức khỏe đóng thêm vài quảng cáo, sau đó nhiều căn bệnh ập đến với ông khiến người nghệ sĩ cao tuổi phải rời xa nghiệp diễn.

Năm 2018, khi được Sở VH&TT Hà Nội đưa vào diện đặc cách xét duyệt danh hiệu NSND, nghệ sĩ Trần Hạnh đón nhận thông tin đó một cách bình thản, không kỳ vọng, điều ông mong mỏi duy nhất là được đóng một vai dài, có sức nặng.

“Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn”

Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn. Ai mời tôi đi làm mà hỏi chuyện thù lao đầu tiên, tôi sẽ thẳng thừng từ chối. Tôi chỉ sợ mình làm không tốt chứ không sợ cát xê thấp. Sau khi tôi làm xong rồi, ai muốn đưa tôi bao nhiêu thì đưa. Tôi không mặc cả.

NSND TRẦN HẠNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm