Đó là năm 1997, khi bóng đá nữ Việt Nam còn chưa có giải vô địch quốc gia và việc thành lập đội tuyển Việt Nam hồi đấy là nhờ Hà Nội với quận 1, TP.HCM “xé rào” rủ nhau làm bóng đá nữ.
Bóng đá nữ loạn đả sau trận bán kết TP.HCM - Than Khoáng sản VN. Ảnh: CTV
Nhìn lại sự cơ cực từ ngày đầu thuyết phục để bóng đá nữ ra đời
Thời đấy, những năm 1990, khi đội Hà Nội được Giám đốc Sở TDTT Hoàng Vĩnh Giang bật đèn xanh cho phép nuôi đội bóng đá nữ để “chờ thời” thì TP.HCM chỉ có quận 1 có ông Giám đốc Trung tâm Trần Thanh Ngữ (Tư Ngữ) chịu chơi lập đội và “chịu đòn”.
Với bóng đá TP.HCM khi ấy, gọi là “chịu đòn” vì từng bị lệnh cấm của ông giám đốc Sở TDTT vốn không ủng hộ bóng đá nữ khi cứ lấy mặt trái (dù rất nhỏ) với hiện tượng đồng tính rồi hút thuốc, uýnh lộn… nên không quản được thì cấm. Ông Tư Ngữ khi đấy lại nhìn chị em bóng đá nữ với góc độ khác: “Các nước có bóng đá nữ thì tại sao ta không đầu tư. Bóng đá nữ mới mẻ nếu nắm bắt kịp thì rất dễ ăn. Cơ bản là cách quản lý, giáo dục và đưa vào nề nếp sẽ tránh được hiện tượng xấu…”.
Bóng đá nữ TP.HCM trong thời kỳ cấm cản, chỉ mỗi đội nữ quận 1, có lúc đi thi đấu phải đưa vào xe thùng trùm bạt kín ra ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận đá với lão tướng nam. Có lần xe chưa ra khỏi TP bị ông giám đốc Sở TDTT lấy Vespa đuổi theo cấm cản làm cả đội tiu ngỉu hủy show giao hữu.
Mãi đến năm 1997, khi lãnh đạo Tổng cục TDTT có sự thay đổi và có cái nhìn thoáng hơn và các đội bóng đá nữ có sức sống hơn, hai ông Hoàng Vĩnh Giang và Tư Ngữ lấy danh dự của mình ra mà đề nghị với Tổng cục TDTT cho thí điểm lập đội tuyển bóng đá nữ đi thi đấu giải mời ở Malaysia. Một giải đấu được xem là tiền đề cho sự ra đời chính thống của bóng đá nữ. Và thành quả đầu tiên là chiếc cúp vô địch được chính tay công chúa Malaysia trao cho đội tuyển nữ Việt Nam trên sân Merdeka sau trận thắng nữ Myanmar 3-1 trong trận chung kết. Từ thành tích đấy và từ một đội tuyển chỉ do hai địa phương tự hoạt động, bóng đá nữ Việt Nam được đề nghị đưa vào giải đấu chính thức và bắt đầu hai địa phương Hà Nội, quận 1, TP.HCM đi gieo giống kêu gọi các địa phương đầu tư.
Nỗi đau của HLV Mai Đức Chung và Đoàn Kim Chi
Nhắc chuyện xưa rất xưa để thấy hình thành một đội bóng đá nữ không hề đơn giản và đấy là công rất lớn của những người khai phá đặc biệt là ông Tư Ngữ của quận 1 thời bấy giờ.
Một nhân vật khác gắn với bóng đá nữ từ ngày đầu dẫn đội tuyển nữ Việt Nam đi thi đấu giải mời ở Malaysia năm 1997 là HLV Mai Đức Chung. Đến bây giờ, nắm quyền HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam cũng vẫn là HLV Mai Đức Chung. 21 năm, HLV Mai Đức Chung từng trải qua nhiều cương vị nhưng đi đâu rồi cuối cùng ông cũng trở lại với bóng đá nữ.
Ông Mai Đức Chung từng trăn trở về nỗi khó của chị em chơi môn bóng mạnh bạo nhiều va chạm và phải dầm mưa dãi nắng hy sinh tuổi thanh xuân của mình. Điều ông trăn trở nhiều hơn là kinh phí để chị em tồn tại ở môn chơi khó khăn này rất khó dù thành tích nữ hơn nam rất nhiều. Và khó khăn hơn nữa là việc thuyết phục các gia đình làm sao để đồng ý cho con em mình đến với bóng đá nữ với lòng đam mê mà phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn lẫn hy sinh. Thế mà bây giờ trong khi bóng đá nữ đang cố tạo ra những hình ảnh đẹp bằng thành tích, bằng lối đá đẹp, bằng ngôi vị nữ hoàng Đông Nam Á… thì bỗng dưng lại có trận bóng loạn đả đến ngỡ ngàng. Tất cả đều diễn ra quá nhanh và không chỉ là 1-2 cái đầu nóng kèn cựa nhau trong trận mà là cả hai đội rồi thành phần ở ngoài tham gia vào làm loạn cả sân bóng.
Những ngày qua, truyền thông đã đề cập nhiều về hình ảnh xấu xí đấy. Tiếp theo, truyền thông Nhật cũng đăng tải và “tiếp sóng” đoạn clip xấu xí kéo dài với những pha song phi, đấm đá, dẫm đạp và cả hội đồng nhau trong sự bất lực của người lớn lao vào can ngăn.
HLV Đoàn Kim Chi là người từng cắn răng chịu đòn chấp nhận khâu sống 5 mũi và băng đầu máu vào thi đấu tại SEA Games trong lần khoác áo đội tuyển Việt Nam. Chị cũng là người có rất nhiều thành tích từ HLV Đông Nam Á, SEA Games đến Quả bóng vàng… nay ở vị trí HLV trưởng đội TP.HCM đã bật khóc khi bất lực nhìn học trò mình và các cầu thủ Than Khoáng sản VN loạn đả như phim hành động và xã hội đen. Kim Chi đã lên tiếng xin lỗi và không tranh luận phần phải trái thuộc về ai, về bên nào mà xác định để học trò mình có hành vi phản cảm như thế thì chị phải là người đứng ra nhận lỗi và xin lỗi đầu tiên.
Cả HLV Mai Đức Chung lẫn HLV Kim Chi dày dạn như thế đều thắc mắc không hiểu vì sao các em lại dễ đánh nhau, dễ lao vào ăn thua và hành động theo dạng tập thể mà bất chấp những hậu quả như thế.
HLV Kim Chi từng nêu hình ảnh đẹp và xúc động với cái đầu máu băng kín do bị chơi xấu nhưng vẫn nêu cao tinh thần fair play thế mà giờ đây lứa đàn em đã đi ngược lại. Ảnh: CTV
Ban Kỷ luật VFF đang gấp rút để ra một bản án nghiêm khắc nhưng rõ ràng là những gì đã diễn ra từ cuộc loạn đả đấy, bóng đá nữ Việt Nam đã mất rất rất nhiều.
Hình ảnh đấy có thể sẽ khiến nhiều phụ huynh đắn đo, suy nghĩ và xét lại việc có hay không cho con em mình theo nghiệp bóng đá nữ.