Nuôi, bán, truyền bá Kumanthong bị xử lý như thế nào?

Mới đây, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm Công an quận Cái Răng tiến hành khám xét nơi thuê ở và kinh doanh của TTYN (sinh năm 1997), tại căn nhà số P328 thuộc khu chung cư Hưng Phú.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an quận đã phát hiện 71 búp bê (nghi là Kumanthong) để trong thùng giấy. Quá trình kiểm tra, TTYN không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô búp bê trên.

Liên quan đến sự việc vừa xảy ra tại Cần Thơ và các vấn đề liên quan đến búp bê Kumanthong, nhiều bạn đọc đã thắc mắc những hành vi mua bán, nuôi, truyền bá Kumanthong sẽ bị xử lý như thế nào?

Trước tiên cần phải hiểu Kumanthong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan có nghĩa là “Cậu bé vàng” hay còn được gọi là “Quỷ linh nhi”.
Tại Thái Lan, búp bê Kumanthong được tạo ra với mục đích là giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. 
Sau đó, nhiều người thổi phồng mục đích của búp bê này, khắc lên vẻ huyền bí để mang tính dị đoan. Người thờ búp bê Kumanthong chủ yếu là giới kinh doanh, buôn bán với nhiều mục đích khác nhau nhằm đem lại lợi lộc cho mình. 
Từ những lợi ích vô hình trên, lợi nhuận từ việc kinh doanh, buôn bán búp bê Kumanthong không nhỏ, trong khi chất lượng không thể kiểm chứng.

Liên quan đến vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Tuyết Thùy Dương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện tượng búp bê Kumanthong được cho là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Có thể gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về xử phạt hành chính, tại điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013 quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người nào có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Bên cạnh đó, tại điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020 có quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tội này quy định người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới