16 giờ 25 ngày 23-12, trước khi kết thúc phần đối đáp giữa đại diện VKS với các luật sư (LS), bị cáo…, thẩm phán Trương Việt Toàn thay mặt HĐXX cho biết gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Bộ TT&TT) đã khắc phục được 21 tỉ đồng. Hôm nay (24-12), các bị cáo sẽ nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
“Gia đình ông Son không hợp tác khắc phục hậu quả”
Trước đó, mở đầu phần đối đáp, đại diện VKSND TP Hà Nội cho hay qua sáu ngày xét xử công khai, ông Son thừa nhận cáo trạng truy tố ông là “đúng người, đúng tội”.
Trước việc LS nói ông Son chỉ thừa nhận vai trò của người đứng đầu, chỉ đạo xuyên suốt dự án nhưng không phải cầm đầu, chủ mưu, VKS cho rằng bản cáo trạng và luận tội chưa bao giờ quy kết ông Son cầm đầu. VKS chỉ đánh giá cựu bộ trưởng Son là người định hướng và chỉ đạo xuyên suốt dự án MobiFone mua cổ phần AVG.
Quá trình bào chữa, nhiều LS cho rằng CQĐT, VKS đã “bưng bít thông tin” khi không thông báo lá thư ông Son viết gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án. Điều này gây khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả.
Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho hay thư viết trong quá trình điều tra nhưng không phải “thư tình” mà là chứng cứ vụ án. Do vậy, tài liệu này phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Theo đại diện VKS, ông Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác. Cụ thể, ngày 14-3-2019, ông viết bản tự khai thừa nhận đã nhận 3 triệu USD từ cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Sau đó, ông Son viết thư gửi vợ với nội dung:
“Anh đã khai báo với CQĐT Bộ Công an về việc sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi Huyền (Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái ông Son - PV) mang vào TP.HCM giữ cho anh. Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em. Em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho Nhà nước” - đại diện VKS trích lại một phần nội dung bức thư.
Sáu ngày sau, CQĐT đã mời bà Huyền tới làm việc với CQĐT Bộ Công an, thông báo nội dung lá thư. Tại biên bản đối chất ngày 14-6 giữa ông Son và con gái, bà Huyền thừa nhận ngày 20-3, bà được Cơ quan CSĐT Bộ Công an mời đến trụ sở để làm việc.
“Nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son, bố tôi, có gửi một bức thư cho vợ là bà Lê Thị Thúy (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khỏe yếu nên CQĐT đã chuyển bức thư trên cho tôi đọc để chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết” - bà Huyền thừa nhận trong buổi đối chất.
CQĐT mời vợ ông Son đến nhận thư, song bà không tới mà ủy quyền cho con gái. Sau cuộc gặp này, gia đình ông Son cũng không nộp tiền khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra tiếp theo, ông Son vẫn tiếp tục trình bày ý kiến muốn khắc phục hậu quả và tự mình làm đơn xin khắc phục. Ông Son tiếp tục đề nghị muốn được gặp vợ và con trai để trao đổi, thông báo về số tiền đã nhận bất hợp pháp từ Vũ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son (trái) và bị cáo Phạm Nhật Vũ. Ảnh: ĐỨC MINH
Ngày 12-8, điều tra viên cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại buổi gặp này, ông Son đề nghị gia đình giúp ông nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vợ ông Son cho biết chỉ có cuốn sổ tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng là tiền của cá nhân bà, không liên quan đến ông Son. Bà giữ số tiền này lại để sử dụng cá nhân và sẽ dùng để thuê LS bào chữa cho ông Son. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện.
Thậm chí trong quá trình điều tra, ông Son sau đó còn đề nghị điều tra viên, kiểm sát viên kê biên mảnh đất đứng tên ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuy nhiên, CQĐT và VKSND Tối cao thấy đây là đất hương hỏa của tổ tiên để lại nên không kê biên.
“Việc bị cáo Nguyễn Bắc Son không nộp lại 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ do gia đình không hợp tác để nộp như bản cáo trạng đã nêu là hoàn toàn chính xác” - đại diện VKS nêu rõ. VKS cũng khẳng định việc LS cho rằng CQĐT bưng bít thông tin là không có cơ sở.
Luật sư đề nghị miễn hình phạt cho ông Phạm Nhật Vũ
Trong một diễn biến khác, ba LS của cựu chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ đã trình bày bài bào chữa cho thân chủ. Ông Vũ bị truy tố và đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ. Trong bản luận tội hôm 20-12, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt ông 3-4 năm tù.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay vì lý do sức khỏe, bị cáo Vũ có đơn xin vắng mặt tại phiên tranh luận. “Bị cáo Vũ đang phải điều trị tại bệnh viện, có xác nhận của bệnh viện” - thẩm phán Toàn nói và cho biết ông Vũ xin giữ lại toàn bộ lời khai tại CQĐT.
LS Trần Hoàng Anh cho hay ông Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố, chỉ đề nghị HĐXX xem xét chứng cứ khách quan thể hiện ban đầu ông mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài. Sau đó, do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, MobiFone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Vũ để mua cổ phần của AVG.
“Cũng không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thỏa thuận về việc biếu tiền hay quà gì” - LS nói thêm. LS cho rằng thực tế thời điểm biếu tiền là sau khi việc mua bán đã xong, khoảng hai tháng và vào dịp tết.
“Thân chủ chúng tôi chủ quan, theo văn hóa Việt Nam thường biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân mà không ý thức được hết việc biếu tiền này bị xem xét là hối lộ” - LS Hoàng Anh nói.
Cũng theo LS này, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, khi chưa có kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc, chưa khởi tố vụ án… ông Vũ đã thu gom hết tiền gia đình và vay mượn thêm, chủ động đề xuất xin hủy hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
“Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng không yêu cầu ông Vũ phải trả lại tiền” - LS nói. LS cũng cho biết ông Vũ cùng gia đình đang phải gánh một khoản nợ khoảng 1.000 tỉ đồng do phải vay mượn thêm khi hoàn trả tiền cho MobiFone.
Ngoài ra, LS của ông Vũ cũng bổ sung thêm bốn tình tiết giảm nhẹ khác chưa được VKS ghi nhận và đề nghị HĐXX miễn hình phạt cho ông Vũ. Theo LS Hoàng Anh, đến nay đã có gần 2.000 cá nhân, (trong đó có nhiều cá nhân có uy tín cả trong và ngoài nước) và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ.
Hai bất thường trong thương vụ MobiFone - AVG Trong phần tranh tụng sáng 23-12, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của MobiFone đã chỉ ra hai điều bất thường của thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. “Mật hóa cả một giao dịch là lần đầu tiên xảy ra, chưa từng có tiền lệ” - LS chỉ ra điều bất thường đầu tiên. “Các anh chị ở MobiFone thậm chí không dám đưa tài liệu cho LS nếu không có ý kiến của HĐTV vì tài liệu mật” - LS nói. Bất thường thứ hai được LS chỉ ra, đây là dự án quy mô lớn về tài chính và công nghệ. Tổng Công ty MobiFone tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông vào tháng 12-2014. Sau đó, vào đầu năm 2015, MobiFone có chiến lược mở rộng kinh doanh về truyền hình. “Đó là chiến lược thực hiện trong vòng năm năm. Vậy mà dự án này từ khi có chủ trương tới khi ra Quyết định 236 (của Bộ TT&TT phê duyệt và chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án, đồng thời xác định mức giá MobiFone mua AVG là gần 8.900 tỉ đồng - PV) tất cả chỉ được thực hiện trong một năm” - LS nói. LS cũng nêu băn khoăn trình bày của các bị cáo tại phiên tòa đều thể hiện đây là mới mẻ ngay cả với Bộ TT&TT cũng như MobiFone. “Mới thì vì sao phải thúc ép thực hiện trong năm? Đó là tính chất bất thường. Còn những bất thường khác tôi không dám trình bày” - LS nói và cho biết hai bất thường này đã tác động tới toàn bộ quá trình sau này. Nhiều LS cho rằng CQĐT, VKS đã “bưng bít thông tin” khi không thông báo lá thư ông Son viết gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án. Điều này gây khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả. Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho hay thư viết trong quá trình điều tra nhưng không phải “thư tình” mà là chứng cứ vụ án. Do vậy, tài liệu này phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định pháp luật. |