Trước tin ông Nguyễn Thanh Chín, nguyên đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM, qua đời, nhiều người dân và cán bộ TP.HCM vô cùng bàng hoàng, thương tiếc. Hình ảnh một “ông hội đồng” hiền lành, chất phác, gần dân, luôn biết lắng nghe dân và đấu tranh để bảo vệ quyền lợi người dân luôn in đậm trong lòng người dân TP.HCM.
Dưới đây là hai câu chuyện về ông Chín mà nhiều người vẫn chưa quên.
Dân Nhiêu Lộc - Thị Nghè khó quên ông Chín
Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân quận 3, TP.HCM - đặc biệt là những người dân bị giải tỏa trắng trong dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án lớn nhất TP.HCM lúc bấy giờ ai cũng biết “ông hội đồng” Nguyễn Thanh Chín. Bởi những phát biểu và hành động của ông đều phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và nỗi lòng của người dân phải di dời, xáo trộn cuộc sống. Thời điểm này ông đang là ĐB của nhân dân quận 3 với cương vị phó chủ tịch HĐND quận.
Tại nhiều buổi giám sát thực thi việc giải tỏa, bồi thường tái định cư, với tư cách ĐB của dân, ông Nguyễn Thanh Chín đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm và phản biện khá mạnh mẽ với việc quy hoạch dự án. Nhớ có lần ông đã chỉ trích cơ quan quy hoạch như thế này: “Các anh làm quy hoạch mà chưa hiểu được nỗi thống khổ của người dân khi bị buộc thay đổi nơi ở, công ăn việc làm…”.
Và dường như những phản biện của ông đã đem đến hiệu quả tích cực. Các cơ quan chức năng, đứng đầu là UBND TP đã có văn bản tạm đình chỉ thực hiện việc giải tỏa giai đoạn 2 của dự án là mở rộng thêm 20 m dọc bờ kênh tính từ ranh đã giải tỏa làm đường Trường Sa và Hoàng Sa như hiện nay. Toàn bộ người dân ở khu vực quy hoạch này được yên ổn cuộc sống chính là nhờ những phản biện mạnh mẽ của các ĐB dân cử như ông Nguyễn Thanh Chín…
Ông Nguyễn Thanh Chín (phải) tại buổi tiếp khách nước ngoài đến thăm TP.HCM. Ảnh do Văn phòng HĐND TP.HCM cung cấp
Ông Nguyễn Thanh Chín (phải) trong một lần đi giám sát. Ảnh do Văn phòng HĐND TP.HCM cung cấp
Ông Chín và 100 công dân “vô danh”
Năm 2007 là năm Luật Cư trú có hiệu lực với nhiều điểm được cho là thông thoáng rất nhiều so với những quy định trước đó nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được hộ khẩu. Thời điểm đó, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp nhận phản ánh của anh xe ôm Nguyễn Văn Hải (hẻm 95 đường Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) rằng mấy tuần liền anh đi làm thủ tục nhập hộ khẩu nhưng bị… kẹt cứng.
Khi tìm hiểu, tôi mới biết không riêng gì hộ anh Hải mà cả hẻm 95 và hẻm 100 đường Nguyễn Công Trứ (cùng phường) có hơn 30 hộ như vậy. Trong hai ngày 30-7 và 1-8, báo đã đăng hai bài phản ánh về tình trạng nhà ở không số, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân của hơn 100 công dân ở phường trung tâm, quận trung tâm của TP hiện đại này.
Công an quận lúc đó xác nhận những hộ này bị vướng vì trong phần xác nhận tình trạng nhà, UBND phường ghi “nhà thuộc sở hữu nhà nước, không có giấy tờ, nhà khu tạm cư sử dụng không ổn định”. Nhà ở như vậy là không hợp pháp dù họ ở đó đã mấy đời. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc những người trên 15 tuổi không được cấp CMND. Mà không giấy CMND thì họ khó mà đi học đến nơi đến chốn, không thể sở hữu xe máy, không xin được việc làm tốt…
Ngay sau khi báo phản ánh về thực trạng cuộc sống và tâm tư người dân, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM do ông Nguyễn Thanh Chín, Trưởng ban, dẫn đầu đoàn đã xuống tận nơi người dân sinh sống để khảo sát. Ông xuống từng nhà dân để hỏi về cuộc sống của họ, những khó khăn khi họ không có hộ khẩu. Nhìn những căn nhà như những hộp diêm với diện tích 6-12 m2 mà phải chứa trong mình cả chục con người, ông Chín không khỏi chạnh lòng.
Ấn tượng của tôi về ông khi đi làm việc là một người gần gũi với người dân và thân thiện với báo chí. Tính ông hiền và ít nói nhưng đã nói là nói trọng tâm, nói trúng vấn đề, bằng lời lẽ ôn tồn, thuyết phục. Ngay tại buổi làm việc với UBND phường ngày 9-8-2007, ông đã đề nghị chính quyền phải tháo gỡ cho dân. Sau đó, ông Chín đã ký công văn gửi Thường trực HĐND TP phản ánh việc này và đề nghị Công an TP sớm rà soát trên toàn TP có bao nhiêu trường hợp giống các hộ này để kịp thời tháo gỡ.
Đến tháng 12-2007, hàng trăm con người đã được làm sổ hộ khẩu và sau đó là làm giấy CMND cho những người đủ tuổi. Đó có lẽ là năm mà những người dân một thời “vô danh” ở hẻm 95 và hẻm 100 đón một cái tết vui nhất của họ. Tôi nghĩ một trong những người có công lớn nhất trong vụ này chính là ông Nguyễn Thanh Chín, người ĐB hội đồng đáng kính luôn tận tâm, tận sức lo cho quyền lợi của người dân.
Bí thư Đinh La Thăng viếng ông Nguyễn Thanh Chín Chiều qua (12-7), ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đến viếng và chia buồn cùng tang quyến ông Nguyễn Thanh Chín tại Nhà tang lễ TP, 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Cùng đó, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của TP và các cơ quan trung ương cũng đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình ông.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chia buồn với gia đình ông Nguyễn Thanh Chín. Ảnh: LÊ THOA Ông Nguyễn Thanh Chín sinh năm 1954 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi; ông nguyên là Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, đã nghỉ hưu. Trong những năm công tác, ông đã được trao tặng huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; huy chương “Vì thế hệ trẻ”; huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Vì bệnh nặng, ông đã từ trần vào lúc 15 giờ ngày 11-7, hưởng thọ 63 tuổi. Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ TP. Lễ viếng bắt đầu vào lúc 14 giờ chiều 12-7. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào 7 giờ 30 ngày 14-7, sau đó sẽ đưa đi hỏa táng tại Đài hỏa táng Bình Hưng Hòa. L.THOA - T.TUYỀN _____________________________ Người đại biểu tận tụy với dân Trong ký ức của tôi, anh Chín là một người tận tụy với công việc, luôn nghĩ về người dân; là người luôn chăm lo cho đời sống của người dân. Anh luôn gần dân và lắng nghe người dân nói. Lịch tiếp dân của anh mà trùng với một cuộc họp là anh xin nghỉ hoặc dời họp, nhờ người khác đi họp thay để anh được tiếp dân. Ai trình báo việc gì, nguyện vọng như thế nào anh luôn trực tiếp lắng nghe, sau đó chính anh tự tay soạn thảo văn bản phản ánh, kiến nghị. Cứ mỗi lần đi thực tế về là anh lại trăn trở đủ điều, không việc này thì việc kia. Nhớ có lần hai anh em ngồi uống trà, anh Chín bảo rằng có nhiều nơi mặt bằng thì để trống, sử dụng lãng phí quá, trong khi nhiều nơi muốn xây trường học thì lại thiếu đất. Anh lúc nào cũng đau đáu như vậy và tìm cách giải quyết. Trước khi bước vào kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND TP khóa VIII, tôi có ăn trưa với anh Chín. Anh Chín bảo sức khỏe vẫn ổn và dự định qua bầu cử anh em gặp nhau, cùng nhiều ĐB khác đúc kết kinh nghiệm tiếp dân, giám sát, nhất là những đơn thư khiếu nại của bà con. Vậy mà giờ anh đã đi rồi… Ông HUỲNH THàNH LẬP, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, Làm tròn vai đại biểu đến cuối đời Mới tuần trước tôi còn gọi điện thoại cho anh Nguyễn Thanh Chín, anh bảo anh khỏe dù đang điều trị ở bệnh viện, anh còn hỏi Kỳ họp thứ VIII HĐND TP khi nào bắt đầu. Vậy mà… Tôi và anh Chín gắn bó với nhau từ những ngày còn học ở Hà Nội năm 1982. Anh là người anh sống chân thành, luôn quan tâm, lo lắng cho anh em, đồng nghiệp. Có thể nói anh Chín đã làm tròn vai trò người ĐB của nhân dân cho đến cuối đời. Một người ĐB nhiệt tình, hiền hòa, chân chất, say sưa trong công việc và đặc biệt là thẳng thắn, không nể nang, làm việc với tinh thần kỷ luật cao, sẵn sàng đấu tranh với sai trái, góp ý thẳng thắn cho cấp trên. Còn nhớ trong nhiệm kỳ HĐND khóa VII, anh chính là người góp công rất lớn trong việc cho ra đời Nghị quyết 57 của HĐND TP kết thúc việc bố trí tạm cư cho người dân thuộc diện giải tỏa, mà thay vào đó là một chương trình tái định cư đồng bộ cho bà con. Từ đó UBND TP đã căn cứ vào nghị quyết này để bố trí tái định cư cho người dân khi triển khai dự án. Khi xây cầu Nguyễn Hữu Cảnh, anh cũng là người tích cực giám sát công trình, phát hiện thiết kế không đảm bảo nên yêu cầu chấn chỉnh lại. Ông HUỲNH CÔNG HÙNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, LÊ THOA - THANH TUYỀN ghi |