Một người là ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), một người là ứng cử viên đại biểu HĐND TP nhưng họ đều gặp nhau ở tâm nguyện: Muốn làm hết sức mình để giải quyết đến cùng những bức xúc của cử tri. Đó là ông Huỳnh Thành Lập, tái ứng cử ĐBQH khóa XIII thuộc đơn vị bầu cử số 3 (hai quận 6, Bình Tân) và ông Nguyễn Thanh Chín, tái ứng cử đại biểu HĐND TP khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 23 (quận Tân Bình).
Ứng cử viên ĐBQH Huỳnh Thành Lập: Đại biểu phải tiếp công dân hằng tuần
. Sắp tới, ông sẽ đề đạt gì để góp phần thúc đẩy tỉ lệ giải quyết đơn thư kiến nghị của cử tri cao hơn và có hiệu quả hơn?
+ Tôi nghĩ trước tiên phải sửa Luật Hoạt động giám sát của QH và Quy chế hoạt động của đại biểu và đoàn ĐBQH. Theo đó luật cần ghi rõ định kỳ đoàn ĐBQH và các tổ ĐBQH phải dành thời gian giám sát các cơ quan chức năng trong việc trả lời các đơn thư của cử tri do ĐBQH chuyển tới.
Cạnh đó cần sửa Quy chế hoạt động của đại biểu và đoàn ĐBQH. Quy chế cần quy định rõ các ĐBQH luân phiên tiếp công dân hằng tuần. Việc này không phải là quá khó. Tới đây phải có cơ chế hằng tháng tổ ĐBQH tại quận, huyện nào thì phối hợp với tổ đại biểu HĐND quận, huyện đó tiếp công dân, cùng lắng nghe ý kiến cử tri. Không lý gì người đại biểu khi được bầu rồi thì lại lơ là việc này.
. Theo ông, làm sao để người đại biểu thực sự lắng nghe được nhiều ý kiến cử tri?
+ ĐBQH phải đảm bảo tiếp xúc cử tri bốn lần/năm theo luật định và tham gia tiếp công dân tại văn phòng đoàn do Thường trực Đoàn ĐBQH bố trí, có chương trình đi thăm, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt dân cư, đồng thời công bố số điện thoại, thư điện tử trên truyền hình, truyền thanh, báo chí để cử tri biết.
Mỗi năm ít nhất một lần, ĐBQH phải báo cáo kết quả đã thực hiện lời hứa như thế nào. Đồng thời báo cáo hoạt động của mình giữa hai kỳ họp và trong kỳ họp. Tổ ĐBQH phải có báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của đơn vị mình từ kỳ họp trước. Tất cả những điều này thể hiện sự kính trọng lá phiếu cử tri đã bầu cho mình.
. Khi tiếp xúc cử tri, ông cho biết nếu trúng cử ĐBQH khóa tới sẽ kiến nghị QH ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Vì sao vậy?
+ Luật này cần thiết ra đời để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời đảm bảo bí mật Nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh đã được pháp luật quy định. Đồng thời, từng bước xây dựng nền tảng cho việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Để biết thông tin thì không chỉ dựa vào chính quyền công bố mà phải tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí. Việc công khai, minh bạch thông tin sẽ dẫn tới giảm nhũng nhiễu, hạn chế tiêu cực và góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Công khai và minh bạch góp phần làm động lực để người dân thực hiện quyền dân chủ, quyền giám sát.
Ứng cử viên đại biểu HĐND Nguyễn Thanh Chín: Không bỏ qua từng chuyện nhỏ của dân
. Tính đến thời điểm này, ông đã có 21 năm làm đại biểu chuyên trách, ông có kỷ niệm gì với cử tri?
+ Kỷ niệm thì có nhiều nhưng có một “chuyện nhỏ” cứ làm tôi nhớ mãi. Đó là lúc tôi làm trưởng Ban Pháp chế HĐND TP (khóa VI), vào ngày 29 tết Âm lịch, có người dân ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) gọi điện thoại cho tôi than là chung cư này bị cúp nước. Tôi thấy năm hết tết đến rồi mà dân bị cúp nước thì làm sao sinh hoạt, rửa nhà rửa cửa… để đón xuân sang. Thế là tôi gọi điện thoại liền cho anh Hà Văn Dũng (Giám đốc Sở GTVT lúc bấy giờ) báo có việc trên và đề nghị “chữa cháy” ngay. Lập tức anh Dũng chỉ đạo cho xe bồn đem nước đến cấp ngay cho dân và song song đó là sửa đường ống nước. Kết quả là mọi việc đã ổn thỏa trước giao thừa...
Qua đó cho thấy nếu người đại biểu không sâu sát dân sẽ cho là “chuyện nhỏ” và dễ bỏ qua nhưng nó sẽ là “chuyện lớn” đối với người dân vì có bức xúc thì họ mới kêu tới mình. Tôi luôn tâm niệm “có làm được chuyện nhỏ cho dân thì mới mong làm được chuyện lớn” và tất cả cũng từ việc gần dân mà ra.
. Cụ thể gần dân là những việc gì, thưa ông?
+ Là việc bố trí thời gian để tiếp xúc cử tri đều đặn, qua đó lắng nghe những ý kiến đề xuất, những tâm tư, nguyện vọng của cử tri quận nhà và phản ánh những ý kiến đó đến các kỳ họp của HĐND TP, đến các ngành, các cấp để giải quyết kịp thời. Không chỉ phản ánh mà còn phải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và “đeo” tới cùng những phản ánh của mình.
. Nhiều năm làm công tác pháp chế, ông có suy nghĩ gì để TP thúc đẩy sự phát triển bền vững?
+ TP phải đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong các mối quan hệ giữa cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp với công dân. Cạnh đó phải quan tâm đến các chương trình về nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá sinh viên… Đồng thời phải lập quy hoạch và tổ chức tốt việc thực hiện quy hoạch tại các khu dân cư, nhà cao tầng và các công trình phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
Nếu xét thấy có những việc không khả thi làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân, tôi sẽ kiến nghị HĐND TP xem xét, điều chỉnh hoặc bãi bỏ.
NHẪN NAM - TRỌNG MẠNH thực hiện