Sau khi vượt qua Jordan ở vòng 16 đội, ông thầy người Hàn Quốc mới có dịp tung ra hết những chất chứa khó chịu trong lòng với những phán xét của làng truyền thông châu Á nói chưa đúng về ông và học trò. Ông Park chỉ đích danh tờ báo nhận định đội tuyển Việt Nam (VN) đá phòng thủ rất tiêu cực theo kiểu dựng xe buýt hai tầng trước cầu môn Đặng Văn Lâm.
Đáp trả về nhận xét ấy, ông Park Hang-seo nói thẳng việc các học trò chơi phòng ngự không phải tiêu cực mà là hiệu quả. Ông hóm hỉnh dẫn chứng bàn thắng của Công Phượng vào lưới Jordan và hàng loạt pha hãm thành tạo ra nhiều cơ hội để hỏi ngược: “Đội tuyển VN không chỉ giỏi chơi phòng thủ mà còn biết tấn công nữa phải không?”.
Chẳng còn ai bắt bẻ nổi ông Park sau mục tiêu ban đầu vượt qua vòng bảng Asian Cup 2019, cái đích của đội tuyển dường như không thấy giới hạn. Trận đấu khó tiếp theo ở tứ kết đối diện Nhật Bản, ông Park nói sẽ tìm cách vượt qua. Và nếu nhìn lại toan tính của ông thầy người Hàn Quốc cùng chặng đường đã qua với các học trò, tính thực dụng và hiệu quả luôn là mục tiêu hàng đầu của tuyển VN có nét giống… Nhật.
Thầy Park cùng trợ lý đang nghiên cứu tìm cách để đội tuyển Việt Nam vượt qua đội Nhật ở tứ kết. Ảnh: ANH HỮU
Bất chấp việc đi tiếp bằng vé vớt, mục tiêu của tuyển VN là vượt qua vòng bảng đã làm được. VN cũng từng bị Jordan dẫn trước nhưng cuối cùng vẫn thắng sau loạt luân lưu nghẹt thở. Nghĩa là ông Park tùy đối tượng và diễn biến cụ thể, không cần biết sẽ chơi theo thế kèo dưới hay kèo trên, chỉ cần chiến thắng.
Người Nhật ở đấu trường Asian Cup 2019 cũng thế. Họ chật vật ngược dòng thắng Turkmenistan 3-2, thắng khó Oman 1-0 và tiếp tục thắng ngược Uzbekistan 2-1 ở vòng bảng.
Đến vòng 16 đội, thầy trò Hajime Moriyasu chỉ nhẹ nhàng vượt qua Saudi Arabia 1-0. Đáng nói là trận này Nhật Bản chỉ có 24% thời lượng kiểm soát bóng và tung ra sáu cú sút cầu môn, trong khi Saudi Arabia có đến 16 pha dứt điểm. Nhưng chẳng hề chi cả, cái chính là ông Moriyasu biết cách dạy cho cầu thủ Nhật cách để giành chiến thắng mà không quan tâm đến mặt lý thuyết chuyên môn khác. Về mặt này thì rõ ràng rất giống với ông Park Hang-seo.
Dĩ nhiên, chẳng ai dám chê đội tuyển Nhật nếu biết rằng họ đăng quang Asian Cup nhiều nhất với bốn lần. Hiện có 13/23 cầu thủ Nhật đang khoác áo các CLB lớn ở châu Âu, trải dài từ Đức đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...
Cầu thủ VN đụng độ Nhật được giới chuyên môn dự báo rất khó chơi vì thua thiệt cả về trình độ lẫn thể lực. Nhưng họ đang có một ông thầy Park Hang-seo người Hàn rất giỏi tính toán và thực dụng chẳng thua kém người Nhật.
Ông Park lần đầu đánh bại Nhật Bản Tháng 8-2018, thầy trò HLV Park Hang-seo gặp gỡ bóng đá Nhật Bản tại vòng đấu bảng sân chơi Asiad 18, ở cấp độ tuyển Olympic (23+3). Đây là lượt đấu cuối thủ tục sau khi cả hai đã đoạt vé vào vòng tiếp theo. Mới ở phút thứ 3, Văn Toàn cướp bóng chuyền cho Quang Hải dễ dàng vượt qua hàng thủ hớ hênh của Nhật để ghi bàn duy nhất vào lưới đối phương. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại có góc nhìn khác về Olympic Nhật Bản khi ấy không đá hết sức mình nhằm vào vòng 2 rơi vào nhánh đấu dễ hơn. Bên cạnh đó, bóng đá Nhật lúc đó chỉ sử dụng lứa cầu thủ trẻ U-21 để rèn luyện cho các đích xa hơn Olympic Tokyo 2020 trên sân nhà. Còn tuyển Olympic VN chơi bằng các cầu thủ lớn tuổi hơn và nỗ lực hơn mới giành chiến thắng đầu tiên trong lịch sử hội nhập quốc tế. Riêng với cách tính của ông Park Hang-seo muốn cho học trò đá hết sức giành chiến thắng là tạo ra một tâm lý vững vàng, không còn khiếp hãi khi gặp gỡ đối thủ lớn. Ông Park chấp nhận đi vào nhánh đấu khó hơn sau đó tại Asiad 18 không ngoài mục đích rèn luyện cho cầu thủ VN một thói quen chiến thắng bất kể cuộc chơi nào. |