Mặc dù khi rời trọng trách, ông Phan Văn Khải “hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công” và “nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân” nhưng có thể nói ông là một thủ tướng “kỹ trị”, là “nhà kinh tế hàng đầu của đất nước” (lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Ông Phan Văn Khải có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con. Và vì vậy, ông ra đi để lại bao tiếc nuối cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“Nhà kinh tế hàng đầu đất nước”
16 giờ 30 ngày 25-9-1997, ngay sau khi ông Phan Văn Khải được các đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X) phê chuẩn làm Thủ tướng Chính phủ, tôi và một đồng nghiệp tới trước cửa nhà ông ở số 1 Chùa Một Cột, đứng chờ để phỏng vấn ông. Trời mưa. Lạnh.
22 giờ 30, khi khách đến chúc mừng đã hết, ông Lê Danh Vĩnh, trợ lý Thủ tướng, ra bảo: “Cụ bảo các cậu vào đi!”. Thì ra Thủ tướng vẫn nhớ chúng tôi còn đang đứng ngoài ngõ.
Hôm sau tờ báo của chúng tôi đăng một bài dài. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh những vấn đề ông ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ông nói nhiều về doanh nghiệp. Một đất nước mà không tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn thì đất nước không phát triển được.
Có thể nói trong chín năm làm người đứng đầu Chính phủ, mặc dù chịu “sức ép” rất lớn của người tiền nhiệm, ông Phan Văn Khải đã làm được rất nhiều.
Tuy không có được “cái uy thủ lĩnh” như ông Võ Văn Kiệt nhưng ông Khải là một thủ tướng “kỹ trị”. Và ông Kiệt từng nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Khi nhậm chức, không có những lời đao to búa lớn làm nức lòng dân nhưng do là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong dịp lễ kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại TP.HCM năm 2007. Ảnh: HTD
Gần như toàn bộ thiết chế pháp lý mà nền kinh tế đang vận hành đều được hình thành dưới thời ông Kiệt và được tiếp tục hoàn thiện hơn dưới thời ông Khải. Đặc biệt, chính phủ ông Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con.
Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng hoàn thành những vòng đàm phán gay go nhất trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, để lại cho người kế nhiệm một nền kinh tế đang tăng trưởng trên 8%, lạm phát chỉ hơn 6% và một Việt Nam có vị thế khá cao trên trường quốc tế.
“Tôi xin nhận lỗi trước nhân dân”
Tôi vẫn nhớ: 15 giờ ngày 16-6-2006, sau khi các đại biểu Quốc hội hoàn thành chất vấn 12 thành viên Chính phủ, ông Phan Văn Khải, vận sơmi trắng, bước lên diễn đàn phát biểu lần cuối cùng (40 phút) với tư cách là thủ tướng, sau 15 năm tham gia điều hành Chính phủ (sáu năm làm phó thủ tướng và chín năm là người đứng đầu Chính phủ).
Sau khi điểm lại những mặt được và những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong chín năm điều hành Chính phủ, ông Khải xúc động: “Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế, xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn; tình trạng lãng phí, thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng, nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài…”.
Rồi ông lý giải: “Công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội. Đất nước không thiếu người tài nhưng bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp, tuyển chọn, sử dụng người còn nhiều sai sót”.
Trầm ngâm một lúc, ông nói: “Người đứng đầu cơ quan hành chính không đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền, kể cả việc sắp xếp, thay thế, thi hành kỷ luật. Cơ chế này không gắn nắm việc với nắm người dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự dựa trên kết quả hoạt động thực tiễn, không khuyến khích được người có tài, có đức. Chức trách không rõ ràng cùng với cơ chế công tác cán bộ không hợp lý đã không xác lập được trách nhiệm cá nhân và tạo môi trường thuận lợi cho xu hướng cơ hội và những kẽ hở cho tệ chạy chức, chạy quyền.
Lãnh đạo Chính phủ “ngập” vào các vụ việc cụ thể, không dành đủ thời gian và tâm sức hoạch định chính sách…”.
Cuối bài phát biểu, ông Phan Văn Khải dành ra tới chừng 10 phút để nói về tham nhũng trong nhiệm kỳ của mình và ông nhấn mạnh: “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội. Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho được thôi chức Thủ tướng”.
Ông Phan Văn Khải đã kết thúc nhiệm kỳ 15 năm tham gia điều hành Chính phủ của mình bằng những lời tâm huyết như vậy. Hội trường Quốc hội hôm ấy lặng đi một lúc rồi tiếng vỗ tay vang lên kéo dài để tiễn ông.
Cùng “cởi trói” cho TP.HCM Khi nhắc tới nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không thể không nhắc tới những dấu ấn ông để lại cho TP.HCM. Và TP.HCM cũng là nơi làm nên tên tuổi ông (1979-1989). Khi ông làm phó bí thư và chủ tịch UBND TP.HCM cũng là giai đoạn TP đang tiên phong về cải cách, đổi mới. Đó là giai đoạn mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi là thời kỳ “tháo gỡ” hay “cởi trói”. Cùng với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ông đã tìm mọi cách tháo gỡ, cởi trói đưa TP.HCM bước qua cuộc khủng hoảng và bứt lên mạnh mẽ. Nhất là việc phát triển mô hình sản xuất kinh doanh mới, thực hiện phương châm Nhà nước, nhân dân cùng làm, trung ương, địa phương, cơ sở cùng làm; những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều như Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dệt Thành Công, Phong Phú... được phổ biến, nhân rộng nhanh chóng. Thực tiễn của TP.HCM cùng các tỉnh ở miền Nam đã đóng góp rất quan trọng để có Đại hội VI, đại hội của đổi mới. Và đó cũng là đóng góp to lớn của TP.HCM trong 10 năm đầu vào đường lối đổi mới. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hai con người mà sau này đều là thủ tướng Chính phủ: ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải. |