Ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang châu Âu

Ngày 4-10, các cử tri TP.HCM và Đà Nẵng khi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã bày tỏ sự bức xúc trước các vụ việc tham nhũng diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt vụ Trịnh Xuân Thanh.

Đang xét kỷ luật thì ông Thanh trốn ra nước ngoài

“Trịnh Xuân Thanh trốn đi đâu không ai biết... là hồi chuông cảnh tỉnh việc quản lý cán bộ lỏng lẻo”. Cử tri Đỗ Trung Mạnh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đặt vấn đề như trên khi Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Cẩm Lệ và Thanh Khê (Đà Nẵng) vào ngày 4-10.

Ông Đinh Thế Huynh cho hay trước khi ông Thanh bỏ trốn, quy trình xử lý kỷ luật ông Thanh chỉ mới ở mức xem xét để khai trừ Đảng. “Mà tỉnh ủy viên, thành ủy viên bị khai trừ Đảng thì phải Ban Bí thư quyết định chứ bản thân tỉnh ủy, thành ủy không làm được việc đó. Đang xem xét kỷ luật thì Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài và bay sang châu Âu. Thời điểm đó quy trình chưa đến mức khởi tố nên chưa tổ chức các lực lượng giám sát và có quyền giám sát. Sau khi khởi tố rồi thì cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế để bắt Trịnh Xuân Thanh về quy án” - Thường trực Ban Bí thư cho hay.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TP.HCM.  Ảnh: TTXVN

Sao để ông Thanh trốn mất?

Cùng ngày, tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cử tri các quận 1, 3 và 4 (TP.HCM) đã bức xúc đối với các vụ việc tham nhũng diễn ra trong thời gian qua.

“Ông Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), sao nhiều cơ quan cùng điều tra, giám sát mà để ông ta trốn mất? Liệu Nhà nước có thu hồi được tài sản thất thoát hay không?” - ông Trần Đăng Trâm (phường Đa Kao, quận 1) hỏi và đề nghị nghiêm trị những người tham nhũng.

Trả lời ông Trâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan đã vào cuộc đồng bộ, làm tích cực. “Cần làm rõ sai sót này thuộc về cá nhân, tổ chức nào. Nếu bình thường sẽ rút kinh nghiệm, còn nếu nghiêm trọng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật” - Chủ tịch nước nói.

Riêng về vụ làm thất thoát tài sản hàng ngàn tỉ đồng ở PVC, các cơ quan liên quan đã làm rõ trách nhiệm, khởi tố vụ án, bắt bốn người liên quan và đang truy nã trong nước, quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh. “Tôi nghĩ rằng dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng sẽ bị đưa ra trước ánh sáng, truy tố trước pháp luật. Kinh nghiệm trước đây có những người lẩn trốn ở nước ngoài 5-6 năm vẫn bị cơ quan điều tra bắt và đưa ra xét xử. Công an đã bắt và truy tố Dương Chí Dũng, sắp tới là đưa ra xét xử Giang Kim Đạt” - Chủ tịch nước nói.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Chủ tịch nước cũng khẳng định tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng gây bức xúc cho nhân dân. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là kiên quyết, kiên trì đấu tranh với giặc nội xâm là tham nhũng và lãng phí. Không có bất kỳ vùng cấm nào, cũng không chịu bất cứ áp lực của tổ chức, cá nhân nào trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng.

“Thời gian qua hàng trăm vụ án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Cách đây mấy ngày Tổng Bí thư đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc tiếp tục phát hiện, đấu tranh và xử lý những đối tượng tham nhũng, lãng phí. Trong đó đã quyết định tiếp tục khẩn trương điều tra, kết luận điều tra, truy tố xét xử thêm sáu vụ án kinh tế tham nhũng lớn mà dư luận đang quan tâm” - Chủ tịch nước nói.

Tuy vậy, Chủ tịch nước nhìn nhận công tác thu hồi tài sản thất thoát còn hạn chế vì các đối tượng tham nhũng lấy tiền Nhà nước chi tiêu bừa bãi khiến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần phát động rộng rãi toàn dân, báo chí tham gia tố giác tham nhũng và tăng cường phòng ngừa để các đối tượng tham nhũng không có điều kiện tham nhũng.

Đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự

Cử tri Lê Du Kiếm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đề nghị Quốc hội phải xem xét tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, vì liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra.

Cử tri Phạm Thị Lục (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) còn đề nghị xem xét truy tố, xét xử đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc cấp phép hoạt động, xả thải cho Formosa.

Trả lời cử tri, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết hiện nay các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang xem xét lại quá trình cấp phép và xả thải của Formosa. Khi có kết luận, Quốc hội sẽ xem xét tư cách đại biểu của ông Cự.

________________________________________

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh được dư luận, cán bộ, đảng viên cả nước quan tâm. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc xử lý với quyết tâm rất cao. Cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh.

Việc Trịnh Xuân Thanh chạy trốn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ. Đến nay có thể khẳng định không có hiện tượng bao che, dung túng, che đậy tội phạm cho Trịnh Xuân Thanh và bảo kê cho nhân vật nay bỏ trốn.

Ông MAI TIẾN DŨNG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2016 vào
ngày 4-10

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm