Xuyên suốt sáu ngày diễn ra phiên xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, lời khai của các bị cáo cho thấy một nhân vật bí ẩn khiến nhiều người tò mò. Đó là Hoàng Thành Trung (40 tuổi, trú tại Hà Nội), cựu phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt (gọi tắt là Công ty Nam Việt).
Người khởi xướng đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Trong lời khai của nhiều bị cáo, Hoàng Thành Trung được nhắc đến nhiều lần với vai trò quan trọng trong việc tổ chức cũng như vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ. Thế nhưng người đàn ông này chưa một lần xuất hiện tại tòa khiến nhiều người thắc mắc Hoàng Thành Trung là ai.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, cùng với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, Hoàng Thành Trung chính là một trong những “ông trùm” có vai trò lớn nhất của vụ án. Cụ thể, do quen biết từ trước nên cuối năm 2014, Trung chủ động gặp Nam bàn về việc có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi, có thể triển khai, phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài nhưng cần đối tác phát hành.
Tiếp đó, biết Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) là doanh nghiệp bình phong của Cục C50, Nam đã gặp và đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài.
Để chuẩn bị xây dựng đường dây đánh bạc này, Trung được Đỗ Bích Thủy (giám đốc Công ty Nam Việt) giao cho phụ trách văn phòng công ty tại Hà Nội. Trung trực tiếp tuyển dụng và tiếp nhận 36 nhân viên từ VTC Intecom vào làm việc tại chi nhánh, sau đó dần dần tuyển dụng lên tới trên 80 người vào làm việc tại văn phòng Hà Nội để tham gia phục vụ và vận hành game. Sau khi game bài Rikvip đi vào vận hành, Trung trực tiếp đối soát và gửi biên bản vào cho Đỗ Bích Thủy. Đến khi được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty phụ trách điều hành mọi hoạt động của văn phòng tại Hà Nội, Trung trực tiếp ký đối soát.
Bị cáo Phan Sào Nam tại tòa. Ảnh:TP
Để tăng cường phát triển game bài Rikvip, tăng doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến, Trung trực tiếp xây dựng hai “đại lý tổng” với tài khoản là “Skyline” và “Worlbank69”, cùng 25 “đại lý cấp 1”. Qua đó bị cáo phát triển mạng lưới gần 6.000 “đại lý cấp 2” tại các tỉnh/TP trên toàn quốc để tuyên truyền, quảng bá, lôi kéo đối tượng tham gia đánh bạc; tạo điều kiện cho các đối tượng đánh bạc giao dịch mua bán Rik liên tục 24/24 giờ với số lượng không giới hạn.
Tháng 9-2015, Trung chỉ đạo cấp dưới xây dựng hệ thống phần mềm sinh thẻ và gạch thẻ có tên là Gocoin, mục đích sử dụng thanh toán cho cổng game Rikvip. Sau đó, Trung bàn bạc với Phan Sào Nam để Công ty VTC online ký hợp đồng với các công ty phân phối như Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel, Công ty Cổ phần Công nghệ ViMo, Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến...
Ngoài ra, Trung còn chỉ đạo nhân viên thường xuyên thực hiện tối ưu hóa các ứng dụng Rikvip, Tip.club, 23Zdo, Zon để các game này chạy đỡ tốn tài nguyên như ram, chip và đỡ tốn pin hơn, giúp ứng dụng chơi mượt mà, giảm giật; tạo bộ cài cho các ứng dụng rồi đẩy lên các kho ứng dụng của Google, Apple, Microsoft.
Dấu hỏi về tung tích
Cơ quan tố tụng xác định từ ngày 19-4-2015 đến ngày 29-8-2017, có tổng cộng gần 43 triệu tài khoản game được đăng ký với hệ thống. Tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài là hơn 9.800 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành hơn 3.700 tỉ đồng thì các cá nhân còn được hưởng lợi hơn 4.700 tỉ đồng.
Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi hơn 1.400 tỉ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỉ đồng, nhóm bị can đang bỏ trốn bao gồm Hoàng Thành Trung hưởng lợi hơn 1.500 tỉ đồng.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định Trung đã chủ động đề nghị và cung cấp phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet cho Nam để bị cáo này tìm đối tác phát hành. Sau đó, Trung tuyển đội ngũ kỹ thuật giỏi của Công ty VTC Intecom sang Công ty Nam Việt xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen. Ngoài ra còn phối hợp vận hành hệ thống máy chủ; xây dựng và quản lý hệ thống đại lý trên toàn quốc để tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, Phan Sào Nam khai chuyển cho Trung và một bị can khác để chi phí và cất giữ vàng, đôla Mỹ, trị giá lên tới 530 tỉ đồng. Hành vi của Trung đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc. Tuy nhiên, do Trung đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định truy nã toàn quốc, đề nghị Ban thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế. Do chưa bắt được nên công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.
Tại phiên tòa ngày 17-11, Phan Sào Nam khai rằng từng viết đơn xin được lập công chuộc tội. Trong đơn, bị cáo này đề nghị cơ quan điều tra tạo điều kiện để liên hệ với những người bạn, đồng nghiệp của mình, trong đó có Hoàng Thành Trung, để thuyết phục hợp tác với cơ quan điều tra.
Hôm nay (19-11), tòa tiếp tục làm việc.
“Game luôn được lãnh đạo ủng hộ” Trong phần xét hỏi, Phan Sào Nam khai không có quan hệ họ hàng gì với Nguyễn Văn Dương, cả hai quen qua mối quan hệ xã hội thông thường. Dù biết game chưa có giấy phép của Bộ TT&TT nhưng Nam nghĩ rằng Bộ Công an có thể có một số cơ chế mở dành cho Công ty CNC nên đã tự tin để hợp tác. “Có một số thời điểm, bên bị cáo hoặc bên Hoàng Thành Trung được gọi để lấy thông tin. Những vụ việc đó đều thể hiện rằng các cơ quan chức năng có biết việc hợp tác này. Bản thân công ty của bị cáo có báo cáo đầy đủ nhưng không có việc xử lý nào. Bị cáo Dương luôn khẳng định việc phát hành được sự ủng hộ của lãnh đạo, đang thử nghiệm và làm thủ tục cấp phép” - Nam nói. Cũng theo lời khai của Nam, khoảng tháng 8-2016, Dương đặt vấn đề CNC là công ty bình phong của Bộ Công an, đứng danh nghĩa phát hành game bài là “hơi nhạy cảm”, do đó muốn sắp xếp lại một chút. Đến giai đoạn 2 (đổi từ Rikvip sang Tip.Club), Dương là người muốn đổi tên nhưng về bản chất dịch vụ là giống nhau. Đặc biệt, chủ tọa đặt câu hỏi quá trình vận hành game có thanh tra Bộ TT&TT, cơ quan công an vào kiểm tra, vì sao công ty bị cáo không bị xử lý? Nam khai rằng công ty của mình có cung cấp hồ sơ, báo cáo rõ việc hợp tác với Công ty CNC, sau đó không thấy bị xử lý gì. “Bị cáo cũng không rõ nguyên nhân vì sao. Quá trình đó bị cáo luôn có trao đổi với anh Dương. Anh Dương nói sẽ làm việc với các cơ quan đó để xử lý” - Nam khai. |