Từng hờ hững với nông nghiệp và chỉ đến khi được người cha trao tận tay sản nghiệp cũng như truyền lửa cho một mục tiêu về phát triển cây ca cao, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, mới tìm thấy niềm đam mê. Ông đang đặt mọi quyết tâm thực hiện bằng được tâm huyết của người cha mình là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Đặng Trường Khâm.
Chúng ta chậm chân hơn các nước
. Phóng viên: Các tổ chức quốc tế đã xếp hạng ca cao Việt nằm trong những nhóm ngon nhất thế giới. Dưới góc nhìn của mình, một người làm ca cao, ông đánh giá cái ngon này cụ thể như thế nào?
+ Ông Đặng Tường Khanh: Ngành ca cao Việt Nam (VN) chỉ mới phát triển gần đây, đi sau nhiều nước. Thậm chí tại khu vực Đông Nam Á, VN cũng chậm chân hơn Indonesia, Malaysia hay Philippines. Tuy vậy, thổ nhưỡng cộng thêm nhiều yếu tố khác đang tạo ra sản phẩm ca cao VN có hương vị khá độc đáo.
. Đã tốt, vậy những người sản xuất ca cao đã hưởng lợi?
+ Giai đoạn hơn 10 năm về trước, những nông dân trồng ca cao không hưởng lợi nhiều và nếu đem so các loại cây khác có phần thiệt thòi hơn. Bản thân công ty chúng tôi trong những năm đầu cùng nông dân mở vùng nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm từ cây ca cao cũng lao đao trong kinh doanh. Nhiều lúc tưởng như không trụ lại được.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư đang đầu tư mạnh cho ngành ca cao VN. Điều này đã đem lại nhiều giá trị cũng như thương hiệu cho lĩnh vực còn mới mẻ này.
. Thưa ông, làm nông nghiệp chưa bao giờ dễ, đặc biệt là lĩnh vực còn khá mới lạ tại VN như ca cao?
+ Có lẽ gian khổ nhất của thời kỳ đầu phải nói đến cha tôi, một người ở tuổi lục tuần mới bắt đầu khởi nghiệp. Ông mong muốn làm được cái gì đó cho nông nghiệp, nông dân và không muốn cuộc sống trôi đi bình lặng trong tuổi hưu.
Nghĩ là làm, ông gom góp toàn bộ vốn liếng gia đình, lên vùng Tân Phú (Đồng Nai) mua đất, trồng ca cao. Sau đó, chúng tôi chọn cách hợp tác với nông dân và nhanh chóng mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng trăm hecta tại khu vực Đồng Nai, Lâm Đồng.
Ông Đặng Tường Khanh có tham vọng xây dựng một thương hiệu ca cao Việt cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài. Ảnh: QUANG HUY
Từng “khủng hoảng”, chặt bỏ ca cao
. Việc bắt tay với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu đã được bàn rất nhiều nhưng khi bắt tay vào làm không hề đơn giản. Với công ty ông thì sao?
+ Lúc đầu cũng chưa có doanh thu đâu, chỉ là đầu tư thôi. Có nghĩa là cứ bỏ tiền nhà ra để đổi lấy kỳ vọng tương lai. Chúng tôi cũng không lường hết các trò kinh doanh trên thương trường. Chẳng hạn, có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào thu mua tại vùng nguyên liệu mà công ty đang hợp tác với nông dân. Họ đẩy giá mua lên cao dù cho năng lực sản xuất rất nhỏ và chỉ chọn các vùng có nguyên liệu đẹp để mua.
Hệ quả làm đảo lộn về giá, nhiều nông dân không thấy bản chất vấn đề đã quay lại nói chúng tôi là ép giá họ. Ngoài ra, có thời kỳ gần năm năm liền giá ca cao xuống rất thấp, cộng với sự lên ngôi nhiều cây công nghiệp khác khiến nhiều người dân chặt bỏ cây ca cao.
. Vậy đây là cách để công ty ông vực dậy kinh doanh?
+ Để giữ vững vùng nguyên liệu, chúng tôi xác định phải có giá bao tiêu tốt. Để đạt được điều đó, phải chế biến sâu chứ không thể bán thô. Thực tế khi đã có vùng nguyên liệu lớn, chúng tôi đã đầu tư mạnh cho máy móc, nhà xưởng.
Tất cả những gì của trái ca cao đều có thể làm ra tiền. Có những sản phẩm sơ chế như làm bột ca cao nhão đóng gói xuất cho nước ngoài hay là gia công ca cao cho các nhà hàng, khách sạn… nhưng cũng có những sản phẩm có thương hiệu riêng của Trọng Đức như bột ca cao, rượu… Đây là những sản phẩm bán rất mạnh với giá trị không hề nhỏ.
Nông dân đã thay đổi suy nghĩ Bây giờ bà con nông dân đều hiểu câu chuyện để có nguồn lực, phải có đầu ra cho sản phẩm. Do đó, nông dân xác định họ là nhà sản xuất chứ không tư duy theo cách nông dân chỉ trồng trọt và chịu nhiều thiệt thòi. Chính cách nghĩ này buộc họ phải luôn nỗ lực, tìm tòi cách trồng để nâng cao năng suất và chất lượng ca cao. Cũng chính nhờ suy nghĩ này, giờ đây cả Công ty Trọng Đức và bà con nông dân cùng hòa nhịp cho mục tiêu chung. Bằng chứng là chúng tôi đã phát triển tốt vùng trồng ca cao tại bốn tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa và Đồng Nai với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Toàn bộ sản lượng này dùng chế biến đến 70% nên đảm bảo giá mua nguyên liệu cho bà con. |
Đưa ca cao thương hiệu Việt sang Nhật, Hàn
. Ông có nghĩ đầu tư nông nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ không?
+ Một quan chức đầu tỉnh từng hỏi tôi suy nghĩ thế nào để chuỗi liên kết thành công. Tôi nói chuỗi liên kết đòi hỏi sự công bằng và minh bạch cho những người trong chuỗi. Nếu chúng ta kiên trì thì sản xuất theo chuỗi sẽ đem lại tăng trưởng bền vững.
Thực tế, nhờ sự bền bỉ trong 14 năm qua trong cuộc chơi liên kết của Công ty Trọng Đức với bà con nông dân, mọi người đều được hưởng lợi ích lớn, giá bao tiêu bà con tăng từng năm, có thu nhập tốt. Còn bản thân công ty tôi có thêm thị trường, khách hàng mới, sản phẩm mới, doanh thu…
. Thật ra mọi người thường nhìn vào kết quả kinh doanh để ngưỡng mộ mà không thấy những chặng đường đi và cả những lúc khó khăn của một công ty. Trải nghiệm của ông về điều này ra sao?
+ Có những lúc chúng tôi muốn buông, mệt mỏi. Nhiều lúc đau đầu vì nhiều nông dân nói cha con chúng tôi đi lừa. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư hầu hết là tự có, phải đi xoay xở để có dòng tiền kinh doanh, trả tiền đúng hạn cho bà con… nên nhiều lúc chỉ muốn dẹp hết. Như vừa rồi, gia đình đã phải bán mảnh đất trên Sài Gòn để tất toán toàn bộ khoản nợ khá lớn cho ngân hàng.
Tuy nhiên, khi đối diện với khó khăn, tôi luôn tâm niệm lời dặn của cha là nếu trong việc hợp tác, bà con chưa hiểu, cần phải kiên trì làm để mọi người nhìn thấy và đặt niềm tin. Vì một khi có uy tín, niềm tin thì mọi chuyện sẽ được giải quyết suôn sẻ.
. Kỳ vọng của anh với chiến lược phát triển của công ty trong tương lai ra sao?
+ Tôi vẫn kiên trì song hành với bà con nông dân trong việc xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn để tập hợp được khối lượng hàng hóa nhiều, ổn định và không thể phá vỡ được.
Chính những bước đi bền bỉ có vùng nguyên liệu ổn định, đạt các tiêu chuẩn quốc tế nên nhiều đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản đã đặt niềm tin hợp tác với chúng tôi.
Đặc biệt là người Nhật, sau thời gian dài hai bên song hành, chúng tôi đã đi đến một quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ca cao hạt nhiệt đới tại Định Quán (Đồng Nai). Từ đây, thương hiệu ca cao VN có bàn đạp vươn ra thị trường thế giới xa hơn.
. Xin cám ơn ông.
Bây giờ tôi thích sống ở nông thôn hơn thành thị Nếu nhìn lại chặng đường đầu tư khá dài gần 20 năm, chọn nông nghiệp đầy khó nhọc, trong khi nếu đầu tư bất động sản có thể dễ làm giàu hơn. Giờ đây ông có nghĩ chọn tiếp con đường đầu tư nông nghiệp? + Năm 2010, khi cha tôi kêu lên giúp ông một tay, thật ra lúc đó trong đầu chỉ suy nghĩ sống gần cha để thuyết phục ông quay về TP nghỉ ngơi. Còn những gì gia đình tạo dựng được trên đây biến thành trang trại, thu mua, sơ chế ca cao cho vui là chính. Tuy nhiên, khi lên ở gần ông, nghe được những trăn trở của ông, đi với ông xuống nông dân, nhìn niềm tin của những nông dân vào ngành ca cao đầy tâm huyết, tôi bỗng thấy mình phải có trách nhiệm cùng cha hoàn thành tâm nguyện phát triển ngành ca cao.
Thậm chí có lúc tôi ôm xe tải đi mua trái để giảm chi phí tối đa. Hành động này hoàn toàn trái ngược hồi xưa, tôi nghĩ những chuyện cha làm là viển vông quá, như bán giống thiếu rồi ba năm sau thu lại. Khi hòa vào cuộc sống nông dân, nông nghiệp đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi là làm bằng cách nào đừng để tâm huyết của cha trôi đi. Giờ dù có nhà ở Sài Gòn nhưng vài hôm tôi lại muốn về vườn ca cao. Tôi thích sống ở vùng nông thôn hơn vì người dân thân thiện, môi trường trong lành. . Là thế hệ thứ hai, ông có nghĩ những gì mình làm thuận lợi hơn cha ông làm? + Thuận lợi hơn do mình còn trẻ, học hỏi nhiều, đi nhiều quốc gia tiên tiến về ngành ca cao, tư duy có khác và áp dụng nhanh. Có điều tôi vẫn thua cha về kinh nghiệm kinh doanh, do mình đi nhanh quá và cũng đã có thất bại do đi quá nhanh vì nghĩ mình làm đúng. |