Ông Võ Văn Thưởng chỉ những mặt còn hạn chế trong sử dụng, đánh giá cán bộ

(PLO)- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói, có cán bộ đẩy hết sự khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đẩy công việc ra khỏi phòng mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu kết luận tại hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết Hội nghị trung ương 6, khóa XIII, chiều 6-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng.

 Ông Võ Văn Thưởng chỉ những mặt còn hạn chế trong sử dụng, đánh giá cán bộ ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Có vấn đề bàn nhiều, chưa sửa được, lại treo

Ông nói, trong quá trình tiến hành phải kiên định; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, chủ động tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cẩn trọng, có lối đi vững chắc.

“Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, thực hiện, những vấn đề cần thiết, nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, thực hiện thí điểm những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”- ông Võ Văn Thưởng nói.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng nêu ra vấn đề này.

“Lần này nêu ra với quyết tâm cao hơn. Đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hơn. Có những vấn đề chúng ta thấy không hợp lý rồi nhưng bàn nhiều quá chưa sửa được. Có những vấn đề chúng ta thấy cấp bách rồi, cần phải làm nhưng đem ra làm cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, vướng rồi cũng treo lại đó, làm mất cơ hội, chậm đi quá trình phát triển”- ông cho hay.

Dẫn câu chuyện thực tế xoay quanh chuyện thuốc men, vật tư y tế, ông nói chỉ một Thông tư của Bộ Y tế về việc mua trang thiết bị, vật tư y tế, đấu thầu nhưng "sửa mãi sửa không được".

Theo ông, trong quá trình này, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển. Suy cho cùng, người dân vẫn là người thiệt thòi nhất.

Bên cạnh đó, ông yêu cầu mỗi cấp, mỗi lĩnh vực vừa phải quán triệt nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, yêu cầu lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực, từng tổ chức.

Quyền hạn lớn thì trách nhiệm phải cao

Thường trực Ban Bí thư nói, về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, phải khắc phục cho được tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hoặc cấp trên trả lời chung chung.

“Việc của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng. Nhưng khi vướng mắc mà hỏi các bộ, ngành thì để cho 3-5-6 tháng trả lời lời cho 1 câu “đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật” thì càng không đúng. Nếu đã chỉ rõ thẩm quyền của địa phương và đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành giải quyết theo đúng thẩm quyền thì phải rõ trách nhiệm. Chứ còn trả lời chung như vậy thì không được, tình trạng này rất phổ biến”- ông nêu thực tế.

 Ông Võ Văn Thưởng chỉ những mặt còn hạn chế trong sử dụng, đánh giá cán bộ ảnh 2

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ông cũng nói có tình trạng cấp trên với xuống chỉ đạo cho cấp dưới. “Có cần thiết không? Một vụ tai nạn giao thông bình thường ở một địa phương nào đó, Chính phủ cũng chỉ đạo thì liệu có cần không?”- ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề và đề cập một câu chuyện khác là đẩy việc lên cho cấp trên, chuyện của mình phải làm thì không làm.

Theo ông Võ Văn Thưởng, ngoài chuyện phân cấp, phân quyền thì đòi hỏi phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy nhà nước để làm sao ai cũng ý thức được quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của mình để làm cho đúng.

“Còn cấp trên giám sát kiểm tra, làm đúng thì khen, không đúng thì phê bình, không làm thì đưa người khác lên làm thay. Phải giải quyết được việc đó để làm tròn vai, đúng vai, thuộc bài”- ông nói.

Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng phải nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, giữ vững kỷ luật kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc, quyền lực đi đôi với trách nhiệm; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Quyền hạn lớn thì trách nhiệm phải cao.

Ông cho rằng, cần tránh tình trạng Đảng, Nhà nước giao cho nhiệm vụ quan trọng rồi nhưng khi trong lĩnh vực đó xảy ra lại lý giải theo kiểu “cái này em đã làm hết sức rồi nhưng do tình hình khó khăn quá nên xảy ra như vậy”.

Có cán bộ đẩy việc ra khỏi phòng mình

Nói về công tác cán bộ, ông Võ Văn Thưởng một lần nữa nhấn mạnh Trung ương quyết tâm rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã nói rõ nhưng trong thực hiện vẫn chưa tốt.

Ông cho biết, việc nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” đã nói từ chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH từ 20 năm trước nhưng cơ bản chưa thực hiện được.

“Lên thì khó, xuống thì cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn. Vào cũng khó quy trình năm bước, nhưng đưa ra cũng toát mồ hôi hột. Vừa rồi chúng ta kiên trì việc này, bước đầu giải quyết được một số trường hợp”- ông cho biết và nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có sai phạm.

Theo ông Võ Văn Thưởng, vừa qua một số cán bộ Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo, đã cho thôi luôn việc tham gia vào Trung ương. Ông nói, với xu hướng này sắp tới đây sẽ khuyến khích nếu Phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch tỉnh có sai phạm thì khuyến khích từ chức để đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn. Việc này thực hiện theo tinh thần ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó, cố gắng làm, nỗ lực khắc phục khó khăn.

Ông cũng cho rằng, cũng có tình trạng cán bộ cảm thấy bị sức ép của công việc nặng nề, không đảm đương được thì Đảng cũng ủng hộ xin nghỉ. Ông dẫn chứng trường hợp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xin Bộ Chính trị bố trí lại công việc vì qua một nhiệm kỳ, ông thấy công việc nặng nề, người khác sẽ làm tốt hơn.

Từ đó, ông yêu cầu kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ. Theo ông, muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, muốn làm gì nữa thì cuối cùng cũng quay trở lại vấn đề con người.

Ông Võ Văn Thưởng cũng nhắc đến tình trạng tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, Đảng viên.

“Người dân phê bình chúng ta, đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết sự khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có người nói là còn đẩy ra khỏi phòng mình nữa, đẩy được cứ đẩy, qua phòng bên cạnh”- ông nói và cho rằng phải sửa ngay, tập trung vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân.

Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20

Sau hội nghị này, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp hơn, cần được tiến hành thường xuyên, xuyên suốt nhiệm kỳ. Đồng thời thẳng thắn phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, kết luận của Trung ương…

Cạnh đó, nghiên cứu kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm: chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20.

“Khắc phục tình trạng nghị quyết thì rất hay nhưng mà thực hiện thì rất gay, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị”- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Ông nhắc lại, tại buổi bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến Đại hội đánh giá Đại hội đã thành công, nhưng vấn đề là phải đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất làm cho đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông nhắc lại, Bộ Chính trị đặc biệt coi trọng việc tổ chức thực hiện. Đơn cử như các nghị quyết vùng vừa qua, ngay trong triển khai nghị quyết, Ban cán sự Đảng, Chính phủ và Đảng, đoàn Quốc hội phải trình bày luôn nội dung chương trình hành động của mình để thực hiện nghị quyết trong hộ hội nghị lần này.

“Chúng ta phải giải quyết được vấn đề mà trong nghị quyết Đại hội đã nói rằng khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”- ông Thưởng cho hay.

Cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp, nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc…

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, hội nghị học tập nghị quyết chỉ mới là bước đầu. Tiếp theo, phải bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự trong các lĩnh vực.

 Ông Võ Văn Thưởng chỉ những mặt còn hạn chế trong sử dụng, đánh giá cán bộ ảnh 3

Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng gợi mở nhiều vấn đề để TP.HCM phát triển

23/09/2022

(PLO)- Trước rào cản về quy định khiến cán bộ năng động, sáng tạo có thể vi phạm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị TP.HCM cần tháo gỡ, tiến lên thay vì thở than.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.