'Ông Zelenskiy sẽ bị lật đổ nếu vượt lằn ranh đỏ'

Sức ép đang đè nặng lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với việc phe đối lập đe dọa ông bằng tình trạng bất ổn dân sự nếu ông tỏ ra yếu đuối trong các cuộc đàm phán bốn bên Normandy với các nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức vào ngày 9-12.

Theo hãng tin RT, hàng ngàn người đã tham gia một cuộc mít-tinh tại quảng trường Maidan mang tính biểu tượng tại trung tâm thủ đô Kiev, được tổ chức trong cuộc họp cấp cao bởi các đảng của ông Petro Poroshenko, người bị ông Zelenskiy đánh bại trong cuộc bầu cử mùa xuân, cùng với cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và ngôi sao nhạc rock Vyacheslav Vakarchuk.

Người biểu tình Ukraine giơ bảng với dòng chữ "Đừng vượt lằn ranh đỏ". Ảnh: RT

“Chuyến bay của ngài sẽ không phải từ Paris tới Kiev mà là từ Paris tới Rostov-on-Don. Nếu không phải ngày mai thì sẽ muộn hơn một chút” - người dẫn tin tức nổi tiếng Vitaly Gaidukevich cảnh báo, nhắc tới Tổng thống Zelenskiy.

Việc nhắc tới TP Rostov-on-Don của Nga trên thực tế là một lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với ông Zelenskiy rằng “nền dân chủ Maidan” tiếp tục kìm hãm Ukraine. Lời cảnh báo thẳng thừng này có nghĩa là Tổng thống Ukraine Zelenskiy có thể chịu chung số phận với cựu lãnh đạo Viktor Yanukovych nếu ông không truyền tải những gì phe đối lập muốn.

Ông Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2-2014 sau khi các cuộc biểu tình bạo lực ở trung tâm thủ đô Kiev, trong đó khoảng 100 người thiệt mạng.

Ông Yanukovych chạy sang Crimea và sau đó tới Rostov-on-Don ở miền Nam nước Nga và tuyên bố rằng trong quá trình chạy trốn ông đã bị mưu hại.

Sự kiện Maidan nhiều lần chứng minh rằng người dân có quyền lực ở Ukraine” - ông Gaidukevich nói với đám đông, những người hô vang khẩu hiệu yêu cầu ông Zelenskiy ngay lập tức từ chức nếu ông làm điều gì sai trái.

Hội nghị thượng đỉnh bốn bên Normandy được tổ chức ở Paris (Pháp) ngày 9-12 nhằm tìm cách giải quyết xung đột kéo dài ở miền đông Ukraine. Đáng chú ý, đây sẽ là cuộc gặp đối mặt đầu tiên giữa ông Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phe đối lập nhấn mạnh rằng ông Zelenskiy không nên đưa ra bất cứ thỏa hiệp nào ở Paris khi nói tới đường lối của Ukraine đối với châu Âu và việc giành lại bán đảo Crimea. Bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3-2014.

Người biểu tình Ukraine tập trung tại quảng trường Maidan hôm 8-12. Ảnh: Kyiv Post

Theo trang tin Kyiv Post, phát biểu trên sân khấu, cựu Tổng thống Petro Poroshenko nói rằng không có gì tốt có thể đến từ những nỗ lực đạt được hòa bình thông qua đối thoại với nhà lãnh đạo Nga Putin.

“Đừng tin ông Putin. Không bao giờ. Ông Putin thao túng mọi thứ - nội dung, sự kiện, con số, bản đồ, cảm xúc. Ông ấy ghét Ukraine và người Ukraine và không nhìn thấy vị trí của chúng ta trên bản đồ chính trị của châu Âu” - ông Poroshenko nói.

“Lằn ranh đỏ” được ba đảng đưa ra hôm 3-12 gồm năm yêu cầu: Không liên bang hóa, không thỏa hiệp về Crimea, không nhượng bộ đường lối châu Âu - Đại Tây Dương, không tổ chức bầu cử trong các lãnh thổ bị chiếm đóng của Donbass mà không có sự rút quân của Nga và sự kiểm soát của Ukraine đối với đường biên giới quốc gia và không rút lại các vụ kiện quốc tế nhằm vào Nga.

Dưới đòi hỏi cụ thể của đám đông, các nhà hoạt động nhấn mạnh nghi ngờ của ông Poroshenko đối với khả năng của ông Zelenskiy trong việc giữ vững lập trường trước các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga.

“Tôi không thấy bất kỳ lập trường cứng rắn nào từ ông Volodymyr Zelenskiy hay bất cứ đối tác nào, những người sẽ tham gia đàm phán. Ông Emmanuel Macron ủng hộ ông Vladimir Putin. Bà Angela Merkel cũng sẵn sàng thương lượng với tổng thống Nga” - Oleksiy Komarovsky, một nhà hoạt động đến từ TP Brovary của tỉnh Kiev, nói với Kyiv Post.

Ông Zelenskiy muốn gì khi tới Normandy?

Đài CNN cho biết theo các báo cáo, ông Zelenskiy tới Paris nhưng nhận được ít kỳ vọng. Danh sách mong muốn của nhà lãnh đạo Ukraine bao gồm một đợt trao đổi tù nhân khác và cung cấp một số yếu tố chính của thỏa thuận Minsk gồm chín điểm được ký năm 2014. Thỏa thuận Minsk nhằm mục đích mang lại hòa bình lâu dài cho miền đông Ukraine.

Thỏa thuận này yêu cầu một lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và đưa biên giới Ukraine - Nga trở lại cho Ukraine kiểm soát.

Từ trên xuống từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

Pháp và Đức dự kiến thúc đẩy Ukraine thông qua hoàn toàn con đường tới hòa bình gọi là công thức Steinmeier gây tranh cãi, theo đó yêu cầu cấp quy chế đặc biệt và quyền tự trị địa phương cho các lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, trước thềm diễn ra hội nghị Normandy vào ngày 9-12, Ukraine và Nga vẫn bất đồng về trình tự của kế hoạch: Giải giáp trước hay bầu cử trước?

Trong năm năm qua, vô số nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn đã được thực hiện nhưng thất bại. Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cả hai bên tiếp tục lần lượt triển khai vũ khí mà lẽ ra phải rút đi từ lâu.

Đối với ông Putin, ông đến hội nghị Normandy với tâm thế không có gì để mất nhưng có khả năng với mục tiêu giữ lại một số đòn bẩy với Ukraine mà ông vẫn coi là phạm vi ảnh hưởng.

“Ông Putin linh hoạt hơn nhiều - ông có toàn quyền kiểm soát nền chính trị Nga và ông có thể bán theo nghĩa đen bất cứ thứ gì ông đồng ý ở Paris” - nhà sử học người Anh Timothy Ash viết.

Bất cứ cơ hội nào để củng cố một thỏa thuận vào ngày 9-12 sẽ phụ thuộc vào các đối tác Normandy là Pháp và Đức với việc mang lại áp lực lớn đối với ông Putin để chấm dứt trò chơi chiến tranh của ông ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, Đức với tình trạng suy yếu về mặt chính trị với việc Thủ tướng Angela Merkel sắp nghỉ hưu và sự thèm khát khí đốt tự nhiên của Nga, cùng với việc Pháp nóng lòng thiết lập lại quan hệ với điện Kremlin thì không có khả năng ông Putin sẽ bị đẩy vào tường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm