PCI 2016: Bình Dương bứt phá, TPHCM hấp dẫn đầu tư nhất

Ngày 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI) năm 2016.

Cuộc đổi ngôi á quân

Không bất ngờ, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các tỉnh, TP của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI. Năm thứ tư liên tiếp và lần thứ bảy trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, TP này được các doanh nghiệp (DN) vinh danh là quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010.

Tuy vậy, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng: Đà Nẵng cần nỗ lực hơn nữa vì dư địa cải cách vẫn còn nhiều. “Đà Nẵng mới đạt 70 điểm trong thang điểm 100. Điều đó cho thấy Đà Nẵng cần phải cải cách hơn nữa trong những lĩnh vực chưa tốt như cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN…” - ông Nguyễn Xuân Anh nói.

PCI cũng ghi nhận cuộc đổi ngôi giữa Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để lần đầu tiên giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng PCI. Còn Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ chín liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, TP đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.

Với vị trí á quân PCI, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay: Những năm trước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đều nhận thấy sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng nên đã đề ra những biện pháp phát triển hiện đại, phù hợp với đòi hỏi chính đáng của người dân và DN.

“Thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), xây dựng trung tâm hành chính công để DN và nhân dân đánh giá mức độ hài lòng khi tiến hành các thủ tục hành chính; năm 2015 đưa ra bộ chỉ số cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương của tỉnh Quảng Ninh (DDCI). Những biện pháp này đã tạo ra sự chuyển mình tích cực của nhiều sở, ngành” - ông Thành cho hay.

TP.HCM đạt được những bước tiến chỉ số gia nhập thị trường, giảm chi phí không chính thức và được đánh giá là nơi đầu tư hấp dẫn nhất. Trong ảnh: Làm thủ tục ĐKKD tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy vậy, Bình Dương mới là tỉnh gây bất ngờ khi trở lại nhóm năm địa phương dẫn đầu về PCI sau tám năm tụt hạng. Năm nay, với 63,57 điểm, Bình Dương đã ngược dòng ngoạn mục xếp vị trí số 4, tăng đến 21 bậc trên bảng xếp hạng.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Qua lắng nghe ý kiến từ các tỉnh bạn thì Bình Dương thấy chưa làm được gì nhiều cho dân và DN. Vì thế, Bình Dương trước tiên đã cố gắng xây dựng trung tâm hành chính công theo mô hình của Singapore và Quảng Ninh để phục vụ DN, người dân”.

Báo cáo PCI cũng nhận định: Việc này cho phép Bình Dương cải cách hành chính mạnh mẽ, theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và DN của Bình Dương thời gian qua.

Thanh Hóa tụt hạng 21 bậc

TP.HCM mặc dù điểm số PCI tăng 0,36 điểm nhưng thứ hạng lại giảm hai bậc, đứng thứ tám trong bảng xếp hạng PCI 2016, do một số tỉnh khác như Bình Dương, Vĩnh Long có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.

Theo báo cáo PCI, TP.HCM tăng điểm số nhờ những bước tiến trong đánh giá của DN về chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức giảm và các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự thân thiện của cán bộ.

Đặc biệt, phần lớn trong hơn 8.000 DN tham gia khảo sát lựa chọn TP.HCM (và Hà Nội) là những nơi đầu tư hấp dẫn nhất do các cơ hội kinh doanh, quy mô thị trường. Trong đó, môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng điều hành tốt chỉ đủ thu hút 29% nhà đầu tư tới TP.HCM.

Trong các tỉnh tụt hạng, báo cáo PCI cho rằng Thanh Hóa là địa phương mất điểm nhiều nhất và rơi từ nhóm có chất lượng điều hành tốt xuống nhóm khá (từ vị trí 10 năm 2015 xuống vị trí 31 năm 2016).

Theo kết quả điều tra, các DN tại Thanh Hóa đánh giá chất lượng giải quyết công việc của cán bộ địa phương kém hơn hẳn năm 2015. “Có tới 1/3 DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính. Đất đai, thuế và xây dựng là các lĩnh vực được đánh giá năm vừa qua có nhiều phiền hà. Hơn 70% DN đồng ý rằng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là phổ biến” - báo cáo PCI nêu.

Tỉnh Đắk Nông năm ngoái xếp vị trí 63, năm nay đã tăng hai bậc lên vị trí 61. Vị trí cuối cùng thuộc về tỉnh Cao Bằng.

“Bác sĩ doanh nghiệp”

Mô hình “Bác sĩ DN” ra đời nhằm tạo không gian khác biệt trong trợ giúp DN.

Thông qua tổ công tác “Bác sĩ DN”, các DN đã có thể tiếp cận lãnh đạo các sở, ban ngành, phối hợp giải quyết vướng mắc cho DN, tư vấn và hỗ trợ DN trực tiếp về quản trị DN.

Ông NGUYỄN PHƯƠNG BẮC,Viện trưởng Viện Nghiên cứu
phát triển kinh tế-xã hội Bắc Ninh

Lãnh đạo xuống tận doanh nghiệp

Thay vì gặp gỡ hằng ngày, việc trao đổi, giao lưu với DN được tiến hành theo từng nhóm ngành, từng tuần, từng tháng. Lãnh đạo tỉnh sẽ xuống tận DN gặp gỡ, bàn bạc chuyên sâu về từng vấn đề của từng ngành, sau đó đưa ra những quyết sách.

Hiện Quảng Nam đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và hiệu quả từ DN.

Ông LÊ TRÍ THANH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Thứ Hai không họp ủy ban

TP Cần Thơ luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của TP.  Từ năm 2015, Thành ủy đã xác định thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cấp tỉnh PCI là một trong những trọng tâm. Đến năm 2016, UBND TP không tổ chức họp sáng thứ Hai để giám đốc sở, ngành tiếp DN.

Các cuộc họp này đã tháo gỡ kịp thời cho các DN và lập đường dây nóng để giải quyết các vụ việc, đồng thời là nơi để tiếp nhận những thông tin phản hồi từ phía doanh nhân.

Ông NGUYỄN THANH LIÊM,
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm