Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử Cụm thi đua số 5 (13 TAND tỉnh, TP miền Tây Nam Bộ) do TAND Tối cao tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 23-6, Phó Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Trần Văn Châu cho biết một lý do phải hủy án hình sự là việc điều tra, xác minh của cấp sơ thẩm không đầy đủ.
Không làm rõ tuổi của nạn nhân
Điển hình là vụ Lê Thành Phong bị TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm phạt 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Phong và cháu bé nạn nhân có mối quan hệ anh em bà con. Lợi dụng sự non nớt của nạn nhân, Phong đã hai lần thực hiện hành vi giao cấu. Theo giấy chứng nhận của bệnh viện thì màng trinh của nạn nhân không rách, tầng sinh môn bình thường.
Theo ông Châu, vụ án này cấp sơ thẩm chưa giám định làm rõ độ tuổi, ngày tháng năm sinh của nạn nhân. Theo bản sao giấy khai sinh, nạn nhân sinh ngày 16-9-2000 nhưng cha của nạn nhân lại khai rằng giấy khai sinh này được làm sau, theo yêu cầu của nhà trường để đi học. Theo ông này, thực tế nạn nhân sinh năm 1999 (có xác nhận của lãnh đạo xã).
Ngoài ra trong quá trình điều tra, việc lấy lời khai của nạn nhân cũng không đúng theo quy định của BLTTHS. Cụ thể, người giám hộ của nạn nhân không được trực tiếp ngồi cùng nạn nhân khi cán bộ điều tra lấy lời khai. Chỉ đến khi cán bộ điều tra lấy lời khai xong, cha của nạn nhân mới được ký tên vào biên bản theo hướng dẫn của cán bộ điều tra là không đúng quy định tại Điều 137 BLTTHS. Mặt khác, tên của luật sư, nơi luật sư ký xác nhận tại buổi làm việc cũng có sai sót… Do đó tháng 12-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã phải hủy án sơ thẩm.
Trong vụ hiếp dâm trẻ em của bị cáo Lê Thành Phong, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được độ tuổi của nạn nhân, đồng thời có vi phạm tố tụng. Ảnh: T.DUNG
Chưa chứng minh được tội phạm
Vụ khác, tháng 8-2014, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm đã phạt Nguyễn Trung Tâm 17 năm tù về tội nhận hối lộ; Lê Thanh Phương 15 năm tù về tội đưa hối lộ, ba tháng tù về tội vu khống, tổng hợp hình phạt chung là 15 năm ba tháng tù.
Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm xác định Tâm (nguyên phó phòng Kế hoạch - Tài chính Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) có nhận của Phương (nhà thầu) 200 triệu đồng sau khi Phương trúng gói thầu số 2 nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện Năm Căn. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm chưa chứng minh việc Phương đưa tiền và Tâm nhận tiền nhằm mục đích gì, có liên quan gì đến việc Tâm có làm hoặc không làm một việc thuộc quyền hạn của mình vì lợi ích của Phương nên chưa đủ cơ sở quy kết Tâm nhận hối lộ và Phương đưa hối lộ.
Mặt khác, quá trình điều tra có thu giữ chứng cứ về việc ghi âm, có giám định tiếng nói nhưng chỉ trích dẫn nội dung ghi âm do bà Bùi Lệ Oanh (người trực tiếp nghe Phương kể lại việc chi tiền cho những người liên quan đến dự án) cung cấp là chưa khách quan.
Đối với tội vu khống của Phương, kết luận điều tra và cáo trạng đều kết luận chưa có cơ sở chứng minh việc Phương có đưa bà Chung Ngọc Nhãn (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) 500 triệu đồng theo yêu cầu của bà Nhãn hay không. Tại phiên xử cũng không chứng minh được Phương có đưa bà Nhãn 500 triệu đồng theo yêu cầu của bà Nhãn nhưng tòa lại kết tội bị cáo Phương phạm tội vu khống là chưa đủ cơ sở. Chỉ khi nào xác định rõ ràng bị cáo Phương không đưa bà Nhãn 500 triệu đồng và bà Nhãn không nhận của Phương 500 triệu đồng thì bị cáo mới có thể bị kết tội vu khống.
Vì các thiếu sót trên, tháng 3-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ngoài hai vụ này, tòa phúc thẩm còn cho biết nhiều vụ án khác cũng bị hủy với lỗi tương tự.
Xác định sai tội danh
Tháng 1-2015, TAND tỉnh Sóc Trăng đã phạt Nguyễn Thành Công một năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó viện trưởng VKS tỉnh này đã kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm chuyển tội danh của Công sang tội giết người như truy tố của VKS trước đó, đồng thời tăng mức án đối với bị cáo. Tháng 3-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa bản án sơ thẩm, tuyên Công phạm tội giết người và xử phạt bị cáo năm năm tù.
Theo tòa phúc thẩm, Công đã trực tiếp chạy xe máy chở Quách Minh Ngọc quay lại để Ngọc hỗ trợ cho Nguyễn Ngọc Vinh đánh người bị hại NHD (Vinh đã dùng dao đâm người bị hại gây thương tật 42%). Sau đó Công tiếp tục chở Ngọc rời khỏi hiện trường. Mặc dù Công không trực tiếp dùng hung khí tấn công nạn nhân nhưng Công biết rõ mục đích của Ngọc và Vinh nhưng vẫn chở Ngọc quay lại hỗ trợ Vinh đâm nạn nhân. Đó là hành vi giúp sức cho đồng bọn thực hiện tội phạm nên Công phải cùng chịu hậu quả và tội danh mà đồng phạm gây ra. Việc tòa sơ thẩm chỉ xử bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng là chưa đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Cùng nội dung, cùng tòa, phán quyết khác nhau Rút kinh nghiệm án hành chính, báo cáo tổng hợp vướng mắc và góp ý của Cụm thi đua số 5 có nhắc tới vụ kiện của anh NVD với quyết định hành chính của UBND tỉnh Vĩnh Long. Nguyên vợ chồng anh D. bị chính quyền địa phương thu hồi gần 64 m2 đất vườn và gần 2.600 m2 đất lúa. Tháng 12-2011, anh D. đã khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình trại giống vật nuôi tỉnh Vĩnh Long tại xã Tân An Luông. Anh D. cho rằng giá bồi thường 30.000 đồng/m2 là quá thấp và yêu cầu nâng giá bồi thường lên 150.000 đồng/m2. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác yêu cầu của anh. Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Hòa cho biết bản án sơ thẩm bị tòa phúc thẩm hủy và đình chỉ giải quyết vì cho rằng đây không phải là quyết định hành chính cá biệt. Sau đó UBND và TAND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị giám đốc thẩm thì TAND Tối cao hủy luôn cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Hiện vụ án chưa được xử lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong hai vụ kiện khác cũng tương tự trường hợp của anh D., các nguyên đơn cũng bị tòa tỉnh xử bác yêu cầu nhưng lên tòa phúc thẩm thì lại có hai phán quyết trái ngược: Một hủy, một giữ nguyên án sơ thẩm. Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào đã đề nghị tòa phúc thẩm kiểm tra lại tình trạng nội dung vụ kiện như nhau nhưng tòa phúc thẩm với các HĐXX khác nhau lại có những phán quyết khác nhau như thế này. |