Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 25-5 về kinh tế-xã hội, câu chuyện bổ nhiệm người nhà làm quan và vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra, đòi hỏi Chính phủ phải có hành động quyết liệt để khắc phục.
Bổ nhiệm người nhà làm quan
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, hiện nay các vụ bổ nhiệm cán bộ sai phạm đang gây bức xúc rất lớn. “Như vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm xùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần về vấn đề này, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh nhưng cuối cùng vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm và không để liên quan đến người khác” - ông dẫn chứng.
Cùng nội dung này, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cảnh báo: “Hiện nay chúng ta bằng nhiều con đường để đề bạt, cất nhắc cán bộ. Hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu như câu vè của dân gian mà giờ tôi nghe: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, trí tuệ còn đâu? Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau là có tiền, sau nữa là alô quan hệ gửi gắm trao đổi, làm gì có nhân tài, nói thì hơi cực đoan nhưng đó là cảnh báo”.
Ông Vân dẫn chứng mới đây nhất ở Đồng Tháp có vụ việc giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai bị động kinh, rồi có nhiều vị trí được bổ nhiệm nhưng năng lực có hạn. Theo đó, ông đề nghị phải có biện pháp mạnh để khống chế được lợi ích nhóm, tham nhũng trong công tác cán bộ.
“Tôi rất tiếc trong BLHS vừa qua thiếu hẳn chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Sai phạm, làm trái phải trừng trị bằng luật hình để những ai thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều” - ông nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN
Luôn theo sát vụ Đồng Tâm
Liên quan đến vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) hồi tháng 4 vừa qua, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông đã trao đổi với Thủ tướng, đề nghị có bóc băng vụ đối thoại ở Đồng Tâm để ĐBQH có cái nhìn đa chiều, toàn diện chứ không chỉ là cung cấp những báo cáo thông thường. “ĐBQH muốn có bóc băng toàn bộ cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền Hà Nội với nhân dân Đồng Tâm để ĐBQH giám sát. Tôi luôn theo dõi sát vụ này” - ông nói.
ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng nhìn nhận thời gian qua xuất hiện nhiều điểm nóng nhưng bộ máy cơ sở xử lý rất kém. “Vừa qua ở Hà Nội có vụ ở Đồng Tâm, cán bộ không báo cáo đúng, nắm tình hình không chắc, sợ khuyết điểm, đến khi có tình huống xảy ra thì như gà mắc tóc” - ông Được nhận định.
ĐB này nhấn mạnh: “Cán bộ ăn chặn tiền của dân, bán đất lấy tiền của dân, làm sao dân tin được! Cũng là bộ máy, cán bộ cả, nên tới đây cần phải đi sâu vào công tác cán bộ. Cùng với đó cũng cần phải nghiên cứu hình thức tiếp công dân thế nào để tháo gỡ những điểm nóng phức tạp, góp phần ổn định tình hình xã hội”.
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân thì cho rằng vụ việc Đồng Tâm có hai nguyên nhân chính là do chính sách đất đai và chính quyền cơ sở không tổ chức đối thoại với dân để khiếu kiện kéo dài. “Chúng ta duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng phải phân loại ra: đất quốc phòng, đất công cộng thì có chế độ pháp lý riêng, còn lại là đất phục vụ cho các mục đích kinh tế có giá trị lợi nhuận thì phải sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Nhưng hiện nay chúng ta đang trao quyền sở hữu đất đai từ toàn dân sang Nhà nước quản lý, mà Nhà nước là cơ quan cụ thể, trong đó có cá nhân cụ thể, cá nhân đó nếu động cơ không trong sáng thì dễ có chuyện trục lợi, đội giá đất ở những vị trí vàng” - ông phân tích.
Theo đó, ĐB Vân đề nghị cần phải xây dựng thị trường về chuyển nhượng đất mới sòng phẳng được. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành quy chế mẫu, yêu cầu người đứng đầu phải định kỳ đối thoại với dân, giải quyết mắc mớ trong chính sách điều hành để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng trước tình trạng kinh tế khó khăn, khó đạt mục tiêu tăng trưởng. ĐB Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nhận định GDP quý I tăng thấp nhất trong các năm gần đây (đạt 5,1%), mục tiêu GDP cả năm đạt 6,7% sẽ rất khó khăn vì tình trạng vốn giải ngân thấp… Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay có một số nguyên nhân khách quan khiến kinh tế năm 2016 gặp khó khăn, chưa đạt kế hoạch như hạn mặn ở Nam bộ làm mất một triệu tấn thóc, tương đương 0,5% GDP; vụ Formosa ảnh hưởng môi trường biển miền Trung làm thiệt hại 0,5% GDP… Bước sang năm 2017, cả nước mang quyết tâm lớn là đưa ra mức tăng trưởng GDP 6,7%, tuy nhiên lại gặp hai chuyện khách quan là sản lượng dầu khí sụt ba triệu tấn vì giá dầu thấp, và ảnh hưởng của vụ Galaxy note 7. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ thẳng những tồn tại đã được nêu nhiều, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. “Thủ tục đầu tư công rất phức tạp, vòng lên lại vòng xuống. Đưa ra HĐND lại trở lên, trở lên nữa. Ba lần như vậy rất mất thời gian và cái này cũng là khuyết điểm chung của hệ thống chúng ta, để biết được, khắc phục trong thời gian tới” - Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng thông tin, hai tháng 4 và 5, tình hình tăng trưởng tốt hơn quý I. Hy vọng là trừ trường hợp bất khả kháng, năm nay Chính phủ sẽ thực hiện tốt các chỉ tiêu mà QH, trung ương giao. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng nếu mãi kéo dài bài ca khách quan, không tăng trưởng thì không ổn. Bởi người dân sẽ không biết tìm đâu câu trả lời cho việc tại sao không tăng trưởng. Bảo vệ môi trường phải là trọng tâm Bày tỏ lo lắng về vấn đề tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị QH, Chính phủ phải đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản làm trọng tâm. “Lấy ví dụ như Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, hang Sơn Đoòng. Những tài nguyên thiên nhiên này giá trị cực lớn, của nhiều thế hệ, hàng trăm năm. Trung Quốc có những di sản cả ngàn năm. Giữ cái đó chính là tiền của, GDP cũng nằm ở đó” - ĐB Nghĩa nói. Ông dẫn chứng chuyện khai thác cát bừa bãi, xuất khẩu ào ạt, khai thác cát lậu diễn ra nhiều năm qua, trong đó tính riêng xuất khẩu qua Singapore đã là 67 triệu tấn, còn con số trong nước thì chưa rõ. “Hậu quả bảy, tám năm trước nói hết rồi, đến bây giờ sạt lở ĐBSCL, ở sông Hương, Bắc Ninh, Đồng Nai... nhưng ở đây không có giải pháp gì hết. Đề nghị Chính phủ kiểm điểm lại 10 năm qua, vấn đề khai thác cát ai ra chủ trương, ra chủ trương như thế nào, chủ trương đó đúng hay sai, hay là chủ trương đúng nhưng làm sai. Nếu làm sai thì ai chịu trách nhiệm” - ĐB Nghĩa đề nghị. |