Trên số báo hôm qua (11-1), Pháp Luật TP.HCM đã thông tin vụ bà Trần Thị Phương, ngụ xã Nghị Đức (Tánh Linh, Bình Thuận) bị ông T. - giáo viên ở Tánh Linh dùng rựa chém bà gãy chân rồi chở ra nghĩa địa vất bà ở đó. Sau đó, thay vì chuyển hồ sơ lên Công an huyện Tánh Linh điều tra, xử lý hình sự thì Công an xã Bắc Ruộng giữ hồ sơ để phạt hành chính ông T. 750.000 đồng…
Dưới đây là ý kiến bức xúc của TS Phan Anh Tuấn và luật sư Nguyễn Duy Bình về vụ việc này.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM:
Không loại trừ có bao che, tiêu cực
Trước hết, tôi muốn nói đến nhận thức và trách nhiệm của công an xã, ở đây có sự vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm và không loại trừ có bao che, tiêu cực.
Theo trình bày của bà Phương thì từ đầu bà đã báo với Công an xã Bắc Ruộng (Tánh Linh, Bình Thuận) về việc bà bị hành hung. Nhưng thay vì xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc để chuyển hồ sơ lên cấp trên (Công an huyện Tánh Linh) theo thẩm quyền thì họ lại cho phía ông T. thỏa thuận đền bù tiền và yêu cầu bà Phương phải làm đơn từ chối giám định thương tật, không yêu cầu khởi tố hình sự. Sau đó, khi báo chí vào cuộc thì lại lấy lý do bà Phương không yêu cầu khởi tố nên mới áp dụng biện pháp chỉ phạt hành chính ông T.
Nếu đúng như trình bày của bà Phương thì không phải do công an nhận thức pháp luật hạn chế mà có dấu hiệu cho thấy họ có ý thiên lệch nhằm có lợi cho phía ông T. Với chức năng của mình thì khi người dân bị thương nặng, tính chất vụ việc nghiêm trọng như thế thì phải chuyển ngay lên công an huyện chứ không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu hay không. Nói như công an xã thì nếu phát hiện án mạng mà người liên quan không có yêu cầu gì thì họ cũng tự giữ lại để giải quyết hay sao?
Ông T. đã dùng hung khí nguy hiểm hành hung người khác với tỉ lệ thương tích 15% (sau khi xảy ra vụ án nhiều ngày), sau đó bỏ mặc người bị hại ở nghĩa địa, đó là những dấu hiệu rất rõ của tội phạm hình sự (ít nhất là tội cố ý gây thương tích). Việc công an huyện vào cuộc tuy có muộn nhưng là điều đáng ghi nhận và rất cần thiết. Vụ việc này phải được khởi tố điều tra để tránh lọt người, lọt tội.
Bà Trần Thị Phương trong căn nhà tồi tàn ở Tánh Linh, Bình Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Qua vụ việc này, có thể thấy người dân nghèo, nhất là ở những vùng nông thôn có thể phải chịu bất lợi và thiếu sự bảo vệ của pháp luật bất cứ lúc nào. Trong khi các chính sách pháp luật hiện nay luôn đề cao, tôn trọng và bảo vệ quyền con người thì ở đâu đó bộ máy hành pháp lại đang kéo lùi tiến bộ này lại. Đó là điều đáng phải suy nghĩ.
LS NGUYỄN DUY BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Phải khởi tố vụ án ngay
Đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng nhưng công an xã giữ lại để xử lý hành chính là trái quy định. Căn cứ theo quy định hiện hành thì công an cấp xã chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận tin báo tội phạm và thực hiện một số thủ tục lấy lời khai ban đầu, sau đó nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm hoặc chưa nắm rõ quy định, căn cứ xử lý thì phải kịp thời báo cáo và gửi hồ sơ lên cơ quan công an cấp huyện để xử lý.
Trường hợp này, khi gây thương tích, ông T. đã dùng hung khí nguy hiểm là rựa để đánh, chém và sau đó bỏ mặc nạn nhân giữa nghĩa địa nên hoàn toàn có cơ sở để xử lý hình sự, chưa cần đến kết quả giám định thương tật. Giả sử nạn nhân có tự nguyện ký vào đơn yêu cầu không khởi tố vụ án ở giai đoạn này và nộp cho công an xã đi chăng nữa thì sau đó họ cũng có quyền yêu cầu khởi tố lại vì thẩm quyền xử lý vụ việc, khởi tố vụ án thuộc công an cấp huyện. Mặt khác, nếu thương tật từ đủ 11% trở lên, nghi phạm sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 104 BLHS (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân). Trường hợp này không phụ thuộc vào phía nạn nhân có yêu cầu khởi tố hay không.
Trưởng công an cấp xã dù sao cũng là một cán bộ công an đã được đào tạo nên không thể cho rằng kiến thức, kinh nghiệm chưa đủ để xử lý vụ việc. Chính vì vậy, việc trưởng công an cấp xã giữ hồ sơ để giải quyết, vội vàng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T., đưa cha của ông T. đến yêu cầu nhận tiền bồi thường, yêu cầu ký vào đơn yêu cầu không khởi tố vụ án… là có dấu hiệu lạm quyền, thiên vị và bao che cho phía người phạm tội.
Thiết nghĩ cơ quan điều tra có thẩm quyền cần ra ngay quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định nhằm khắc phục sai sót của cơ quan công an cấp dưới, xử lý nghiêm kẻ phạm tội, bảo vệ quyền lợi của người bị hại.