Như PLO đã đưa tin, luật sư của Phan Văn Anh Vũ vừa chuyển đơn kêu oan và tố cáo của bị án này tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao… cùng nhiều cơ quan, cá nhân.
Phan Văn Anh Vũ tại một phiên toà. Ảnh: TTXVN
Cũng trong đơn kêu oan và tố cáo này, Phan Văn Anh Vũ cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật về cách tính thiệt hại trong vụ án.
Cụ thể, theo Vũ, bản án sơ thẩm số 48/2019 của TAND TP. Hà Nội và bản án phúc thẩm số 346/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhận định thiệt hại của vụ án tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Trong khi đó, Bản án sơ thẩm số 20/2020 cũng của TAND TP. Hà Nội và bản án phúc thẩm số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” lại xác định thiệt hại tính từ thời điếm khởi tố vụ án.
Vũ cho rằng phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai bản án này để xem xét lại cách tính thiệt hại cũng như xem xét lại mức bồi thường thiệt hại cảu từng bị cáo trong vụ án này, trong đó có Vũ.
Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn nhận định quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng có sự “vi phạm rất nghiêm trọng trình tự, thủ tục định giá tài sản”.
Vũ lập luận cho rằng việc thành lập Hội đồng định giá tài sản ở Trung ưong là trái quy định của pháp luật. Đồng thời có sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc khách quan trong hoạt động định giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2018/NĐ-CP; sai lầm nghiêm trọng trong việc xác định thời điểm định giá tài sản…
Đáng chú ý, Phan Văn Anh Vũ cũng quy kết “quá trình điều tra, truy tố, xét xử của CQTHTT có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục kê biên tài sản”.
Để bảo đảm thi hành án, Toà án đã tuyên duy trì lệnh kê biên đối với 23 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu chung của Phan Văn Anh Vũ và vợ và 5 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Phan Văn Anh Vũ tham gia góp vốn.
Phan Văn Anh Vũ cho rằng nếu mình thật sự có tội thì cơ quan tố tụng cũng chỉ được kê biên đối với phần tài sản thuộc sở hữu riêng của Vũ chứ không phải toàn bộ tài sản đứng tên chung của hai vợ chồng.
Đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn, cần phải tách biệt giữa cá nhân và pháp nhân. Bản thân các Công ty không phải là pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này mà chỉ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
“Cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên toàn bộ tài sản nêu trên mà không thực hiện thủ tục định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, giá trị tài sản kê biên của tôi đã vượt quá số tiền mà tôi có trách nhiệm bồi thường”- Vũ nêu trong đơn.
Cuối cùng, Phan Văn Anh Vũ cho rằng “giả sử việc truy tố, xét xử các bị cáo trong vụ án này là đúng người, đúng tội thì cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội”.
Vũ nêu dẫn chứng việc chuyển nhượng các lô đất thuộc dự án tại quận Sơn Trà, Đà Nằng. Cụ thể Vũ nhận chuyển nhượng bốn lô đất từ một Công ty CP Đầu tư Xây dựng. Trong khi một Công ty địa ốc nhận chuyển nhượng bốn lô đất từ một Công ty khác. Hai dự án này cùng diễn ra một thời điểm.
Tuy nhiên hai Công ty sau chuyển nhượng đất khi chưa ký kết hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, đóng các loại thuế đất, phí cho ngân sách Nhà nước, chưa được cấp GCNQSDĐ (tương tự như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng mà Vũ mua đất).