Ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (gọi tắt là dự thảo pháp lệnh) là điều cần thiết để bảo đảm pháp đình được tôn nghiêm, hoạt động tố tụng thông suốt, đúng đắn. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo pháp lệnh này vẫn khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại.
Trừ những phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hoặc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những phiên tòa còn lại đều được mở công khai, người từ 16 tuổi trở lên đều được dự khán. Qua đó, người dân và báo chí có thể giám sát và đưa tin hoạt động xét xử của tòa.
Có nhiều vụ án, tòa án còn khuyến khích báo chí đưa tin nhằm tuyên truyền pháp luật, qua đó truyền tải thông điệp mang tính răn đe, phòng ngừa chung. Đây cũng là một trong những chức năng của báo chí, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Nhà báo tác nghiệp trước phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh. Ảnh: TRƯỜNG GIANG |
Để phiên tòa được diễn ra trang nghiêm, trật tự, pháp luật tố tụng (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…) đều có điều khoản quy định về nội quy phiên tòa.Theo đó, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng hoặc những người dự khán khác phải tuân thủ nội quy cùng sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Đó là quy định có giá trị pháp lý cao nhất, mọi quy định ở các văn bản pháp luật thấp hơn (trong đó có pháp lệnh) phải được “dẫn chiếu” từ đây, không được quy định “vượt luật”.
Trong dự thảo pháp lệnh nêu trên có quy định nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của chủ tọa sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng (nếu phát trực tiếp thì mức phạt 15-30 triệu đồng).
Tuy nhiên, Nội quy phiên tòa (Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự) không quy định việc ghi âm, ghi hình…, gồm cả ghi âm, ghi hình HĐXX phải xin phép chủ tọa. Liệu quy định như trong dự thảo pháp lệnh có “vượt” quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự?
Ngoài ra, dự thảo pháp lệnh quy định xử phạt nhà báo nếu họ không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa. Trong khi đó, Điều 25 Luật Báo chí 2016 chỉ quy định “khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Quy định của dự thảo pháp lệnh dường như chưa thật sự phù hợp với Luật Báo chí.
Đặc biệt, dự thảo pháp lệnh quy định những người có thẩm quyền xử phạt còn xử phạt cả nhà báo nếu nhà báo đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án.
Trên thực tế, việc báo chí/nhà báo đưa tin sai sự thật xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do thu thập thông tin chưa đầy đủ, dẫn đến thông tin thiếu khách quan, chưa đúng sự thật… Khi đăng tin sai, báo chí sẽ phải thực hiện cải chính, hoặc/và bị xử phạt theo Nghị định 119/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).
Hơn nữa, như đã nói, việc đưa tin sai ấy chủ yếu xuất phát từ những sai lầm trong thu thập và xử lý thông tin, và sai chỉ vì… sai thôi chứ không nhằm cản trở hoạt động tố tụng. Vì vậy, nếu chỉ vì đưa tin về nội dung vụ án sai mà bị quy buộc “nhằm cản trở hoạt động tố tụng” để bị phạt như quy định trong dự thảo pháp lệnh là điều chưa thật sự thỏa đáng…
Tóm lại, ai cũng thấy việc ban hành pháp lệnh là cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động tố tụng được diễn ra bình thường, đúng quy định. Tuy nhiên, với những điều còn băn khoăn nói trên, thiết nghĩ cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành cần cân nhắc thêm để hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí được thông thoáng nhằm đáp ứng quyền được biết của người dân.