Ngày 12-5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi gây chấn động dư luận tại địa phương này.
Nhiều cái tên đáng chú ý như Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, công an tỉnh), Đào Ngọc Thuật (giáo viên Trường THPT Mường Bi)… lần lượt tham gia thẩm vấn.
Nhờ “xem điểm” chứ không nhờ “nâng điểm”
Theo bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy), trong những người đưa danh sách thông tin thí sinh (TS) cần nâng điểm có ông Chất và ông Thuật.
Tuy nhiên, trả lời trong phần xét hỏi, cả hai ông chất và thuật đều một mực phủ nhận, nói mình không phạm tội như cáo trạng quy kết.
Cựu thượng tá Khương Ngọc Chất khai tại kỳ thi THPT năm 2018 không có ai là người thân tham dự, cũng không có bất cứ ai nhờ vả tác động điểm thi. Dù vậy, ông Chất được năm “anh em thân thiết” đang công tác tại Công an tỉnh Hòa Bình nhờ “xem điểm trước” cho con em của họ.
“Số này gồm anh B. ở phòng cảnh sát kinh tế; anh X., phó phòng ma túy; anh N., trưởng phòng kỹ thuật hình sự; anh N., giám thị trại giam và anh G. ở hậu cần” - bị cáo liệt kê.
Tiếp đó, ông Chất gọi điện thoại đặt vấn đề với Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng Khảo thí) nhưng ông Vinh từ chối nên tiếp tục nhờ Đỗ Mạnh Tuấn và cũng không được hứa trước.
Đáng chú ý, ông Chất thừa nhận có gặp ông Tuấn tại cuộc họp của Sở GD&ĐT nhưng không hề trao đổi gì về việc nâng điểm như ông Tuấn khai, “anh em chỉ chào nhau 4-5 giây” rồi vào họp luôn.
HĐXX truy vấn vì sao biết “xem điểm trước” là vi phạm quy chế nhưng vẫn nhận lời? Cựu thượng tá công an nói do “nể nang anh em” và đây cũng là tâm lý chung của phụ huynh. Thực tế, những TS mà bị cáo nhờ xem điểm không ai được nâng điểm.
Tương tự, ông Đào Ngọc Thuật cũng cương quyết cho rằng những lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn “hoàn toàn không đúng”, bị cáo chỉ nhờ “xem điểm” cho khoảng 10 TS chứ không phải nâng điểm.
Khi đại diện VKS hỏi trong các TS nhờ xem điểm có ai là người nhà không, ông Thuật ngập ngừng một lúc rồi nói là không. Bị cáo khai đây đều là các TS do mình kèm cặp, dù phụ huynh không nhờ nhưng vẫn muốn xem điểm trước để biết kết quả dạy và học ra sao.
Đặc biệt, kiểm sát viên cho hay trong 10 TS mà ông Thuật nhờ xem điểm thì có tới bốn người được nâng điểm và hỏi suy nghĩ gì. Bị cáo nói “không biết”. Nhiều câu hỏi khác được đặt ra nhưng ông Thuật đều có chung câu trả lời như vậy.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Vinh và Khương Ngọc Chất (từ trên xuống) tại tòa ngày 12-5. Ảnh: TP
Bị vu khống hay không nhận tội?
bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận 250 triệu đồng của ông Thuật và 500 triệu đồng của ông Chất để nâng điểm cho các TS. Trong số này, ông Tuấn đã nộp lại cho cơ quan công an 250 triệu đồng.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, cả hai ông chất và thuật đều phủ nhận chuyện này. Cáo trạng thì nhận định các tài liệu chứng cứ chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo cũng như gia đình các TS về hành vi đưa hối lộ.
Tại tòa, ông Chất cho rằng Đỗ Mạnh Tuấn vu khống mình. Ông Tuấn khai ngày 20-6-2018, ông Chất gọi điện thoại để đưa tiền nhưng ông Chất phủ nhận và nói hôm đó đang họp giao ban ở công an tỉnh.
“Bị cáo xem Facebook thấy có vườn lan đẹp, chỉ gọi nhờ Tuấn xem cho ba loại của vườn lan ở Chi Nê nhưng Tuấn nói đi công tác, không xem được” - ông Chất biện minh và cho biết sau đó vào họp giao ban luôn, không hề có việc giao nhận tiền.
Đáng chú ý, bị cáo Tuấn khai tối 29-7, sau khi làm việc với cơ quan công an có đến nhà mẹ vợ ông Chất. Tại đây, ông Chất trấn an “cứ bình tĩnh” và dặn dò nếu ai hỏi về các cuộc gọi giữa hai người thì chỉ được khai là “trao đổi về hoa lan, hoa huệ”.
Dù vậy, cựu thượng tá công an bác bỏ và khẳng định ngày 29-7 ở nhà mẹ ruột cả đêm.
HĐXX hỏi tại sao lại cho rằng bị vu khống. Ông Chất nói có thể do ông Tuấn thù ghét cá nhân, vì ông là người vận động và đưa bị cáo này ra đầu thú (!).
Về phía mình, ông Thuật cũng nhiều lần nói không hề đưa tiền như lời Đỗ Mạnh Tuấn khai. Bị truy vấn về 250 triệu đồng mà ông Tuấn giao nộp cho cơ quan công an, ông Thuật tiếp tục trả lời “không biết” vì không đưa số tiền này.
Do hàng loạt mâu thuẫn nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX cho bị cáo Tuấn đối chất trực tiếp. Cựu hiệu phó vẫn bảo lưu lời khai như trước đó.
Hôm nay (13-5), tòa tiếp tục làm việc.
“Đây là bài của sếp” Được triệu tập tới tòa, nhiều giáo viên chấm thi bày tỏ sự bức xúc, “tố” bị ép buộc phải nâng điểm cho các TS. Giáo viên Bùi Thị Thu Hiền cho hay được bị cáo Bùi Thanh Trà (tổ trưởng tổ 3) đưa thông tin TS kèm số điểm cần đạt nhưng bà không chấm theo yêu cầu này. Khi bị cáo Trà yêu cầu ký khống vào phiếu chấm, bà Hiền phản ứng thì bị quát: “Ký đi, không hiểu à?”. Giáo viên Lê Thị Hạnh thì khai rằng được bị cáo Trà đề nghị chấm một bài thi đạt điểm 8. Tuy nhiên, khi xem bài, bà Hạnh nhận thấy không thể đạt được số điểm trên. Ngay tức thì, Trà nói nếu không được 8 điểm thì cũng phải được 7,5 điểm. Bà Hạnh cảm thấy khó chịu và hỏi tại sao cứ phải chấm theo số điểm đó, Trà đáp lại ngắn gọn: “Đây là bài của sếp”. |