Có hiện tượng 'phép vua thua lệ làng' thời COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-3, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021”. Đây là sáng kiến mà VCCI đã tiến hành từ năm 2018 và tạo được nhiều tác động, dấu ấn.

Trình bày báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khái quát rằng trong năm 2021, COVID-19 cho thấy nhiều quy định pháp luật, như trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Luật Dược, Luật Khám chữa bệnh… đã bộc lộ bất cập, cần phải sửa đổi. Trong lúc chưa thể sửa đổi ngay, thì Quốc hội đã vào cuộc một cách năng động, kịp thời, Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách nhanh chóng chuyển hướng chống dịch.

Tuy vậy, theo ông Tuấn, đã xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”, nhất là khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành hồi tháng 10-2021.

Trước đó, các biện pháp phòng chống COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn dịch bùng phát, các địa phương tự chủ động áp dụng các chính sách phòng chống dịch. Điều này gây ra tình trạng các chính sách áp đặt đối với hoạt động kinh doanh không đồng nhất. Có nơi không cho phép người ngoài tỉnh vào tỉnh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR có hiệu lực trong vòng 24 giờ hoặc 72 giờ mới được phép vào địa phương.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021". Ảnh: CHÂN LUẬN

“Trao quyền cho địa phương chủ động trong phòng chống dịch là hợp lý, vì tùy thuộc vào tình hình dịch ở mỗi địa bàn, cần phải có chính sách linh hoạt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến nhiều địa bàn khác nhau, việc không có sự thống nhất trong chính sách áp dụng đối với hoạt động kinh doanh khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc, không thể hoạt động được. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp hạn chế, ngăn cấm, cản trở đi lại giữa các địa phương đã ảnh hưởng rất lớn hoạt động lưu thông hàng hóa, lưu chuyển nguồn lao động”, báo cáo của VCCI nhận xét.

Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cùng với Quyết định 4800/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế đã giải quyết được vướng mắc, xóa bỏ tình trạng hạn chế đi lại giữa các địa phương; hạn chế yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 khi vào địa bàn tỉnh.

“Mặc dù văn bản cấp trung ương đã xác định rất rõ về chính sách phòng chống dịch nhưng ở địa phương vẫn còn tình trạng “mỗi nơi áp dụng một kiểu”, “phép vua thua lệ làng” - ông Tuấn nói.

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật” liệt kê thông tin trên báo chí phản ánh tình trạng này trong tuần đầu tiên sau khi Nghị quyết 128/2021 được ban hành.

An Giang yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh phải có giấy xác nhận của địa phương, người dân nơi khác đi vào tỉnh phải xuất trình thư mời, kế hoạch công tác, chương trình làm việc tại tỉnh; Bạc Liêu yêu cầu người dân tỉnh khác đến phải được sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được Chủ tịch tỉnh phân công, ủy quyền; Vĩnh Long vẫn duy trì các biện pháp giống như áp dụng Chỉ thị 19 đối với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương; Hải Phòng yêu cầu quay đầu xe của nhiều người dân đến từ Hà Nội.

Thậm chí, kể cả khi Nghị quyết 128 đã có hiệu lực hơn hai tháng, cả nước chuyển trạng thái “bình thường mới thì một số địa phương vẫn đặt ra các rào cản. Chẳng hạn Ninh Bình ban hành hướng dẫn quy trình xét nghiệm người cách ly đến địa phương. Trong đó hướng dẫn về quy trình cách ly, xét nghiệm những người đến từ các vùng dịch cấp độ 2, 3, 4. Bộ Y tế đã “tuýt còi” văn bản này;

Lào Cai yêu cầu cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm hai lần đối với người tiêm đủ liều vắc xin, người chưa tiêm/chưa tiêm đủ phải cách ly tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm hai lần. Thái Nguyên chỉ yêu cầu cách ly tập trung đối với người về từ vùng đỏ, những vùng còn lại chỉ cần khai báo y tế, đi lại bình thường.

Những rào cản này chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc chỉ định xét nghiệm chỉ trong trường hợp người đến từ “vùng đỏ”, vùng phong tỏa. Đối với người đến từ “vùng cam” thì xét nghiệm khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ.

“Tình trạng phép vua thua lệ làng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm