Hối lộ: Nghịch lý có người đưa, không có kẻ nhận

(PL)- Kết luận điều tra mới nhất của Bộ Công an lại lần nữa cho thấy sự tồn tại hiển nhiên của một trái khoáy trong các vụ án về hối lộ: Có người đưa nhưng không có người nhận hoặc ngược lại.

Trong vụ án bảo kê xe quá tải bằng logo xe vua có liên quan đến nhiều CSGT, thanh tra giao thông TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, ngày 13-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra. Đây là động thái tố tụng mới nhất sau gần hai năm kể từ khi TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM để điều tra lại nhằm làm rõ những người nhận hối lộ cũng như hành vi liên quan khác.

Người nhận hối lộ: Bóng chim tăm cá

Tưởng là lần này, khi có sự ra tay của CSĐT cấp bộ thì kết quả sẽ hợp lý hơn theo như các phân tích đã nêu của TAND cấp phúc thẩm nhưng không phải vậy.

Cụ thể, theo kết luận trên, Bộ Công an đã đề nghị truy tố một bị can là cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về tội môi giới hối lộ. Đồng thời, bộ này cũng đề nghị truy tố ba bị can đầu vụ và một số bị can khác về tội đưa hối lộ.

Các bị cáo trong đường dây logo xe vua hầu tòa. Ảnh: HY

Riêng về tội nhận hối lộ, kết luận điều tra trên cho rằng trong quá trình điều tra lại, các cán bộ CSGT, thanh tra giao thông đều không thừa nhận đã nhận hối lộ của các bị can để bảo kê xe quá tải. Tuy có lời khai của các bị can và sổ sách ghi chép nhưng đó chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất, không có tài liệu khác chứng minh. Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ.

Tính ra, vụ án có đến chín người đưa hối lộ gần chục tỉ đồng kèm theo các thông tin chi tiết về thời gian, số lần, tên người nhận tiền… và một người môi giới hối lộ nhưng tuyệt nhiên không có người nhận hối lộ!

Đa phần chỉ xử người đưa hối lộ

Vụ án logo xe vua lại lần nữa cho thấy chuyện có người đưa hối lộ nhưng không có người nhận hay ngược lại, có người nhận hối lộ nhưng không có người đưa, nghe hết sức bất thường nhưng lâu nay vẫn diễn ra phổ biến.

Còn nhớ trong vụ đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an và 90 đồng phạm mà Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố cũng có nghịch lý tương tự. Tại tòa, chủ tọa công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương thể hiện đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) 2,7 tỉ đồng và 1 triệu USD; đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, Bộ Công an) 22 tỉ đồng. Ngoài ra, Dương còn khai đã cho ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD. Ông Vĩnh thì nói rằng đã mua đồng hồ này và đã trả cho Dương 1,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra đã kết luận việc Dương khai cho ông Hóa 22 tỉ đồng, cho ông Vĩnh tiền và hiện vật nêu trên là có cơ sở nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi nhận hối hộ. Vì vậy, vẫn không có ai bị truy cứu, xét xử về tội nhận hối lộ (riêng đối với tội đưa hối lộ thì các bị can được miễn truy cứu do họ thỏa mãn được các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự).

Tương tự, trong vụ án liên quan đến việc mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh ở Công ty cổ phần VN Pharma, bị cáo Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) bị TAND Cấp cao tại Hà Nội y án sơ thẩm năm năm tù về tội đưa hối lộ và tịch thu sung công tiền dùng hối lộ hơn 10 tỉ đồng. Cùng với đó, có hai bị cáo bị tuyên án 15-18 tháng tù về tội môi giới hối lộ.

Riêng một cán bộ của VKSND Tối cao mà theo lời khai của các bị cáo đã được giao nhận tiền hối lộ thì do người này không thừa nhận, cơ quan điều tra không khởi tố, hai cấp tòa không kiến nghị xử lý gì nên đã không có ai bị xét xử tội nhận hối lộ.

Ba tội độc lập

Có nhiều người thắc mắc: Vì sao các cơ quan tố tụng đã quy kết được là có người đưa/nhận hối lộ nhưng lại không buộc được tội nhận/đưa hối lộ, trong khi theo lẽ thường có đưa mới có nhận và có nhận ắt phải có đưa?

Về pháp lý, cần lưu ý là tuy có mối quan hệ với nhau ở những tình tiết trong vụ án nhưng ba tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ là những tội độc lập trong Bộ luật Hình sự. Theo các quy định của pháp luật hiện tại, các cơ quan tố tụng không bị bắt buộc khi truy cứu tội này thì nhất thiết phải truy cứu được tội kia.

Thêm một nguyên tắc rất quan trọng trong việc xử lý hình sự, đó là để xác định một người là người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự đ?i v?i ng??i ??, c?c?ối với người đó, các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, VKS, tòa án) phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì không thể kết tội người đó.

Theo đó, chứng cứ có thể lấy được từ nguồn vật chất (ví dụ như vật chứng) hay từ nguồn phi vật chất (lời khai, lời nhận tội, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản). Có điều là chúng chỉ có giá trị chứng minh khi nó tồn tại khách quan (không bịa đặt, thêm bớt, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với chứng cứ khác) và được thu thập hợp pháp. Lời khai, lời nhận tội hay không nhận tội sẽ không có ý nghĩa nếu nó không có cơ sở và không phù hợp với chứng cứ khác, không logic với diễn biến vụ án.

Từ các quy định nêu trên mà trong số ít vụ án hối lộ, đối với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, dù chỉ có lời khai của một phía và không có bằng chứng giao nhận tiền nhưng các cơ quan pháp luật đã đấu tranh và chuyển hóa thành công các dấu hiệu thành chứng cứ để xử được đủ các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Sơn La (ban đầu có người khai nhận hối lộ nhưng không ai chịu thừa nhận đã đưa hối lộ) là một đơn cử cho nỗ lực phá án triệt để này.

Ngược lại, trong rất nhiều vụ có yếu tố hối lộ tương tự vẫn chỉ có tội môi giới, đưa hối lộ. Đối với hành vi nhận hối lộ dính líu đến những người có chức, quyền, tiền, cũng viện dẫn các quy định về chứng cứ nêu trên, nhiều cơ quan tố tụng đã buông tay với lý do không ai thừa nhận đã nhận tiền, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, trong những vụ án đưa nhận hối lộ thường là chỉ có người đưa, người nhận tay đôi, các cơ quan tố tụng có thể nêu điều luật này điều luật nọ để không xử lý hoặc chỉ xử lý một phần của thực tế giao dịch bất hợp pháp. Tất nhiên, xã hội không thể chấp nhận được thiếu sót lớn này nên tựa như các cơ quan có thẩm quyền đang nợ mọi người món nợ trách nhiệm phòng chống tham nhũng để cần phải tìm mọi cách tháo gỡ bằng được.

Bộ Công an từng xử lý được cả hai tội

Cuối năm 2019, liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Kết quả sau đó là có một cựu giáo viên bị xét xử tội đưa hối lộ, một cựu hiệu phó bị xét xử tội nhận hối lộ… (nhiều giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ của Sở GD&ĐT tỉnh bị xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Mức phạt khác nhau của ba tội

1. Tội đưa hối lộ: Mức hình phạt theo khoản 1 là phạt tiền 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức hình phạt theo khoản 4 là 12-20 năm tù.

2. Tội nhận hối lộ: Mức hình phạt theo khoản 1 là 2-7 năm tù. Mức hình phạt theo khoản 4 là tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

3. Tội môi giới hối lộ: Mức hình phạt theo khoản 1 là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức hình phạt theo khoản 4 là 8-15 năm tù.

(Theo các điều 354, 364, 365 Bộ luật Hình sự 2015)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...