Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ tố cáo của gia đình một bé gái, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng ông Nguyễn Trần (ngụ huyện Xuân Lộc) đã nhiều lần giao cấu với bé gái này lúc cháu mới 12 tuổi, làm cháu có thai nên đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần về tội hiếp dâm trẻ em.
Nóng vội làm oan
Sau đó, VKSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố ông Trần về tội này. Cuối năm 2006, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên xử sơ thẩm nhưng tuyên trả hồ sơ vì ông Trần kêu oan, tố bị bức cung, dùng nhục hình và vụ án còn nhiều tình tiết chưa rõ.
CQĐT đã trưng cầu giám định ADN với cháu bé con của nạn nhân. Theo kết quả giám định, ông Trần không phải là cha cháu bé (cha ruột cháu bé là ai thì nạn nhân không chịu khai với CQĐT). Dù vậy, CQĐT vẫn đề nghị truy tố ông Trần về tội hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Đồng Nai lại xác định khi ông Trần có hành vi giao cấu thì nạn nhân đã hơn 13 tuổi nên chuyển sang truy tố ông về tội giao cấu với trẻ em.
Tháng 5-2007, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai. Tại tòa, ông Trần vẫn một mực kêu oan. Khi tòa đưa ra hai bản khai nhận có chữ ký của ông thì ông cho biết bị ép cung, dùng nhục hình. Tòa hoãn xử. Một tháng sau, tòa mở lại phiên xử nhưng phía người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập nên tòa tiếp tục hoãn xử.
Ngày 22-12-2007, VKSND tỉnh Đồng Nai đã thả ông Trần sau hơn 21 tháng tạm giam, đồng thời ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 30-3-2008, Cơ quan CSĐT công an tỉnh này đã ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội của Nguyễn Trần - giao cấu với trẻ em”, căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS.
Ông Nguyễn Trần, người suốt bảy năm qua liên tục khiếu nại đòi bồi thường oan nhưng VKSND tỉnh Đồng Nai không giải quyết. Ảnh: V.HỘI
Bảy năm không chịu bồi thường
Từ đó, ông Trần liên tục gửi đơn đến các cơ quan như VKSND tỉnh Đồng Nai, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an... để yêu cầu bồi thường oan. Các cơ quan này đều có thông báo chuyển đơn của ông đến VKSND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết theo thẩm quyền nhưng cho đến nay, đã bảy năm trôi qua, VKSND tỉnh Đồng Nai vẫn cứ im lặng.
Để tìm hiểu vì sao VKSND tỉnh Đồng Nai không giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Trần, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với cơ quan này. Lãnh đạo Phòng Khiếu tố cho biết đã chuyển đơn của ông Trần lên lãnh đạo VKS tỉnh. Chúng tôi liên hệ với ông Hồ Văn Năm (Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai) thì ông Năm cho biết đã giao cho Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 1A) xem xét, giải quyết.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ thì ông Nguyễn Phạm Hùng (Trưởng phòng 1A) nói bận và giao cho ông Đặng Thành Hưng (Phó Trưởng phòng 1A) làm việc với chúng tôi. Ông Hưng cho biết VKS tỉnh đã nhận được đơn yêu cầu bồi thường oan của ông Trần. Theo quan điểm đề xuất của cá nhân ông thì trường hợp của ông Trần “không thuộc diện bồi thường theo quy định” nhưng “giải quyết như thế nào thì để cấp trên xem xét và sẽ có quyết định cụ thể”.
Theo luật, VKS tỉnh phải bồi thường oan!
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia khẳng định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp đình chỉ điều tra vì đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội như ông Trần được xác định là oan. Trong thực tiễn, đã có rất nhiều vụ tương tự được cơ quan làm oan tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), khoản 1 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định rất rõ: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người bị tình nghi không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ở vụ việc này, quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai nêu rõ lý do đình chỉ điều tra với ông Trần là đã hết thời hạn mà không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, ông Trần đương nhiên không phạm tội vì cơ quan tố tụng không chứng minh được ông có hành vi phạm tội.
Mặt khác, theo Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về VKSND tỉnh Đồng Nai. Việc suốt bảy năm qua, VKSND tỉnh Đồng Nai không chịu giải quyết yêu cầu bồi thường oan của ông Trần thể hiện sự tắc trách, chưa làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan làm oan theo luật định.
Đồng tình, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế cũng khẳng định: “Ông Trần bị oan đã rõ. Hậu quả của việc làm oan ông Trần không chỉ xảy ra đối với bản thân ông mà cho cả vợ con và người thân của ông. Như báo đã thông tin, sau khi ông Trần bị bắt, vợ ông chết, đứa con trai duy nhất mới 10 tuổi không người chăm sóc phải đi xin ăn, hiện ông lại đang bị bệnh. Không có lý do gì mà VKSND tỉnh Đồng Nai lại để vụ việc này kéo dài hơn nữa”.
Một số vụ tương tự đã được bồi thường - Sáng 11-8-2015, VKSND TP.HCM đã tổ chức xin lỗi công khai ông Trương Bá Nhàn tại hội trường UBND phường 13 (quận Bình Thạnh, nơi ông Nhàn từng cư trú khi bị bắt oan). Trước đó, ngày 3-8, VKS TP đã mời ông Nhàn đến bàn về chuyện nhận gần 296 triệu đồng tiền bồi thường qua tài khoản. Ngoài ra, VKS TP sẽ đăng báo công khai xin lỗi ông Nhàn (trong ba số báo liên tiếp) trên hai báo Pháp Luật TP.HCM và Thanh Niên. Theo hồ sơ, 14 năm trước, em NTNP đi học về nhà ở đường Lạc Long Quân (phường 11, quận Tân Bình) thì phát hiện mẹ mình nằm chết trên nền nhà, mặt và đầu đầy máu. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay trùng khớp với ông Nhàn (con bạn dì chồng nạn nhân). Ông Nhàn bị bắt, bị khởi tố về tội giết người và cướp tài sản. Ông kêu oan. Năm 2003, ba lần TAND TP.HCM tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng không phiên tòa nào được mở mà tòa phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tháng 9-2006, sau 1.346 ngày bị tạm giam, ông Nhàn được tại ngoại. Một tháng sau, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do đã hết thời hạn điều tra nhưng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. - Tháng 7-2014, TAND huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã tuyên chính mình phải bồi thường cho anh Nguyễn Minh Sang hơn 95 triệu đồng và xin lỗi công khai vì từng kết án oan anh Sang. Tháng 8-2011, anh Sang bị Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Cuối năm này, TAND huyện phạt anh chín tháng tù, anh kháng cáo kêu oan, sau đó TAND tỉnh hủy án sơ thẩm. Điều tra lại không có kết quả, tháng 11-2012, công an huyện đình chỉ vụ án với lý do hành vi phạm tội của anh không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 1 Điều 25 BLHS). Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích lý do đình chỉ điều tra không đúng luật, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Tiền Giang xem xét lại vụ việc. Kết quả là công an huyện đã ra quyết định “đính chính” lý do đình chỉ điều tra là hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. |