Không kháng cáo, 2 ‘ông trùm’ đánh bạc vẫn phải ra tòa

Sáng 5-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc ngàn tỉ đồng do hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục C50) “bảo kê”.

Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương vắng mặt

Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ để xem xét kháng cáo của 36 bị cáo và kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ đối với 47 bị cáo, trong đó có Phan Sào Nam (cựu giám đốc Công ty VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch Công ty CNC). Do đó, dù không kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng hai bị cáo Nam và Dương vẫn bị triệu tập tới tòa vì bị kháng nghị.

Ngay từ sáng sớm, an ninh được siết chặt tại các khu vực xung quanh trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ. Hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát hỗ trợ tư pháp được điều động nhằm đảm bảo trật tự phiên tòa.

Không giống với sơ thẩm, phiên tòa lần này được bố trí tại một phòng xử thay vì ngoài sân. Những người được tòa triệu tập đều phải qua nhiều lớp kiểm tra của công an mới được vào trong.

Phía bên ngoài, một bàn làm việc được xếp ngay ngắn để làm thủ tục đăng ký đưa tin cho báo chí. Các phóng viên tiếp tục theo dõi diễn biến xét xử tại phòng tác nghiệp riêng biệt, thông qua màn hình tivi.

Tại phần làm thủ tục, tòa cho biết tổng cộng 22 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Đại diện VKS khẳng định quá trình thẩm vấn, nếu cần triệu tập, 22 người này có thể được triệu tập tới tòa bất cứ lúc nào. Những bị cáo khác trong vụ án cũng tương tự, dù họ không có kháng cáo hay kháng nghị (bao gồm hai cựu tướng công an - PV).

Đáng chú ý, trong các bị cáo có mặt, Nguyễn Quốc Tuấn (cựu giám đốc Công ty CNC) là người duy nhất rút đơn kháng cáo, tuy nhiên bị cáo này vẫn nằm trong nội dung kháng nghị của VKS nên tiếp tục hầu tòa.

HĐXX phiên tòa phúc thẩm gồm ba thẩm phán, giữ quyền công tố tại tòa là hai kiểm sát viên VKSND Cấp cao tại Hà Nội. Ngoài ra có tám luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó Phan Sào Nam có một luật sư.

Hai bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tại phiên sơ thẩm hồi tháng 11-2018. Ảnh: T.PHAN

Không có sự phân hóa giữa hai “ông trùm”

VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị về ba nội dung, trong đó cơ quan công tố cho rằng HĐXX đã không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp tiền thu lời bất chính là tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện khắc phục hậu quả” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS, mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999.

Cụ thể, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 1/2 số tiền thu bất chính trở lên là tình tiết “tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, có như vậy mới bảo đảm sự phân hóa tội phạm trong vụ án đặc thù này.

Để chứng minh cho luận điểm trên, VKS đưa ra ví dụ Phan Sào Nam tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỉ đồng, tương ứng trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có. Trong khi Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỉ đồng, tương ứng chưa được 17% trên tổng số tiền tổ chức đánh bạc mà có.

VKS cho rằng nếu không có chính sách rõ ràng, không cho áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS sửa đổi năm 2017 mà chỉ cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 46 BLHS sửa đổi năm 2009 thì sẽ đánh đồng ý thức chấp hành pháp luật giữa người chấp hành tốt với người chấp hành ở mức độ không tốt trong việc tự giác nộp lại tài sản do phạm tội mà có.

“Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, HĐXX sơ thẩm không dựa trên căn cứ pháp luật mà tính chủ quan, áp đặt, trái với nguyên tắc tại Điều 50 BLHS năm 2015, không đảm bảo nguyên tắc công bằng về hình phạt giữa các bị cáo nên không được dư luận đồng tình” - bản kháng nghị nêu.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Cựu tướng Vĩnh chín năm tù, cựu tướng Hóa 10 năm tù

Cuối tháng 11-2018, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án với các bị cáo trong đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ đồng. HĐXX phạt cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh chín năm tù, cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù, cùng về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Văn Dương lãnh án năm năm tù về tội tổ chức đánh bạc và năm năm tù về tội rửa tiền (tổng cộng hình phạt là 10 năm tù). Phan Sào Nam lần lượt lãnh án hai năm tù và ba năm tù về hai tội danh trên (tổng cộng là năm năm tù). 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là phạt tiền 40 triệu đồng, cao nhất là ba năm sáu tháng tù về các tội: rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị 12 vấn đề với các bộ, ngành và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ để tiếp tục xác minh ở giai đoạn 2 của vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...