Ngày 13-2, TAND thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) và Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) trong vụ lùi xe trên cao tốc khiến năm người tử vong.
Cả hai cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 3 Điều 202 BLHS năm 1999 (khung hình phạt 7-15 năm tù). Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm khi bị cáo Hoàng liên tục kêu oan.
Người lùi xe, người không tuân thủ quy định tốc độ
Theo cáo trạng, chiều 19-11-2016, Ngô Văn Sơn điều khiển xe Innova chở theo 10 người di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Khi đi qua lối ra tại nút giao Yên Bình (thuộc địa phận thị xã Phổ Yên), Sơn bật xi nhan, điều khiển xe tấp vào lề phải và bật đèn cảnh báo nguy hiểm để cho một cháu bé xuống nôn.
Sau đó, Sơn lùi xe nhằm quay lại để đi ra nút giao Yên Bình. Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơmoóc chở thép đi tới với vận tốc 62 km/giờ. Khi đến gần nút giao, Hoàng thấy phía bên phải đường có biển báo nguy hiểm “Giao nhau với đường không ưu tiên” và biển báo “Đi chậm” nhưng không giảm tốc độ.
Tiếp đó, phát hiện phía trước cùng làn đường có xe Innova cách mình khoảng 70 m, đang bật đèn thắng đỏ nhưng bị cáo Hoàng vẫn không giảm tốc độ. Khi còn cách khoảng 30 m, Hoàng phát hiện xe của Sơn đang lùi, lúc này bên trái có xe đang đi đến nên Hoàng không chuyển làn được. Khi còn khoảng 10 m, Hoàng mới đạp thắng và đánh lái về phía bên phải đường.
Tuy nhiên, do quá gần, đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe của Sơn, đẩy đi khoảng 38 m thì dừng lại, khiến năm người tử vong.
Cơ quan công tố cáo buộc nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do Sơn điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép, lùi xe ở khu vực cấm dừng.
Trong khi đó, Hoàng không tuân thủ quy định về tốc độ chạy xe trên đường, cụ thể là không giảm tốc độ xuống 60 km/giờ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm “Đi chậm” mà vẫn di chuyển với tốc độ 62 km/giờ.
Ngoài ra, Hoàng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT. Bởi theo sự giải thích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi Sơn điều khiển xe lùi và có bật đèn cảnh báo nguy hiểm thì thuộc trường hợp giao thông không bình thường. Khi gặp trường hợp này, Hoàng phải khẩn trương giảm tốc độ tới mức an toàn, có thể giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu và nếu nguy hiểm không thể đi được thì phải dừng lại.
Bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hai bị cáo khai mâu thuẫn nhau
Tại tòa, Ngô Văn Sơn không có ý kiến gì với bản cáo trạng của VKS. Lê Ngọc Hoàng thì một mực phản đối, thậm chí đề nghị thay kiểm sát viên vì cho rằng vị này từng thụ lý hồ sơ ở giai đoạn sơ thẩm lần một nên sẽ không khách quan. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được HĐXX chấp nhận.
Trong phần xét hỏi, Sơn trình bày lại các tình tiết của vụ án cơ bản giống với cáo trạng, trong đó khẳng định khi dừng và lùi xe có bật đèn cảnh báo. Ngược lại, Hoàng khai trước khi đến nút giao Yên Bình nhìn thấy trên giá long môn có biển báo quy định tốc độ tối thiểu - tối đa và hai biển cảnh báo “Đi chậm”, “Giao nhau với đường không ưu tiên”.
Bị cáo hiểu rằng mình được lái xe với tốc độ 60-100 km/giờ; còn biển báo “Đi chậm” là dành cho những xe rẽ ra nút giao Yên Bình, xe của bị cáo đang đi thẳng nên được quyền ưu tiên, tiếp tục đi với tốc độ 62 km/giờ.
Cũng theo Hoàng, bị cáo có quan sát gương chiếu hậu, gương phụ bên lái, phía trước và phát hiện một chiếc xe màu trắng (xe Innova của Sơn - PV) ở phía trước không cùng làn đường, giáp hàng rào tôn lượn sóng.
Khi còn cách khoảng 70 m, Hoàng thấy đèn thắng của xe Innova nháy đỏ rồi tắt, ngoài ra không có đèn gì khác, chiếc xe vẫn đang giáp hàng tôn. Để an toàn, Hoàng rà thắng nhằm chuyển sang làn bên trái nhưng không được vì đang có xe đi tới. Khi còn cách 50-60 m, Hoàng phát hiện xe Innova đang lùi chéo nên đã đạp chết thắng. Xe của Hoàng lết trên đường một đoạn, các bó thép trên xe lao xuống…
Hoàng nhiều lần khẳng định không có lỗi gì trong vụ án này vì đã làm hết khả năng để tránh xe của Sơn, cáo buộc của VKS là rất oan ức. Bị cáo đã tuân thủ đúng theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT về việc giảm tốc độ thấp hơn tối đa (62 km/giờ so với 100 km/giờ) khi thấy xe của Sơn.
Như vậy, Lê Ngọc Hoàng có nhiều lời khai vênh so với tài liệu truy tố. VKS cáo buộc khi chỉ còn cách xe của Sơn 10 m thì Hoàng mới đạp chết thắng, còn tài xế xe container lại khai đã đạp chết thắng từ khoảng cách hơn 50 m.
Ngoài ra, lời khai của Hoàng và Sơn cũng mâu thuẫn nhau về việc xe Innova có bật đèn cảnh báo khi dừng và lùi hay không. Hoàng nói không nhưng Sơn lại nói có. Hai nhân chứng (một người ngồi trên xe Innova, một người đi qua và quan sát từ xa) được triệu tập tới tòa cũng đều khẳng định Sơn có bật đèn này.
Hôm nay (14-2), tòa tiếp tục xét xử.
Thay đổi cáo buộc sau khi bị hủy án Tháng 11-2018, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt Ngô Văn Sơn chín năm tù (giảm một năm so với bản án sơ thẩm), Lê Ngọc Hoàng sáu năm tù (giảm hai năm), đồng thời phải bồi thường gần 1,2 tỉ đồng. Cả VKS và HĐXX đều cho rằng theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT thì Hoàng đã vi phạm về khoảng cách an toàn giữa hai xe và không giảm tốc độ tối đa cho phép để có thể dừng lại một cách an toàn khi gặp chướng ngại vật trên đường. Ngay sau phiên tòa, dư luận đã phản ứng dữ dội vì cho rằng với việc một xe đang tiến và một xe đang lùi thì yêu cầu giữ khoảng cách an toàn là điều không thể. Ngày 30-11, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội sau khi xem xét giám đốc thẩm đã quyết định hủy cả hai bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. Đến nay, cáo trạng của VKSND thị xã Phổ Yên đã loại bỏ cáo buộc Hoàng không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe, thay vào đó là những vi phạm như đã nêu trên. Đáng chú ý, VKS cho biết một số nội dung yêu cầu điều tra lại tại quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao không thể thực hiện được. Ví dụ, xác định tình trạng kỹ thuật hệ thống thắng của xe đầu kéo và rơmoóc; với tốc độ và trọng lượng xe như trong vụ án thì khi nhấn chết thắng, xe còn di chuyển bao nhiêu mét mới dừng hẳn... |